Tạo động lực cho giáo viên sáng tạo

Vừa qua, trong khi chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được đề nghị lùi thời gian thực hiện thì Bộ GD-ĐT có hướng dẫn thực hiện GDPT hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018.
 Trong đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu “tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa (SGK) hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình GDPT hiện hành. Điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; bổ sung cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu. Không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong SGK vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình GDPT hiện hành; tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài SGK”. 

Ngay sau khi có hướng dẫn này, dư luận đã phản ứng về thông tin “tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài SGK” của Bộ GD-ĐT. Bởi không ai có thể chấp nhận giáo viên thụ động, chỉ chăm chăm dạy những kiến thức trong sách giáo khoa mà bỏ qua những kiến thức ngoài sách vở, những kiến thức từ thực tiễn cuộc sống nóng hổi để làm giàu kiến thức, vun đắp tâm hồn cho học sinh. Phản hồi sau đó của Bộ GD-ĐT cũng đã khẳng định đó chỉ là một diễn đạt gây hiểu nhầm, Bộ GD-ĐT không hề cấm dạy kiến thức ngoài sách giáo khoa. 
Và thực tế, từ bao năm nay, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu “bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu”, nghĩa là không hạn chế giáo viên chỉ dạy học với dữ liệu trong SGK. Qua câu chuyện đó để thấy yêu cầu đổi mới, sáng tạo đối với nhà trường, giáo viên luôn được đặt ra bức thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay, ngành giáo dục dù đã hết sức nỗ lực nhưng vẫn chưa hoàn toàn lấy được lòng tin của xã hội. 

Ngành giáo dục đã phát động phong trào đổi mới sáng tạo trong dạy và học giai đoạn 2016-2020. Một năm qua, phong trào này đã có một vị trí quan trọng trong mỗi nhà trường, nhận được sự hưởng ứng thiết thực và hiệu quả của mỗi thầy giáo, cô giáo, các em học sinh. Phong trào đổi mới, sáng tạo đó thể hiện qua từng việc cụ thể như xây dựng môi trường giáo dục mở, xanh, sạch, đẹp, thân thiện, an toàn; đổi mới căn bản phương pháp dạy, học, thi, kiểm tra, đánh giá; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Giáo dục Việt Nam cũng đã nỗ lực để hội nhập quốc tế; ứng dụng có hiệu quả thành tựu về công nghệ thông tin trong dạy, học, quản lý giáo dục. Tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, khởi nghiệp. Xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời; xây dựng lòng tự tôn, tự hào dân tộc, kết hợp hài hòa truyền thống văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa của nhân loại…
Thông qua các phong trào thi đua đó, cả nước đã xuất hiện biết bao tấm gương giáo viên hết lòng vì học trò, tận tâm tận lực, đi đầu trong đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, có nhiều cải tiến, sáng kiến trong việc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, luôn trau dồi năng lực, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, xứng đáng là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Cũng đã có rất nhiều tấm gương học sinh hết mình vì bạn bè, vượt khó vươn lên học giỏi, rèn luyện tốt, giành nhiều thành tích xuất sắc trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông, các cuộc thi Olympic khu vực và thế giới, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trên trường quốc tế…

Những tấm gương giáo viên, học sinh không ngừng nỗ lực học hỏi, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo trong dạy và học đó thực sự là nhân tố rất quan trọng cho công cuộc đổi mới giáo dục. Từ việc thiết kế những bài giảng dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại; mạnh dạn áp dụng những phương pháp mới vào giảng dạy như phương pháp giáo dục VNEN, STEM; hay đẩy mạnh các hoạt động giáo dục mang tính thực tiễn, tạo môi trường học tập mở tích cực và hiệu quả… đều vô cùng cần thiết trong bối cảnh nền giáo dục đang cần sự đổi mới, nhất là cho công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông tới đây. 

Nhưng để thúc đẩy điều đó, ngành giáo dục cần có nhiều hơn những giải pháp để “tiếp lửa” cho thầy và trò trên mọi miền đất nước. Như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định, đổi mới là một quá trình, sáng tạo là một hành trình không có điểm cuối. Đổi mới giáo dục sẽ chỉ thành công khi mỗi cá nhân trở thành hạt nhân đổi mới, mỗi cán bộ quản lý giáo dục, mỗi người thầy ý thức được trách nhiệm của mình trong quá trình đổi mới đó để ngày hôm nay sẽ hiệu quả hơn ngày hôm qua. Đã có nhiều người nói rằng, quan trọng nhất của đổi mới giáo dục chính là người thầy. Nếu không có người thầy tốt, mọi cuốn sách hay đều trở nên vô nghĩa. Chính người thầy sẽ biến một cuốn sách bình thường thành cuốn sách tốt và ngược lại. Và chắc chắn, trong mọi cuộc đổi mới giáo dục, nếu không bắt đầu từ người thầy thì coi như thất bại. Nhưng cũng sẽ không thể đổi mới nếu như những quản lý giáo dục theo cách áp đặt bằng những mệnh lệnh và con dấu. 

Thật khó hình dung việc dạy và học trong nhà trường chỉ gói gọn trong chương trình, trong sách vở. Đó là chưa kể, để biến những bài dạy đơn thuần kiến thức sách giáo khoa thành những bài dạy hấp dẫn, giáo viên cũng phải luôn không ngừng đổi mới và sáng tạo. Nhưng yêu cầu giáo viên cần phải đổi mới liên tục, tìm tòi liên tục trong khi lương không tăng, điều kiện làm việc không có gì thay đổi... sẽ là bất công xét cả về lý lẫn tình. Do vậy, điều quan trọng là phải làm cho giáo viên có được động lực để đổi mới, sáng tạo. Mà điều đó, chính ngành giáo dục phải thể hiện trách nhiệm cao hơn nữa trong tham mưu chính sách cũng như tạo môi trường cho giáo viên sáng tạo. 

Tin cùng chuyên mục