Tây Ninh phát triển nông nghiệp bền vững

Tây Ninh và Long An vừa hợp nhất thành tỉnh Tây Ninh mới với dân số hơn 3,2 triệu người, diện tích tự nhiên hơn 8.500km2 cùng nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đang chú trọng phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao với nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Chăm sóc bò sữa ở trang trại bò sữa Vinamilk tại Bến Cầu
Chăm sóc bò sữa ở trang trại bò sữa Vinamilk tại Bến Cầu

Nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp

Tỉnh Long An (cũ) có thế mạnh về phát triển nông nghiệp nhờ hệ sinh thái đa dạng, đồng bằng phù sa màu mỡ. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 có hơn 50% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả,... được áp dụng quản lý sức khỏe; lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và phân bón vô cơ giảm 30%, tăng hiệu quả kinh tế 15-20% so với sản xuất thông thường; 50-80% số xã có đội ngũ nông dân hiểu biết, có kỹ năng và ứng dụng hiệu quả quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM). Ngành chức năng chú trọng đẩy mạnh khâu tuyên truyền, tiếp tục mở rộng ứng dụng công nghệ trên các cây, con, chủ lực là lúa, thanh long, bò, tôm; hỗ trợ nông dân trong khâu kết nối, tiêu thụ nông sản.

Trong khi đó, Tây Ninh (cũ) có hồ Dầu Tiếng cung cấp nguồn nước dồi dào cho trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ lợi thế đó, Tây Ninh (cũ) đặt mục tiêu đến năm 2023 hình thành 22 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó, 12 vùng trồng trọt, 7 vùng chăn nuôi, 3 vùng hỗn hợp trồng trọt và chăn nuôi. Mỗi vùng sản xuất được chứng nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) hình thành ít nhất 1 chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 25% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030. Giờ đây, hệ thống sông Vàm Cỏ Đông đi qua toàn bộ tỉnh Tây Ninh mới sẽ góp phần điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao.

Thu hút nhiều dự án quy mô lớn

Ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh tập trung nâng chất các mô hình, hợp tác xã được cấp chứng nhận sản xuất VietGAP giai đoạn 2016-2020 để thúc đẩy sản xuất theo hướng hữu cơ. Tính đến tháng 6-2025, toàn tỉnh Long An (cũ) có 2.148ha/2.000ha rau trồng theo hướng hữu cơ, đạt 107,4% so với kế hoạch giai đoạn 2021-2025; 100% người nông dân sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất rau, việc bổ sung phân hữu cơ giúp cải tạo đất, cây sinh trưởng tốt hơn, kéo dài thời gian đổi đất. Đồng thời tập trung phát triển 6 cây - con chủ lực, gồm: lúa, thanh long, chanh, rau, tôm và bò thịt theo kế hoạch được phê duyệt.

Trang trại bò sữa Vinamilk tại Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh cũ) có diện tích 685ha, trong đó có hơn 10ha dành cho chăn nuôi 8.000 con bò sữa. Trang trại này thuộc hệ thống 12 trang trại của Vinamilk trên cả nước, nổi bật với việc ứng dụng công nghệ hiện đại và được xây dựng theo chuẩn Global GAP. Theo cán bộ ngành nông nghiệp Tây Ninh, trang trại tại Bến Cầu có quy mô và công nghệ chăn nuôi tiên tiến, bao gồm hệ thống làm mát tự động, cảm biến nhiệt độ, độ ẩm và tốc độ gió, áp dụng cách mạng công nghiệp 4.0 trong toàn bộ quy trình chăn nuôi và quản lý. Trang trại còn dành một phần diện tích để trồng ngô sinh khối và các hạng mục công trình khác, góp phần tạo nên một khu phức hợp chăn nuôi hiện đại và bền vững.

Đáng chú ý, liên doanh DHN giữa Hùng Nhơn và De Heus cam kết 12 dự án NNƯDCNC với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Các dự án của DHN được ứng dụng công nghệ hiện đại, quy trình khép kín theo tiêu chuẩn quốc tế ISO và Global GAP, hướng tới mô hình kinh tế xanh và mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Chính phủ.

Để phát triển ngành NNƯDCNC, tỉnh Tây Ninh mới đang triển khai chương trình Phát triển gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mở rộng trồng rau, hoa màu và áp dụng hệ thống tưới tự động ở Long An cũ; chú trọng với việc hỗ trợ đào tạo nghề cho 2.617 người dân nông thôn về trồng trọt, chăn nuôi, cơ khí, giúp nâng cao tỷ lệ lao động có tay nghề đạt, hướng tới ngành nông nghiệp bền vững.

Theo ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn, Tây Ninh có lợi thế để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp còn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ và đồng hành của lãnh đạo địa phương. Đây chính là nguồn động lực để doanh nghiệp chọn Tây Ninh làm điểm đến cho chiến lược đầu tư với tầm nhìn đến năm 2050.

Tin cùng chuyên mục