Tập trung nâng chất hàng Việt

Hàng Việt đã có mặt tại 220 quốc gia trên thế giới. Trong đó, 27 thị trường được xác định trọng điểm có kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD. Điều này cho thấy, chất lượng hàng Việt đã vượt qua nhiều tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính trên thế giới. Vậy không lý do gì hàng Việt không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng trong nước. 
Sản phẩm sữa Việt đã có mặt tại thị trường Nga
Sản phẩm sữa Việt đã có mặt tại thị trường Nga

Xuất khẩu tăng trưởng 

Phân tích về hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước, đại diện Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Hải quan) cho biết, sau 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổng cục Hải quan ghi nhận xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa của Việt Nam đã cán mốc 400 tỷ USD. Báo cáo mới nhất của WTO cũng khẳng định, Việt Nam nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có XNK hàng hóa lớn nhất thế giới. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, ước tính XNK hàng hóa của nước ta đạt 250 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thặng dư 3,36 tỷ USD. Số lượng doanh nghiệp xuất nhập khẩu là 70.000 doanh nghiệp. 

Xét về thị trường, sản phẩm xuất khẩu Việt Nam đã đáp ứng tất cả tiêu chuẩn, ngay cả với những thị trường khắt khe nhất thế giới như Mỹ, liên minh 28 nước châu Âu (EU), Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… Ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu của Việt Nam sang 10 khu vực/thị trường đều đạt tốc độ tăng trưởng dương và ở mức 2 con số. Như: Mỹ tăng 10%, EU tăng 14%, Trung Quốc tăng 30%, Nhật Bản tăng 14%, Hàn Quốc tăng 31%, Hồng Công (Trung Quốc) tăng 10%, Ấn Độ tăng 97%, Thái Lan tăng 23%...

Mới đây nhất, Bộ Công thương đã công bố danh sách doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực trong nước. Theo đó, trên cơ sở xét chọn và đề xuất của các cơ quan hữu quan, được xét chọn trên cơ sở các tiêu chí do Bộ Công thương quy định về mức kim ngạch xuất khẩu tối thiểu, về uy tín trong kinh doanh đối với bạn hàng nước ngoài, về việc chấp hành nghĩa vụ đối với Nhà nước trong lĩnh vực hải quan, lĩnh vực thuế, lĩnh vực môi trường, đã có 225 doanh nghiệp được chứng nhận.

Đại diện Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, Vinamilk đứng thứ 16 về doanh thu xuất khẩu cao trong tổng số 225 doanh nghiệp và cũng là doanh nghiệp sữa duy nhất trong danh sách này. Để có thể đạt được chứng nhận này, doanh thu xuất khẩu của công ty đạt khoảng 200 triệu USD trong năm 2017. Công ty hiện đang có 13 nhà máy hiện diện tại Việt Nam. Ngoài ra, Vinamilk còn nắm 22,8% cổ phần tại Nhà máy Miraka (New Zealand), sở hữu 100% cổ phần Nhà máy Driftwood (Mỹ), nắm giữ 100% cổ phần đầu tư Nhà máy Angkor Milk tại Campuchia, đặt văn phòng giao dịch tại Thái Lan và mở công ty con tại Ba Lan làm cửa ngõ giao thương các hoạt động thương mại của Vinamilk tại châu Âu. Mỗi năm, có khoảng 8 tỷ sản phẩm của Vinamilk được sản xuất phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Hỗ trợ nâng chất sản phẩm

Tại cuộc họp hỗ trợ nâng cao chất lượng hàng Việt do Bộ Công thương tổ chức, đại diện hệ thống Aeonmall khẳng định, chất lượng hàng Việt Nam hiện rất tốt, đạt chuẩn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua việc cung ứng vào hệ thống phân phối ngoại tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhược điểm của doanh nghiệp nội là quy mô sản xuất nhỏ nên sản lượng còn hạn chế. Một vấn đề khác là doanh nghiệp nội chưa tập trung vào phát triển thương hiệu. Nguyên nhân do kinh phí và năng lực đầu tư hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới còn hạn chế. Đây cũng là lý do khiến một số bộ phận người Việt chưa tin dùng hàng Việt. 

Trước thực tế đó, để hỗ trợ doanh nghiệp Việt nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh trên thị trường, Bộ Công thương đã thiết lập đề án Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các mạng lưới phân phối. Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công thương, cho biết đề án tập trung vào việc phát triển lợi ích của cả hai phía; trong đó, các doanh nghiệp trực tiếp tham gia mạng phân phối nắm bắt tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, tiếp cận phương thức quản lý chất lượng tiên tiến, đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cho các nhà bán lẻ hàng đầu thế giới và có điều kiện phát triển thương hiệu.

Còn đối với các chuỗi phân phối, việc tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp Việt Nam giúp phát triển đa dạng thêm nguồn hàng, kiểm soát tốt hơn chất lượng hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng nông - lâm - thủy sản cần quản lý chất lượng tận gốc. Thêm vào đó, cả doanh nghiệp và nhà bán lẻ đều có lợi về giá thông qua giảm chi phí trung gian.

Về phía các nhà phân phối ngoại như Aeonmall, Auchan, Lotte cũng cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp nội cải thiện chất lượng. Ông Paul Le, Phó Chủ tịch Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Xúc tiến Thương mại Công ty Central Group Việt Nam, cho hay Big C đã triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu về kênh thương mại hiện đại, khuyến khích và mở rộng thị trường kinh doanh. Tham gia chương trình này, các doanh nghiệp được tập huấn kiến thức, đa dạng nguồn hàng, hỗ trợ vận chuyển hàng hóa và hưởng chính sách ưu đãi về tài chính.

Riêng đại diện Saigon Co.op - kênh chủ lực phân phối hàng Việt, ông Nguyễn Anh Đức cho biết, Co.opmart đã xây dựng, thực hiện và phát triển chiến lược “nội địa hóa” nhằm hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp Việt trong công tác quảng bá và phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng trong nước. Theo đó, doanh nghiệp sẽ được ưu tiên mua hàng, diện tích và vị trí trưng bày. Mặt khác, doanh nghiệp nội được hỗ trợ quảng bá sản phẩm mới hoặc tham gia các chương trình khuyến mãi. Không dừng lại đó, hiện Saigon Co.op thực hiện đầu tư hoặc hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho doanh nghiệp Việt tiếp cận với các công nghệ mới, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh.

Có thể thấy, cách tiếp cận hỗ trợ hàng Việt đã có sự thay đổi nhất định. Theo đó, thay vì doanh nghiệp cứ sản xuất rồi mới tìm kiếm kênh phân phối, thì doanh nghiệp phối hợp hệ thống phân phối, phân tích xu hướng tiêu dùng. Từ đó, xây dựng kế hoạch sản xuất sản phẩm với số lượng phù hợp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Cách làm này giúp doanh nghiệp giảm lượng hàng tồn kho, giảm tổn thất hàng hóa quá hạn phải tiêu hủy. Đặc biệt, nâng cao năng lực tiếp cận thị trường của doanh nghiệp. Từ đó, định vị phân khúc phục vụ thị trường tốt hơn, phù hợp với năng lực của mình hơn.

Tin cùng chuyên mục