Sáng 28-6, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Đánh giá tác động của việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) lên tổng thể nền kinh tế và phúc lợi hộ gia đình”.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, thuế giá trị gia tăng (VAT) là nguồn thu ngân sách từ thuế lớn nhất. Mức hành thu VAT ở Việt Nam tương đối hiệu quả, do đó việc tăng thu ngân sách từ VAT hầu như chỉ còn phương án tăng thuế suất.
Trong cả 2 kịch bản được đề xuất, tăng thuế suất VAT tác động tiêu cực lên phúc lợi của tất cả các hộ gia đình. Trong khi đó, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có thể tạo ra nguồn thu ngân sách đáng kể, giảm bớt gánh nặng điều chỉnh vào thuế VAT và gánh nặng thuế đối với các nhóm thu nhập thấp.
Cụ thể, ở phương án tăng thuế lên 20% (phương án 1) thì tỷ lệ chi tiêu bình quân giảm đi 0,89%, tỷ lệ nghèo tăng lên 0,26 điểm phần trăm, tương ứng với khoảng 240.000 người nghèo tăng lên.
Phương án 2 (tăng thuế VAT lên mức chung 10%) thì tác động nhỏ hơn một chút. Nhóm hộ tiêu dùng nhiều thực phẩm như rau và thịt sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn. VAT cũng sẽ có tác động lên nhóm thu nhập thấp ở cận chuẩn nghèo.
Về góc độ bình đẳng giới, các cải cách thuế gián thu, trong đó có VAT, không đưa lại các thiên kiến giới trực tiếp nhưng gián tiếp phân biệt đối xử với phụ nữ do phụ nữ có trình độ học vấn thấp hơn, lao động trong khu vực có trình độ chuyên môn và tay nghề thấp và/hoặc trong khu vực phi chính thức, tỷ lệ thất nghiệp cao trong khi thu nhập từ tiền lương, tiền công thấp hơn so với nam giới...
“Trong cả 2 kịch bản, tăng thuế suất VAT tác động tiêu cực lên phúc lợi của tất cả các hộ gia đình”, PGS- TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR tóm tắt kết quả nghiên cứu.
Cụ thể, nếu xét theo đặc điểm của hộ, các hộ có các đặc điểm sau đây sẽ bị ảnh hưởng mạnh hơn các hộ khác: hộ sống ở khu vực miền Nam, hộ có nhiều thành viên, hộ có trình độ học vấn thấp và hộ có nhiều thành viên trong độ tuổi lao động.
Trả lời câu hỏi “Vậy thuế VAT nên được điều chỉnh ra sao?” TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, trong dài hạn thì việc nâng cao hiệu quả chi ngân sách mới đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thâm hụt ngân sách. Tăng thuế VAT chưa chắc đã cải thiện được thu ngân sách, nếu như việc tăng thuế làm giảm sản xuất và tiêu dùng.
Liên quan đến 2 phương án trong nghiên cứu này thì phương án 2, tức là áp dụng mức thuế VAT 10% cho các mặt hàng (trừ y tế và giáo dục), có tác động lên nghèo đói thấp hơn phương án 1, và việc áp dụng thuế suất chung cũng tạo thuận lợi cho việc thu thuế.
Tuy nhiên, phương án 2 cũng sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến các hộ có thu nhập thấp. Do vậy Nhà nước cần cân nhắc việc điều chỉnh thuế VAT trong thời gian tới, vì đây là việc đánh đổi giữa tăng ngân sách với tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo.
Hai phương án tăng thuế VAT được đề xuất
* Phương án 1:
Tăng thuế ở mức 20%, cụ thể là:
- Các mặt hàng đang chịu thuế 5% sẽ chịu thuế 6%
- Các mặt hàng đang chịu thuế 10% sẽ chịu thuế 12%
- Các mặt hàng không chịu thuế (thuế suất 0%) vẫn tiếp tục được miễn thuế
* Phương án 2:
Áp dụng thuế suất 10% cho tất cả các mặt hàng (trừ các mặt hàng đang được miễn thuế). Cụ thể là:
- Các mặt hàng đang chịu thuế 5% sẽ chịu thuế 10%
- Các mặt hàng đang chịu thuế 0% và 10% thì không điều chỉnh gì