
Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực (SPCNCL) TPHCM đang bước vào giai đoạn quyết định. TP sẽ chính thức công bố danh sách các sản phẩm chủ lực và gắn logo cho các sản phẩm này trong tháng 4 tới đây...
- Sức lan tỏa của chương trình
Trong 43 sản phẩm của 35 doanh nghiệp đang tham gia chương trình phát triển các SPCNCL, có nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp hàng đầu tại TPHCM và cả nước như Vinamilk, Việt Tiến, Kinh Đô, Acecook, Casumina, Điện Quang, Cadivi, SJC, Biti’s, Thái Tuấn, Kymdan, Tribeco, Samco, Thiên Long, Vifon và nhiều thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng như giấy Vĩnh Huê, bông y tế Bạch Tuyết, bánh kẹo Vinabico, dây cáp điện Tân Cường Thành, ống thép Hữu Liên…

Dây, cáp điện của Công ty Tân Cường Thành là một trong các sản phẩm chủ lực của TPHCM. Ảnh: THÀNH TÂM
Năm qua, TPHCM đã có nhiều nỗ lực giúp đỡ các doanh nghiệp có sản phẩm đưa vào chương trình, trong đó có những dự án đầu tư với tổng vốn hơn 1.170 tỷ đồng được hỗ trợ lãi vay từ 3%-5%. Nhờ tham gia vào chương trình, nhiều doanh nghiệp đã tạo được một vị thế mới trong cộng đồng doanh nghiệp. Cái được lớn nhất chính là các doanh nghiệp đã quảng bá tốt hơn thương hiệu của mình qua các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang web của TP, trong các cuộc tiếp khách nước ngoài, tại các kỳ hội chợ… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn được hỗ trợ vật chất về lãi vay đầu tư mở rộng sản xuất, đào tạo nhân lực, thực hiện nghiên cứu áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất…
Ông Nguyễn Đình Trường, Tổng Giám đốc Công ty May Việt Tiến cho biết, nhờ tham gia chương trình, công ty nhanh chóng đầu tư thêm một nhà máy sản xuất veston xuất khẩu qua Nhật và Mỹ khi có khách hàng bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, ông Trường cũng cho rằng, vấn đề là cần có các biện pháp để tạo được hiệu ứng của chương trình tốt hơn. Ví dụ các doanh nghiệp trong chương trình có thể liên kết với nhau, sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp này là nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp khác.
Đơn giản như Việt Tiến mỗi năm mua 35 tỷ đồng tiền bao bì cho các sản phẩm may mặc (túi polymer, hộp giấy…), nếu các doanh nghiệp trong chương trình như Liksin, Vĩnh Huê có thể tham gia cung cấp thì sẽ tạo thuận lợi cho cả hai bên; hoặc các doanh nghiệp có thể cùng góp vốn đầu tư để sản xuất một mặt hàng nào đó, cùng kinh doanh và chia lợi nhuận. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thiện Nhân cũng rất tâm đắc với ý kiến này, ông cho rằng nên có sự hợp tác để phát huy hiệu quả của chương trình, tạo sự lan tỏa của chương trình đến các doanh nghiệp.
- Đôi điều nói thêm
Để xét công nhận danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực đợt 1, Viện Kinh tế TP cũng đã đưa ra một bảng điểm chuẩn tham khảo dùng để chấm cho 10 tiêu chí đã đề ra. Từ cơ sở này, các doanh nghiệp đóng góp thêm ý kiến để cân đối lại số điểm cho từng tiêu chí nhằm khuyến khích và xác định phát triển theo hướng nào. Ông Nguyễn Văn Bên, Giám đốc điều hành Công ty Vifon cho rằng, không nên quá chú trọng tiêu chí lợi nhuận sau thuế vì sẽ không khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển. Tiêu chí tỷ lệ tăng trưởng và tăng trưởng xuất khẩu cần được quan tâm hơn. Ngoài ra, nhiều tiêu chí đưa ra cũng được các doanh nghiệp đồng tình như nhãn hiệu hàng hóa, trình độ công nghệ và thiết bị, tỷ lệ đổi mới thiết bị-công nghệ, tiêu chuẩn quản lý, lao động, môi trường…
Trong năm 2005, một sản phẩm mới được đưa vào chương trình để hỗ trợ phát triển là robot. Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, việc phát triển robot cần thiết cho một số chương trình khác của thành phố như chữa cháy, sửa chữa các công trình ngầm, cứu hộ cứu nạn… Mặc dù vậy, cũng còn một vài ý kiến có quan điểm khác đó là trong điều kiện hiện nay sản phẩm robot khó có thể trở thành hiện thực và là sản phẩm chủ lực được.
Việc ứng dụng robot trong đời sống và sản xuất chỉ có thể được triển khai khi nền sản xuất được đầu tư hiện đại, tỷ lệ máy móc thiết bị tự động hóa cao. Một số chuyên gia góp ý, TP nên hỗ trợ các doanh nghiệp có tiềm lực về sản phẩm này nhập khẩu và mua bản quyền một số loại robot, từ đó phát triển thêm các ứng dụng cho phù hợp với tình hình của Việt Nam thì sẽ không gây lãng phí.
VĂN MINH HOA