Sáng nay, khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII

Tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh sản xuất kinh doanh

Sáng nay, 6-5, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Cho đến nay, tình hình kinh tế - xã hội nước ta vẫn đang phải đối mặt với một số khó khăn: giá cả tăng cao, nhất là các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, nguyên vật liệu, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng; mức nhập siêu còn lớn...

Tình hình đó đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp và dân cả nước phải ra sức phấn đấu, khắc phục khó khăn, triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2008. Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ: Trong chương trình nghị sự tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng như: xem xét báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2008; thảo luận và thông qua 11 dự án luật và 1 nghị quyết...

 Sau lời khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày báo cáo “Phấn đấu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững” . Báo cáo của Thủ tướng nêu rõ: Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I tuy đạt khá cao (7,4%) nhưng thấp hơn cùng kỳ năm trước (7,8%) và thấp xa so với mục tiêu cả năm (8,5%-9%); giá tiêu dùng tuy đã có dấu hiệu chững lại nhưng vẫn ở mức rất cao; nếu so với tháng 4-2007 thì tốc độ tăng giá lên đến 21,42%, là mức tăng giá cao nhất trong nhiều năm qua. “Những yếu kém, bất cập trong quản lý, điều hành của Chính phủ là nguyên nhân chủ quan trực tiếp, quan trọng đã làm cho những yếu kém vốn có của  nền kinh tế nước ta càng bộc lộ rõ hơn và tác động sâu rộng hơn” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn nhận khuyết điểm trước Quốc hội.

 Báo cáo của Thủ tướng cũng chỉ ra 4 nhóm giải pháp chủ yếu để kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng bền vững, bao gồm: thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ chặt chẽ, hiệu quả; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh phát triển sản xuất, dịch vụ và thu hút đầu tư; đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, chống đầu cơ, buôn lậu và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. 

ANH NHI

Tin cùng chuyên mục