Tàu cánh ngầm thiếu an toàn: Nguy cơ khó lường

Thời gian gần đây, hoạt động của tàu cánh ngầm chưa an toàn khiến hành khách luôn lo sợ trước các sự cố kỹ thuật, tai nạn xảy ra bất cứ lúc nào. Các tàu đang hoạt động trên tuyến này đều có tuổi thọ xưa nay hiếm vì thế máy móc, vỏ tàu xuống cấp nghiêm trọng...
Tàu cánh ngầm thiếu an toàn: Nguy cơ khó lường

Thời gian gần đây, hoạt động của tàu cánh ngầm chưa an toàn khiến hành khách luôn lo sợ trước các sự cố kỹ thuật, tai nạn xảy ra bất cứ lúc nào. Các tàu đang hoạt động trên tuyến này đều có tuổi thọ xưa nay hiếm vì thế máy móc, vỏ tàu xuống cấp nghiêm trọng...

  • Chết máy liên tục

Vào lúc 16 giờ 20 phút ngày 15-8, tàu cánh ngầm Greenlines thuộc Công ty CP Dòng Sông Xanh khởi hành từ bến Bạch Đằng TPHCM đi Vũng Tàu, khi đến khu vực Bãi Trước (TP Vũng Tàu) bị sóng đánh bể kính ở khoang trước. Liền ngay sau đó, hàng loạt cơn sóng lớn khác ập đến bao trùm lên tàu khiến nước biển tràn vào khoang tàu, làm 70 hành khách hốt hoảng. Nhiều người đã nhanh chóng tìm áo phao mặc. Phải hơn 30 phút sau, tàu này mới cập được vào cảng trên sông Dinh một cách khó khăn.

Tàu cánh ngầm Greenlines sau sự cố sóng đánh bể kính

Tàu cánh ngầm Greenlines sau sự cố sóng đánh bể kính

Trước đó, lúc 7 giờ 30 phút ngày 27-5, tàu cánh ngầm Mekong 03 (Công ty TNHH MTV Sài Gòn cao tốc, TPHCM) chở 25 hành khách từ Vũng Tàu về TP, tàu chạy đến khu vực sông Dinh (TP Vũng Tàu) đột ngột bị tắt máy. Hơn 1 giờ sau xảy ra sự cố công ty này mới điều được tàu khác tới ứng cứu, chuyển toàn bộ khách sang tàu này để tiếp tục đi TPHCM. Nguyên nhân tàu chết máy là do ống nhớt bị kẹt. Điều đáng nói là tàu Mekong 03 mới được đưa vào hoạt động trên tuyến này vào ngày 19-5, tức là chỉ sau 8 ngày tàu đã bị hư.

Trước đó, ngày 13-5, tại vịnh Gành Rái, TP Vũng Tàu, tàu Greenlines 6 chở 73 hành khách xuất bến từ Vũng Tàu lúc 7 giờ đi TPHCM, khi đến vịnh Gành Rái máy bị hư. Tàu trôi tự do trên biển nên đã va chạm vào tàu Sông Châu 1 đang neo đậu, khiến mũi tàu cánh ngầm bị hư hỏng nặng, nhiều tấm kiếng khoang trước bể nát. Một giờ sau đó, tàu Greenlines 9 ra ứng cứu tiếp tục chuyển 73 hành khách về TPHCM.

Cách đây không lâu, khi tàu cánh ngầm Greenlines B5 cũng thuộc công ty trên chở 75 hành khách vừa xuất bến từ TPHCM đi Vũng Tàu, khi ra đến giữa sông Sài Gòn (dưới chân cầu Phú Mỹ, quận 7), đột ngột chết máy, tàu trôi tự do trên sông. Phải hơn một giờ sau mới có tàu đến giải cứu hành khách lên tàu khác. Không chỉ bị chết máy bất tử, tàu của công ty này còn có rất nhiều sự cố mất an toàn khác.

Theo nhận định của các thuyền viên, việc xử lý để tàu cánh ngầm an toàn không va chạm, không lật chìm trong lúc bị chết máy rất đơn giản. Như thả neo để tàu đứng tại chỗ hay tránh trôi dạt, va chạm... Phải chăng thuyền trưởng không có kinh nghiệm hoặc tàu không trang bị neo?!

Theo Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam, thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ tàu cánh ngầm bị mắc cạn hoặc hỏng máy trên đường. Thuyền trưởng các tàu thường không tuân thủ quy định giảm tốc độ khi đi qua khu vực nguy hiểm như bến khách ngang sông, khu vực luồng giao nhau.

  • Cần siết chặt kiểm tra

Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu cho biết, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 6 vụ tai nạn tàu cánh ngầm trong vùng cảng biển Vũng Tàu. Các tàu bị các lỗi như máy VHF không sử dụng được, nhân viên phục vụ không biết sử dụng phao cứu sinh, cửa thông gió khoang hành khách không kín nước, không có bảng hướng dẫn sử dụng phao cứu sinh. Nguy hiểm hơn là thuyền viên không biết sử dụng thiết bị chữa cháy khi tàu gặp hỏa hoạn.

Ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy (Sở GTVT TP) cho rằng, tàu cánh ngầm hoạt động tuyến TPHCM - Vũng Tàu và ngược lại còn tồn tại các hạn chế cần khắc phục ngay như máy móc, chở quá tải... Các tàu cánh ngầm đều được đem đi kiểm định vỏ, máy móc hàng năm đạt yêu cầu mới được phép lưu thông. Tuy nhiên, hiện nay, một số tàu cánh ngầm chưa đảm bảo sự an toàn cho hành khách, thời gian qua thường xuyên chết máy. Sở chỉ kiểm tra về số lượng hành khách, áo phao, bằng cấp của lái tàu và một số quy định bề ngoài của vỏ tàu. Về độ an toàn của máy và kiểm định hay đăng kiểm thuộc về Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Ông Phạm Ninh, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm 6, cho rằng: “Về mặt chuyên môn, chúng tôi chia các sự cố ra nhiều loại. Thứ nhất là do lỗi kỹ thuật của máy khiến tàu đang chạy thì máy bị tắt đột ngột, tàu đang chạy bị vướng vào các vật cản ở dưới nước như rác.... Hai tàu chạy trên tuyến đâm nhau do sự chủ quan của người điều khiển phương tiện, đây là sự cố nguy hiểm nhất. Thời gian qua, các đơn vị này đều đã thay toàn bộ máy mới. Chỉ có Greenlines là còn khoảng 1/3 phương tiện sử dụng máy cũ. Do đó, việc chết máy do máy cũ đã được hạn chế. Nhưng có thể trong quá trình sử dụng, việc bảo trì, bảo dưỡng chưa đúng với quy trình của nhà sản xuất nên có thể xảy ra các sự cố trong lúc vận hành. Cơ quan đăng kiểm đã thực hiện công tác đăng kiểm đúng theo quy định của ngành. Nhưng đăng kiểm chỉ kiểm tra hàng năm, còn giữa các kỳ đó thì chủ tàu phải có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng để máy móc hoạt động bình thường”.

Thực tế thời gian qua đã có nhiều vụ tai nạn do tàu bị hỏng máy và trôi dạt trên hành trình. Hơn nữa, trên hành trình từ Vũng Tàu - TPHCM các tàu cánh ngầm phải đi qua vịnh Gành Rái, nơi giao thoa giữa vùng sông và biển, thường có sóng to gió lớn, nhất là vào mùa mưa bão và có nhiều tàu bè qua lại. Nếu xảy ra sự cố và tai nạn thì hậu quả sẽ rất khó lường...

Quốc Hùng

Theo Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay, trên tuyến có 18 tàu tham gia vận chuyển hành khách, trong đó có 13 chiếc loại 2 động cơ chính có sức chở 132 hành khách/tàu và 5 chiếc có 1 động cơ chính có sức chở 75 hành khách/tàu. Các tàu đã có thời gian hoạt động lâu năm, phần lớn được sản xuất vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi gặp sự cố rất khó đảm bảo ATGT cho khách, đặc biệt đối với loại tàu chỉ có 1 động cơ.

Tin cùng chuyên mục