Doanh nghiệp chủ động bảo vệ thị phần

Tại hội thảo ngày 9-5 do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức, các doanh nghiệp bày tỏ lo ngại trước nguy cơ Mỹ áp thuế đối ứng. Các ngành chủ lực như gỗ, thủy sản, dệt may... đối mặt với nguy cơ mất thị phần nếu không có giải pháp kịp thời.

Doanh nghiệp Việt trao đổi với đối tác quốc tế tại Hội chợ VIFA EXPO 2025. Ảnh: Hoàng Vân
Doanh nghiệp Việt trao đổi với đối tác quốc tế tại Hội chợ VIFA EXPO 2025. Ảnh: Hoàng Vân

Sụt giảm đơn hàng

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận xét, trong 10 quốc gia xuất khẩu thủy sản vào Mỹ, Việt Nam đang đối mặt với mức thuế dự kiến cao nhất 46%. Điều này gây áp lực chi phí lớn, đe dọa khả năng duy trì đơn hàng. Ông Nam cho biết các doanh nghiệp đang tận dụng “thời gian vàng” trước hạn chót ngày 9-7 để đẩy mạnh xuất khẩu trong khi thuế còn giữ ở mức 10%. Tuy nhiên, tâm lý lo lắng và thiếu thông tin rõ ràng từ phía Hải quan Mỹ đang khiến nhiều đơn vị không thể lập kế hoạch dài hạn.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TPHCM, chia sẻ, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu ghi nhận sự sụt giảm đơn hàng trong quý 1-2025, nhất là ở các nhóm hàng chủ lực như may mặc, thủy sản, đồ gỗ. Không ít đối tác Mỹ đã chủ động hủy hợp đồng hoặc hoãn nhận hàng, đồng thời yêu cầu nhà xuất khẩu Việt Nam chia sẻ chi phí thuế nếu chính sách mới được ban hành. “Chúng tôi đã nhận được yêu cầu điều chỉnh giá từ một số khách hàng lớn tại Mỹ. Trong một số trường hợp, đối tác đề nghị chuyển đơn hàng sang Mexico hoặc Indonesia - nơi đang được ưu đãi thuế tốt hơn. Điều này khiến doanh nghiệp Việt rơi vào thế bị động hoàn toàn”, ông Việt Anh cho biết thêm.

Việc đơn hàng ít đi dẫn đến giảm công suất nhà máy, cắt giảm lao động và lượng tồn kho tăng. Nhiều doanh nghiệp thậm chí đã tính đến phương án chuyển hướng thị trường nếu không có tín hiệu tích cực từ đàm phán chính sách. Tình hình càng trở nên phức tạp khi các nhà nhập khẩu Mỹ bắt đầu siết chặt các điều kiện về hồ sơ, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn lao động và môi trường. TS Sơn Trần, Đại học SUNY Cobleskill (Hoa Kỳ), cảnh báo, nếu doanh nghiệp không nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ pháp lý, chuẩn hóa quy trình chứng từ và truy xuất, họ sẽ không chỉ mất đơn hàng mà còn mất cơ hội tồn tại lâu dài tại thị trường Mỹ.

Nhanh chóng củng cố thị phần

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng thay vì bị động chờ kết quả đàm phán, doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị kịch bản ứng phó theo hướng chủ động. Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC, đề xuất một số hướng đi trọng tâm: nên xây dựng hệ thống minh bạch xuất xứ, chuẩn hóa quy trình chứng từ, điều chỉnh cơ cấu thị trường và chuẩn bị nền tảng pháp lý khi xuất khẩu vào Mỹ. Đây là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp có thể tiếp tục duy trì thị trường quan trọng này.

TS Sơn Trần lưu ý, xu hướng hiện nay là thương mại không còn tự do tuyệt đối mà đã chuyển sang “thương mại chiến lược” gắn với chính sách công nghiệp, an ninh quốc gia. Doanh nghiệp Việt cần tăng tốc nâng cấp chuỗi cung ứng, tuân thủ tiêu chuẩn Mỹ ngay từ đầu chuỗi. Thay vì chỉ gia công, doanh nghiệp nên phát triển thương hiệu riêng để giảm phụ thuộc vào nhà nhập khẩu lớn.

Ngoài ra, một đề xuất đáng chú ý khác là nên đàm phán song phương để có thể giảm mức thuế về 18%-25%. Theo ông Vũ Minh Khương, Đại học Quốc gia Singapore, việc giảm nhẹ mức thuế, đồng thời mở rộng nhập khẩu hàng Mỹ như dược phẩm, thiết bị y tế, hàng tiêu dùng... sẽ giúp tạo thế cân bằng trong đàm phán và giảm căng thẳng song phương. “Nếu tăng giá trị nhập khẩu gỗ từ Mỹ lên mức 600-700 triệu USD/năm, chúng ta vừa chứng minh thiện chí cân bằng thương mại, vừa giảm rủi ro về xuất xứ”, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), cho biết thêm.

Ở khía cạnh thương mại thực tiễn, đại diện các công ty logistics tại Mỹ cũng lưu ý doanh nghiệp Việt cải thiện khâu phân loại mã HS, lưu trữ chứng từ, đăng ký nhãn hiệu và chứng nhận phù hợp. Một số doanh nghiệp chưa chuẩn bị hệ thống pháp lý phù hợp có thể bị vướng vào các vụ điều tra kéo dài, ảnh hưởng nặng đến hoạt động xuất khẩu và thanh khoản tài chính. Không chỉ trông chờ vào kết quả đàm phán, doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị hồ sơ pháp lý, nâng cấp chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường, tận dụng khoảng “thời gian vàng” còn lại để củng cố thị phần... là những bước đi bắt buộc nếu muốn giữ vị thế cạnh tranh.

Tin cùng chuyên mục