Vì vậy, tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn trên địa bàn quản lý là nhiệm vụ hết sức cấp bách và mang tính chiến lược cao và trên cơ sở đó, Cảnh sát PCCC TPHCM đã xác định nhiều nội dung trọng tâm đối với vấn đề này. Cụ thể, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức phòng ngừa cháy nổ và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác PCCC. Đồng thời, chú trọng phối hợp các cơ quan truyền thông đại chúng, cũng như các tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trong đoàn viên, hội viên nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng về công tác PCCC.
Cảnh sát PCCC TPHCM sẽ chủ động trong việc thực hiện những biện pháp, giải pháp phòng ngừa, hạn chế xảy ra cháy ở những cơ sở có nguy hiểm cao về cháy nổ và khu dân cư, như tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn về an toàn PCCC tại các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao; khu chế xuất, khu công nghiệp, khu dân cư, chung cư; khu vui chơi giải trí tập trung đông người; các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa, nhà ở kết hợp với kinh doanh, sản xuất trên địa bàn quản lý. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cửa hàng xăng dầu, gas, cơ sở hóa chất... Tích cực tham mưu cho lãnh đạo các cấp về tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành, chuyên đề để kịp thời rà soát, chấn chỉnh việc chấp hành quy định của pháp luật về PCCC; từ đó, làm cơ sở để hướng dẫn những biện pháp, giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn phù hợp với từng đối tượng, địa bàn.
Theo đại diện Cảnh sát PCCC TPHCM, đơn vị tiếp tục tổ chức thực hiện những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lan, quản lý chặt chẽ việc thực hiện những quy định về điều kiện an toàn PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình. Thực hiện nghiêm công tác thẩm duyệt về PCCC đối với các dự án, công trình trên địa bàn thành phố - nhất là yêu cầu về khoảng cách an toàn, chống cháy lan giữa các công trình, hạng mục công trình. Tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp bố trí, tồn chứa nguyên - vật liệu hàng hóa, phế phẩm... trên hành lang an toàn về PCCC giữa các hạng mục, công trình trong quá trình hoạt động. Phối hợp các sở ban ngành, UBND các quận huyện kiểm tra, xử lý công trình xây dựng sai thiết kế đã được cấp phép; cơi nới, lấn chiếm hành lang thoát nạn, vi phạm khoảng cách an toàn về PCCC; giải tỏa, tháo dỡ những công trình, cấu kiện xây dựng lấn chiếm đường giao thông và lối thoát nạn; cải tạo, mở rộng hẻm nhỏ, sâu trong khu vực dân cư; xử lý những bảng quảng cáo có thể gây cháy lan, cháy lớn và ảnh hưởng đến việc triển khai chữa cháy, cứu người bị nạn...
Một trong những nguyên nhân gây cháy lan, cháy lớn là do thông tin báo cháy không kịp thời. Vì vậy, thường xuyên tuyên truyền đến người dân việc sử dụng các số điện thoại 113 - 114 - 115; vận động các cơ sở, cơ quan, đơn vị có nguy hiểm về cháy nổ thực hiện kết nối với Trung tâm Cảnh báo cháy sớm của Cảnh sát PCCC thành phố để kịp thời phát hiện và xử lý khi xảy ra cháy nổ; tăng cường hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cơ sở kinh doanh, sản xuất tổ chức lực lượng và trang bị phương tiện PCCC, cứu nạn - cứu hộ tại chỗ, đủ năng lực để làm tốt công tác phòng ngừa và xử lý kịp thời, hiệu quả khi xảy ra cháy nổ ngay từ ban đầu...
Thêm vào đó, Cảnh sát PCCC TPHCM cũng tiếp tục tham mưu lãnh đạo các cấp đẩy nhanh tiến độ bố trí, xây dựng mạng lưới các đơn vị cảnh sát PCCC và cứu nạn - cứu hộ, nhằm rút ngắn bán kính bảo vệ và thời gian đến đám cháy; đảm bảo điều kiện về giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy. Tập trung xây dựng lực lượng chính quy, tinh nhuệ và ngày càng hiện đại, kiện toàn về cơ cấu, tố chức bộ máy; chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng huấn luyện nâng cao trình độ nghiệp vụ, chiến thuật, kỹ năng, tay nghề của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ; đề xuất đầu tư trang bị phương tiện, thiết bị, dụng cụ hiện đại, phù hợp với đặc điểm tình hình của thành phố đế phục vụ công tác PCCC và cứu nạn - cứu hộ.
Song song đó, đơn vị cũng tăng cường phối hợp diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn - cứu hộ đối với những cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ, khu dân cư để nắm chắc địa bàn và chủ động trong tổ chức ứng cứu khi có cháy nổ xảy ra. Từ đó, tham mưu UBND các cấp giải pháp để đảm bảo cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, đơn vị, ban ngành trực thuộc và địa phương trong việc chỉ huy, điều hành, điều động lực lượng, phương tiện khi xảy ra cháy nổ.