Tết này họ đã thoát nghèo...

Tết này họ đã thoát nghèo...

Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM Nguyễn Văn Rảnh cho biết: “Đến nay, Chương trình Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp TPHCM giai đoạn 2006 – 2010 đã bước vào năm thứ ba. Và trong năm 2008, đã có 4.521 hộ nông dân được vay 49,189 tỷ đồng để sản xuất, nuôi trồng nhằm thoát nghèo bền vững. Năm nay, cùng với đà phát triển chung, nhiều nông dân TP đã thoát nghèo và chuẩn bị đón một cái tết sung túc”.

Tết này họ đã thoát nghèo... ảnh 1

Thu hoạch cá thác lác trong ao của anh Mai Văn Tùng. Ảnh: M.A.

1. Có trong tay 5.000m² đất trồng lúa hai vụ nhưng chưa bao giờ nông dân Mai Văn Tùng (ấp 3 xã Tân Nhựt huyện Bình Chánh TPHCM) dám nghĩ đến hai chữ “làm giàu” bởi đất phèn, chăm bón cách mấy, thu hoạch nhiều nhất cũng chỉ được 3,8 tấn lúa/ha.

Mai Văn Tùng nói: “Trước đây làm ruộng có năm đặng năm thất nên chỉ mong đủ gạo ăn là mừng. Với lại không có vốn, không tay nghề nên tui nghĩ mình khó làm giàu lắm”.

Vậy nên năm 2006, sau khi UBND xã Tân Nhựt đưa ra Đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi” với nhiều mô hình mới, anh Tùng quyết chí học nuôi cá thác lác để mong có cơ hội thay đổi số phận. Qua hai năm trồi lên sụt xuống, anh đã rút ra bài học kinh nghiệm: nếu thả cá giống kích cỡ quá nhỏ mà lại cho ăn thức ăn công nghiệp ngay thì cá giống dễ chết. Và anh đã thay “thực đơn” của cá bằng trùn (giun), đến khi cá giống đạt 10cm trở lên thì cho ăn thức ăn viên bột, chúng sẽ sống ổn định trong nước phèn.

Theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, anh Tùng thả nuôi 3.200 con cá thác lác giống trên diện tích 2.500m² mặt nước. Bên cạnh đó, anh còn thả thêm 51 kg cá sặc rằn giống để tận dụng nguồn thực phẩm rơi vãi. Tháng 12-2008, sau 10 tháng nuôi, anh Tùng đã thu hoạch 800 kg cá thác lác (42.000 đồng/kg)) và 1.106 kg cá sặc rằn (25.000 đồng/kg).

Sau khi trừ hết chi phí, anh lãi được 32,8 triệu đồng. Thoát nghèo và trả hết nợ nần, tết năm nay gia đình nông dân Mai Văn Tùng dự tính gói bánh tét, mua thêm thực phẩm, bánh trái để… ăn một cái tết cho đàng hoàng!

2. Đến khu phố 2 phường An Lạc quận Bình Tân hỏi anh “Tấn rau mầm” ai cũng biết. Tên của anh Quách Vĩnh Tấn được người ta gắn thêm cái đuôi “rau mầm” từ năm 2002, khi anh trở thành người đầu tiên trong khu phố trồng thành công rau mầm thương phẩm.

Tình cờ thấy trên tivi chỉ dẫn cách trồng rau mầm, Tấn hứng thú ghi chép và sau đó lùng sục tìm thêm sách báo đọc và mua hạt giống để trồng. Anh kể: “Vừa trồng vừa rút kinh nghiệm, cứ mỗi lần thất bại lại một lần đáng nhớ, trầy trật hàng chục lần tui mới có được những khay rau tạm ưng ý”.

Hội Nông dân TPHCM đã trao tặng 2.066 chiếc tivi (tổng trị giá khoảng 2,8 tỷ đồng) và 1.311 phần quà cho nông dân nghèo 13 quận, huyện để hỗ trợ bà con vui đón Tết Kỷ Sửu 2009.

Đầu năm 2005, anh Tấn tự tin “đứng lớp” truyền nghề cho nhiều bà con nghèo trong phường. Thấy nhiều người vẫn băn khoăn nên ngoài việc chỉ dẫn từng khâu, từng bước xử lý hạt giống, gieo, tưới nước, cắt mầm…, Tấn đảm bảo luôn mối tiêu thụ.

Kể từ đó, tổ hợp sản xuất rau mầm với 15 hộ thuộc phường An Lạc đã ra đời, do Tấn làm chủ nhiệm. Anh vui vẻ kể: “Trung bình 1kg hạt sẽ cho trên 4kg rau mầm thành phẩm, bỏ mối cho thương lái khoảng 20.000 đồng/kg rau.

Tổng kết năm 2008, trừ hết chi phí, tui cũng thu lãi được trên dưới 200 triệu đồng. Tết này mời anh xuống … nhậu chơi!”. Hiện nay, mô hình vượt nghèo – vươn lên làm giàu của anh “Tấn rau mầm” đang được nhiều hộ nông dân ở TPHCM học tập.

3. Tết năm nay, vườn kiểng của anh Đồng Tấn Út (ấp Mỹ Hòa xã Xuân Thới Đông huyện Hóc Môn) đã mở rộng diện tích lên đến trên 5.500m² với trên 1.000 chậu kiểng lớn nhỏ. Trong số này, gần 500 chậu lan và các loại kiểng lá như vạn niên tùng, vạn niên thanh, trúc nhật, ngũ gia bì… được tung ra thị trường. Anh cho hay: “Gần tết, các công ty hay hợp đồng đặt hàng số lượng lớn nên với giá kiểng ổn định thế này, bình quân mỗi tháng tui thu lãi khoảng 10 triệu đồng”.

Vậy mà ít ai hay rằng cách đây vài năm, anh Út thuộc diện nông dân nghèo nhất nhì xã Xuân Thới Đông. Nhờ chịu khó học hỏi qua những nghệ nhân đi trước, thường xuyên cập nhật thông tin, giá cả thị trường và đề cao chữ tín nên anh Út có được mối hàng ổn định. Ngay khi vừa thoát nghèo, anh chia sẻ: “Tui đang vay vốn mở rộng thêm 15.000m² vườn kiểng tại tỉnh Tây Ninh. Bây giờ phải tính tới chuyện làm ăn lớn, tết này tui ở luôn trên Tây Ninh, để vừa ăn tết vừa chăm sóc, buôn bán kiểng”.

4. Ông Trần Trường Sơn, Trưởng Ban Kinh tế xã hội-Hội Nông dân TPHCM nhận định: “Trong năm 2008, TPHCM có 6.234 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp và bình quân họ thu nhập 90-150 triệu đồng/ha. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, diện tích gieo trồng rau an toàn đã tăng 20%. Các loại vật nuôi khác như bò sữa đạt 67.500 con, tăng 11%; cá sấu đạt 150.000 con, tăng 15%; cá cảnh đạt 39 triệu con, tăng 30%… so với cùng kỳ. Đã có hàng ngàn hộ nông dân thoát nghèo, hàng trăm hộ vươn lên làm giàu”.

Hội Nông dân TPHCM cũng mạnh dạn phê duyệt, đề xuất cho vay 200 dự án sản xuất, kinh doanh trị giá 150 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Rảnh, Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM nói: “Năm 2009, nông dân TPHCM sẽ có bước đột phá trong công tác xóa nghèo và vươn lên làm giàu”.

Minh Anh - Thanh Hợp

Tin cùng chuyên mục