
“Đột phá của đột phá”
“Trước hết là nhận thức đúng tầm, khơi dậy niềm tin, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển KTTN. Rất may mắn vì chúng ta đã xác định được lực lượng KTTN là một động lực quan trọng nhất”, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định và cho rằng, tư tưởng mới này đang cổ vũ mạnh mẽ cho tinh thần kinh doanh và sẽ tạo ra một bước chuyển mới.
Nghị quyết số 68-NQ/TW là một nghị quyết khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển KTTN. Hàng triệu hộ kinh doanh hiện nay không có nhiều động lực để chuyển lên hoạt động thành doanh nghiệp (DN) vì những lo ngại về thủ tục phiền hà, rủi ro pháp lý và trình độ quản trị chưa theo kịp. Vậy thì phải củng cố niềm tin, khát vọng vươn lên để hộ kinh doanh chính thức hóa thành DN, còn DN thì lớn lên, thoát khỏi tình trạng “không lớn được, không dám lớn, không muốn lớn” đã tồn tại những năm này. Với tâm tư của “người trong cuộc”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, người sáng lập Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), chia sẻ, KTTN vẫn chưa được bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực. “Người cần mặt bằng thì không có, người có lại không cần. DN tư nhân mong muốn có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn lực. Chúng tôi sẵn sàng thuê với giá cao để kinh doanh, đem lại nguồn thu cho đất nước, làm giàu cho quốc gia”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.
Theo một số chuyên gia, chúng ta đã thực hiện cải cách thể chế 13 năm với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh… Nhưng đến nay, thể chế vẫn được xác định là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Do đó, giờ đây rất cần cải cách thành “đột phá của đột phá”, tạo bước ngoặt về phát triển KTTN, đóng góp quan trọng vào thực hiện 2 mục tiêu: đến năm 2030, là nước đang phát triển, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đột phá, theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, ngay trong năm 2025 phải hoàn thành việc rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của DN tư nhân; thực hiện cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo, như Nghị quyết số 68-NQ/TW đã chỉ ra.
Giải phóng nguồn lực
Hiến kế cho sự phát triển KTTN, luật sư Nguyễn Hồng Chung, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam, đề nghị, nên bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng với tài nguyên, tài sản của đất nước. KTTN nên được tiếp cận các công việc, cơ hội kinh doanh thuận lợi, dễ dàng, phù hợp nhất; thủ tục hành chính phải đơn giản, giảm tối đa thời gian và chi phí tuân thủ… Tất cả nhằm bảo đảm việc thành lập DN đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng nhất.
Cùng quan điểm, PGS-TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, suốt mấy thập niên qua, nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ DN, hỗ trợ khu vực KTTN phát triển, tuy đã mang lại những kết quả thiết thực, nhưng cũng có những hạn chế. Điều mong muốn của DN là chính sách hỗ trợ được thiết kế phân tầng để phù hợp với các nhóm DN lớn - nhỏ. Trong đó, không chỉ là đơn giản thủ tục mà còn hỗ trợ thuế cho DN mới trong 3 năm đầu. Triển khai nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 68-NQ/TW sẽ xóa bỏ tình trạng DN vừa không thực sự được tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm, vừa phải kinh doanh các ngành nghề theo quy định của pháp luật. Nghị quyết số 68-NQ/TW đã khẳng định, người dân, DN được tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm; xóa bỏ các rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho", tư duy "không quản được thì cấm".
Trước những kỳ vọng của khu vực KTTN, TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, phân tích: Nền kinh tế có 3 trụ cột chính là khu vực kinh tế nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực KTTN. Trong 2 thập niên gần đây, nhất là khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-12-2011 (về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế) và Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khu vực KTTN đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế và ngày càng thể hiện là một trong những động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
“Chúng ta đã có được những DN mạnh, đạt tầm khu vực, nhưng con số này còn rất ít, khi khu vực KTTN vẫn đa số là DN nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể. Vẫn đang thiếu những DN sản xuất tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu nên hiệu quả sản xuất - kinh doanh và khả năng tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm là thấp. Ở thời điểm này, chúng ta đặt kỳ vọng KTTN sẽ là một động lực quan trọng nhất cho nền kinh tế để tăng trưởng 2 con số chứ không phải chỉ là để tăng trưởng”, TS Nguyễn Đức Kiên chia sẻ. Theo TS Nguyễn Đức Kiên, chính sách cho KTTN cũng nên được phân theo nhóm. Trong đó, lưu ý đến chính sách đối với 20 triệu hộ nông dân, nhất là liên quan đến công nghiệp hóa nông nghiệp, kinh tế tập thể, tích tụ đất…
“Cần phải tập trung quán triệt, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 68-NQ/TW. Chúng ta đã có những quyết sách mới đột phá từ các nghị quyết, chủ trương của Đảng thì tôi mong rằng cách tổ chức triển khai thực hiện của các cơ quan Quốc hội, Chính phủ cũng phải đổi mới, để Nghị quyết số 68-NQ/TW đầy sức sống động, sẽ tạo đột phá để bước vào kỷ nguyên vươn mình”, TS Nguyễn Đức Kiên bày tỏ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển KTTN, đã nhấn mạnh quan điểm: Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ đổi mới và sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và DN. Phải tin tưởng vào KTTN, phải đặt niềm tin, hy vọng, tạo động lực, truyền cảm hứng cho KTTN; khuyến khích mọi người dân, DN phát triển sản xuất - kinh doanh, mang lại hiệu quả cho xã hội, làm giàu cho chính mình, gia đình và làm giàu cho đất nước.