Mục tiêu lớn nhất của kế hoạch là bảo đảm tính liên tục, nhất quán trong quản lý và triển khai các nhiệm vụ, không để xảy ra đình trệ, gián đoạn do ảnh hưởng của việc sáp nhập, chia tách các đơn vị hành chính. Tất cả các thủ tục liên quan đến đầu tư công – từ thẩm định, phê duyệt, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, nghiệm thu đến thanh toán – đều phải được thực hiện liên tục, không đình trệ cho đến khi cấp có thẩm quyền quyết định về tổ chức bộ máy.

Kế hoạch nhấn mạnh tuyệt đối không để công tác đầu tư công gián đoạn vì lý do “chờ sáp nhập” hay “bỏ cấp hành chính”. Những cán bộ, đơn vị gây chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công sẽ bị xử lý nghiêm.
Bên cạnh đó, TPHCM yêu cầu việc bàn giao, tiếp nhận giữa các đơn vị phải được thực hiện đầy đủ, đúng phạm vi quản lý, có hồ sơ tài liệu kèm theo, kể cả các khoản tạm ứng, nợ phải thu, phải trả. Các cơ quan liên quan phải phân công rõ người, rõ trách nhiệm, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ.
Đặc biệt, đối với các dự án đầu tư dở dang nhưng cần điều chỉnh mục tiêu, công năng sử dụng để phù hợp với tổ chức bộ máy mới, các đơn vị phải chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền để điều chỉnh ngay. Cấp quyết định đầu tư chịu trách nhiệm hoàn thành dự án, không để dự án dở dang, gây lãng phí.
TPHCM sẽ triển khai kế hoạch này theo ba giai đoạn: trước khi sáp nhập (hoàn tất rà soát trước 15-6); trong khi triển khai (từ 30-6 đến 30-7); và sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy (từ 30-7 đến 15-8). Công tác chuyển tiếp quản lý đầu tư công sẽ do tổ công tác hoặc ban chỉ đạo liên ngành theo dõi, điều phối.