Tạo chuỗi liên kết để hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Bộ Chính trị phát động từ năm 2009. Qua hơn 10 năm thực hiện, cuộc vận động đã đạt kết quả ấn tượng, thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. 

Đặc biệt, hơn 2 năm qua, dù chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, song các doanh nghiệp sản xuất, phân phối vẫn rất tích cực nỗ lực tạo chuỗi liên kết để đưa sản phẩm hàng Việt chất lượng, giá tốt đến gần hơn với người tiêu dùng (NTD) nội địa.

Hàng Việt tại các kênh phân phối hiện đại chiếm tỷ lệ trên 90%
Một nghiên cứu gần đây của Công ty Đo lường toàn cầu Nielsen chỉ rõ, sau dịch Covid-19, có 76% NTD Việt Nam chuộng hàng nội địa, đặc biệt là những sản phẩm đã có thương hiệu, bảo đảm chất lượng và tốt cho sức khỏe. Đáng chú ý, theo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, tại các kênh phân phối hiện đại như Co.opmart, Lotte Mart, Satra, Bách hóa Xanh… có tới trên 90% hàng hóa bày bán đều là hàng sản xuất trong nước. 

Đơn cử tại TPHCM, dạo một vòng quanh các hệ thống siêu thị lớn như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, NTD dễ dàng bắt gặp các sản phẩm như bánh kẹo, thực phẩm, nước chấm, gia vị, sữa và sản phẩm từ sữa, đồ uống, văn phòng phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm, nhựa… là hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất. 

Chị Ngô Mỹ Lan (quận Bình Thạnh) chia sẻ, lâu nay gia đình chị chỉ chọn những mặt hàng có thương hiệu trong nước, không dám xài hàng nhập không rõ xuất xứ và chất lượng. “Các loại hàng hóa như rau củ quả, trái cây, hàng thực phẩm chế biến hay hàng gia dụng, hóa mỹ phẩm của doanh nghiệp nội địa có chất lượng rất tốt, an toàn và giá hợp túi tiền. Chưa kể, Co.opmart còn liên tục khuyến mãi nên thu hút NTD”, chị Lan cho biết. 

Thực tế, để làm được như vậy, các nhà bán lẻ đã hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp sản xuất uy tín, hình thành mối quan hệ hợp tác toàn diện và đồng bộ, từ đó góp phần mang những sản phẩm hàng Việt chất lượng, giá tốt đến gần NTD hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay, việc tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất, phân phối sẽ góp phần quan trọng ổn định giá thành sản phẩm, dịch vụ, góp phần bình ổn thị trường.

Là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực phân phối, trong những năm qua, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) luôn tiên phong trong việc đưa hàng Việt đến tay NTD cả nước. Theo đó, từ những ngày đầu thành lập siêu thị Co.opmart đầu tiên năm 1996, Saigon Co.op đã nỗ lực đưa hàng Việt vào siêu thị, quảng bá tích cực cho các thương hiệu Việt. Đến năm 2009, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, Saigon Co.op đã có những giải pháp tích cực chọn lọc hàng hóa Việt Nam thay thế dần hàng hóa nhập khẩu, đưa vào kinh doanh trong hệ thống siêu thị. Đồng thời đổi tên tháng “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành tháng “Tự hào hàng Việt”, tổ chức định kỳ vào tháng 9 hàng năm. Nhờ các giải pháp tích cực, đến nay, tỷ lệ hàng Việt đang chiếm 90%-95% cơ cấu hàng hóa trong toàn bộ hệ thống bán lẻ Saigon Co.op.

Trong hơn 3 thập niên hoạt động của mình, Saigon Co.op đã liên tục phát triển các điểm bán và đã có gần 1.000 điểm trên cả nước. Nhà bán lẻ này cũng đa dạng hóa các mô hình phân phối nhằm tối ưu hóa chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu khác nhau của NTD, tăng độ phủ phục vụ. Nhiều năm qua, Saigon Co.op đã liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, nhà sản xuất địa phương thông qua việc bao tiêu các mặt hàng nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ nhà cung cấp đáp ứng tiêu chuẩn để đưa hàng vào hệ thống này. 

Xác định giữ vững chuỗi liên kết hàng Việt là giải pháp quan trọng trong giai đoạn hiện nay, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương đã và đang tiếp tục triển khai hàng loạt biện pháp bảo đảm nguồn cung, hỗ trợ lưu thông, phân phối hàng hóa để đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân và doanh nghiệp. Ngoài kênh phân phối hiện đại, Bộ Công thương sẽ đẩy mạnh chất lượng hàng hóa tại chợ truyền thống, tăng số hóa ngành thương mại trong nước, kết hợp thương mại điện tử, công nghệ số nhằm tiết kiệm chi phí logistics, giảm giá thành để người dân được tiếp cận hàng hóa tốt với giá thành hợp lý.

Tin cùng chuyên mục