Vụ cháy chung cư Xa La (Hà Nội) mới đây là một hồi chuông báo động về công tác PCCC ở các tòa nhà cao tầng. Tại TPHCM, tòa nhà cao nhất đã lên tới 68 tầng, trong khi lực lượng PCCC chỉ được trang bị xe thang có chiều dài thang vươn cao đến một tòa nhà 20 tầng. Trên thực tế, nhiều nhà cao tầng không đảm bảo an toàn PCCC, nguy hiểm luôn chực chờ nếu chẳng may sự cố xảy ra.
CB-CS Cảnh sát PCCC TPHCM thực tập cứu nạn từ trên cao
Nhiều thiếu sót về PCCC
TPHCM có trên 1.000 nhà từ 7 tầng trở lên; trong đó 488 nhà cao 10-20 tầng; 103 công trình cao từ 20-30 tầng và 17 công trình cao trên 30 tầng. Các nhà cao tầng thường có số lượng người đông, công năng sử dụng phức tạp, tập trung khối lượng chất cháy lớn, nên luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Tuy nhiên, có nơi, có lúc các cơ sở vẫn chưa đề cao và quan tâm đúng mức thực hiện các biện pháp an toàn PCCC. Còn đối với người dân, hỏa hoạn được cho là vấn đề “trời kêu ai nấy dạ”.
TP cũng từng xảy ra nhiều vụ cháy ở nhà cao tầng như ở tòa nhà văn phòng - chung cư CoPac (quận 4) vào năm 2014; tầng 4 khách sạn Sofitel Saigon Plaza (quận 1) năm 2013; cháy cao ốc Maritime Bank (quận 1) năm 2012…
Diễn tập phương án PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại tòa nhà Kumho Asiana
Trong khi đó, chủ đầu tư và Ban quản lý tòa nhà vẫn thờ ơ với công tác PCCC. Để tiết kiệm chi phí, chủ đầu tư đã “tiết kiệm” luôn các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC. Nhiều cơ sở như chung cư H3 quận 4; chung cư cao cấp Hoàng Anh 1 - quận 7; chung cư Miếu Nổi - quận Bình Thạnh có diện tích sàn, tầng hầm, chiều dài hành lang vượt quá tiêu chuẩn nhưng không có giải pháp ngăn cháy bổ sung hoặc có nhưng không đảm bảo. Hầu hết các nhà cao tầng đều không trang bị đầy đủ thiết bị chiếu sáng sự cố, biển chỉ dẫn trên lối thoát nạn hoặc trang bị thiếu, đã trang bị nhưng bị hư hỏng và đặt ở vị trí chưa hợp lý. Việc không đảm bảo chiếu sáng và chỉ dẫn trên lối thoát nạn sẽ khiến việc di chuyển thoát nạn khi có sự cố gặp nhiều khó khăn, gây nên tình trạng hỗn loạn, đặc biệt với trẻ nhỏ, người già yếu và khách vãng lai.
Cảnh xe gắn máy cản trở lối đi, lối thoát nạn là thực tế không hiếm ở các nhà cao tầng. Tại chung cư Nguyễn Thái Bình, người dân lấn chiếm lối sinh hoạt chung để nấu nướng, thậm chí bày bán hàng quán. Có nơi, người dân còn cơi nới thêm gác gỗ để tăng diện tích sử dụng. Hoặc, đề cao việc chống trộm, song lại xem nhẹ công tác cứu hộ cứu nạn khi xảy ra hỏa hoạn. Có thể thấy, mặt trái của việc gia cố khung sắt, cơi nới lấn chiếm không gian không những làm mất mỹ quan đô thị mà tính mạng và tài sản người dân sẽ ra sao nếu hỏa hoạn xảy ra, bởi khả năng thoát nạn và cứu hộ đã bị hạn chế?
TPHCM có tốc độ đô thị hóa nhanh, việc giải phóng mặt bằng để làm dự án mới tạo nên áp lực với các khu chung cư tái định cư, nhà chung cư giá rẻ. Nhưng việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng dẫn đến nhiều thiếu sót về công tác PCCC và hồ sơ pháp lý chưa đảm bảo theo quy định. Nhiều khu chung cư bàn giao từng phần, từng căn hộ khi công trình chưa hoàn thành, chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC, chưa thành lập Ban quản lý, Ban quản trị cũng như Đội PCCC nhưng chủ đầu tư đã đưa công trình vào hoạt động.
Hiện vẫn chưa có quy chế quản lý chung cư và chức năng, nhiệm vụ của Ban quản lý chung cư. Vì thế, nhiều chung cư còn lộn xộn; chung cư thuộc sự quản lý của UBND địa phương thì chưa rõ cơ quan nào là cơ quan chịu trách nhiệm chính về PCCC (chủ đầu tư xây dựng hay đơn vị tiếp nhận sử dụng) nên không biết buộc đơn vị nào có trách nhiệm thực hiện những điều kiện PCCC theo quy định của pháp luật.
Việc bảo dưỡng các trang thiết bị PCCC luôn đòi hỏi kinh phí lớn. Nhưng phần lớn các chung cư hiện nay ban quản lý đều do người dân bầu ra, ngân sách riêng hạn hẹp vì khó huy động sự đóng góp của người dân. Chủ đầu tư cũ đã “hết trách nhiệm” khi bàn giao lại cho địa phương quản lý nên rất khó huy động được nguồn tài chính thường xuyên để duy trì hệ thống trang thiết bị PCCC theo tiêu chuẩn hiện hành.
Đặc biệt, TP còn nhiều nhà cao tầng có tuổi đời 40, 50 năm, nay đã xuống cấp nghiêm trọng và không đảm bảo các yêu cầu về PCCC theo quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành. Riêng chung cư cao tầng, TP có 84 chung cư trên 40 tuổi (trong tổng số 223 chung cư cao trên 10 tầng trên địa bàn TP). Các chung cư lâu năm này thường thiếu hoặc không đảm bảo các yêu cầu theo quy định về hệ thống tăng áp buồng thang; thông gió, hút khói hành lang, tầng hầm; giải pháp chống cháy lan trong hộp kỹ thuật giữa các tầng; hệ thống điện… Một tồn tại khác là, lực lượng cảnh sát PCCC có thể tiến hành tạm đình chỉ hoạt động với các cơ sở có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy nổ hoặc không khắc phục các thiếu sót về PCCC trong thời gian quy định. Tuy nhiên, đối với các chung cư, dù có vi phạm nghiêm trọng an toàn PCCC, thậm chí, nhiều chung cư cũ, xuống cấp nghiêm trọng nhưng Cảnh sát PCCC TPHCM không… đình chỉ hoạt động của chung cư được, bởi đây là nơi ăn ở, sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Cháy nhà cao tầng, nguy hiểm như thế nào?
Thực tế cho thấy các vụ cháy tại các chung cư cao tầng đặc biệt nguy hiểm vì là nơi tập trung đông người, khi xảy ra cháy đám cháy sẽ lan nhanh chóng từ dưới lên trên, phát triển nhanh theo chiều cao công trình. Cháy trong nhà cao tầng thường kèm theo khói khí độc với nồng độ cao do có sự tích tụ khói trong các lối và đường thoát nạn. Điều đó làm ảnh hưởng lớn đến công tác cứu người bị nạn và dập tắt đám cháy. Số tầng của công trình càng cao, công trình có tầng hầm càng nhiều thì tính chất, mức độ nguy hiểm về cháy, nổ càng phức tạp.
Công tác thoát nạn và chữa cháy đối với công trình gặp khó khăn, phức tạp vì số lượng lối tiếp cận hạn chế. Nhà càng cao tầng thì lối thoát nạn càng dài, thời gian thoát nạn lâu, trong khi tốc độ, áp lực của gió trên cao làm tăng tốc độ cháy lan và mức độ phức tạp của đám cháy. Ở các công trình có tầng hầm, việc đối lưu không khí rất hạn chế nên khói không thoát ra ngoài được, mật độ khói dày đặc tăng lên rất nhanh, nếu không có biện pháp thoát khói hữu hiệu sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng con người và công tác tổ chức chữa cháy. Một thống kê của Cảnh sát PCCC TPHCM, có tới 63,7% tầng hầm chung cư chưa đáp ứng tiêu chuẩn chống tụ khói.
Đâu là giải pháp trong thời gian tới?
Trước tình hình trên, Cảnh sát PCCC TPHCM đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng cường đảm bảo an toàn PCCC trong thời gian tới. Trước hết, về cơ chế quản lý các chung cư, Cảnh sát PCCC TPHCM đề xuất UBND TPHCM chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các Sở, ban ngành chức năng, UBND các cấp tham mưu xây dựng Quy chế về quản lý chung cư. Trong đó, quy định rõ về mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các Ban quản lý, Ban quản trị chung cư, đảm bảo cho tổ chức này có đủ điều kiện về nhân sự cũng như về kinh phí để thực hiện tốt công tác quản lý điều hành các hoạt động của chung cư, trong đó có công tác PCCC.
Ngay trong giai đoạn lập dự toán xây dựng, chủ đầu tư cần phải dự trù kinh phí cho việc lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống và trang thiết bị PCCC, đồng thời có kế hoạch sử dụng kinh phí bảo dưỡng hàng năm của chung cư để thực hiện công tác này trong thời gian về sau. Lãnh đạo các cấp ở địa phương và người đứng đầu cơ sở, phụ trách quản lý tòa nhà phải chủ động ban hành các nội quy, quy định và biện pháp PCCC; tổ chức tham gia các hoạt động PCCC; trang bị các phương tiện PCCC tại chỗ; tổ chức tự kiểm tra, khắc phục kịp thời những vi phạm không đảm bảo về PCCC… Tùy vào điều kiện thực tế, Ban quản lý chung cư phải có kế hoạch xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến cư dân nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC.
Cảnh sát PCCC TPHCM kiểm tra an toàn PCCC một nhà cao tầng
Về trách nhiệm của Cảnh sát PCCC TPHCM, cơ quan này cho biết, sẽ thực hiện nghiêm các quy định về xây dựng, các quy định về an toàn PCCC trong quá trình xây dựng và đưa công trình vào hoạt động. Làm tốt công tác thẩm duyệt về PCCC ngay từ ban đầu đối với các công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về PCCC. Đối với các nhà cao tầng hiện hữu đã đưa vào hoạt động trước khi có Luật PCCC, Cảnh sát PCCC TPHCM tiếp tục rà soát, kiểm tra việc thực hiện công tác thẩm duyệt về PCCC. Nếu không đảm bảo các yêu cầu về an toàn PCCC, sẽ tiến hành thẩm duyệt lại để thực hiện đúng các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC theo quy định hiện hành.
Để đáp ứng yêu cầu phát hiện cháy sớm và chữa cháy kịp thời, yêu cầu các chung cư cao tầng phải kết nối với Trung tâm Cảnh báo cháy của Cảnh sát PCCC TPHCM.
Cảnh sát PCCC TPHCM sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, tập huấn giúp người dân ở các nhà cao tầng nắm bắt và thực hiện các kiến thức cơ bản về PCCC như: thoát nạn, sử dụng điện, quản lý sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, quản lý chất hàng nguy hiểm về cháy nổ trong các khu chung cư cao tầng. Đồng thời, củng cố, huấn luyện, trang bị kỹ năng, chiến thuật cho lực lượng PCCC tại chỗ biết cách sử dụng và sử dụng thành thạo các kỹ năng chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. Lập và tổ chức thực tập thường xuyên phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với nhiều tình huống khác nhau ở cơ sở để lực lượng này có khả năng sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Nhiều người coi thang máy là lối thoát nạn, thực tế thì hoàn toàn ngược lại, bởi: - Khi có cháy, thang máy sẽ tự động trở về tầng trệt mở cửa và ngưng hoạt động. Nguồn điện sẽ bị ngắt, theo đó đèn chiếu sáng và hệ thống thông gió trong thang máy cũng ngưng làm việc. - Giếng thang máy lúc này trở thành ống dẫn khói, lửa khổng lồ, đôi khi bị kẹt trên hành trình về tầng trệt nên đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người trong thang máy. - Cho dù thang máy có nguồn điện riêng để hoạt động, hành trình thang máy sẽ ra sao nếu đồng loạt các tầng đều gọi thang mà thang thì không được phép dừng ở tầng đang bị cháy? Và thang cũng chở tối đa được 10-12 người/chuyến. Lối thoát nạn ở nhà cao tầng phải đảm bảo các yêu cầu: - Có đủ lối thoát nạn, bố trí phòng lánh nạn tạm thời, lối thoát nạn dự phòng; có giải pháp ngăn lửa, chống tụ khói cho hệ thống lối thoát nạn. - Cửa trên lối thoát nạn mở theo chiều thoát nạn, làm bằng vật liệu không cháy; cửa vào buồng thang thoát nạn là cửa chống cháy và có cơ cấu tự đóng. - Có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn cho toàn bộ công trình, từng khu vực, từng tầng. Có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn. - Trong thời gian hoạt động tất cả các cửa thoát hiểm phải luôn ở trạng thái mở. Tuyệt đối không xếp hàng hóa, vật dụng trên các hành lang, lối vào cầu thang. |
MINH PHƯƠNG - BẢO PHƯƠNG