Thách thức bảo tồn và phát triển “quốc bảo” sâm Ngọc Linh - Bài 2: Thúc đẩy thương hiệu

Trong chuyến du lịch Hàn Quốc đầu xuân Kỷ Hợi, chứng kiến hướng dẫn viên du lịch người Việt ra rả quảng bá chất lượng, công hiệu của sản phẩm sâm Cao Ly, rồi nhìn dòng khách du lịch Việt Nam không ngại móc tiền ào ào mua sâm xứ người, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Việt Nam cũng có nhiều giống sâm quý, có quốc bảo sâm Ngọc Linh, thế nhưng ít người biết tới và sử dụng, vì sao?

Lo ngại sâm giả, giá đắt

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, lo ngại đầu tiên của khách hàng là mua nhầm sâm giả. Chúng tôi đặt vấn đề này với ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, ông Mười nói: “Sâm Ngọc Linh rất dễ bị làm giả bởi giống củ tam thất. Mỗi kg củ tam thất tươi giá chỉ hơn 1 triệu đồng, trong khi sâm Ngọc Linh tươi có giá từ 65 triệu đến 70 triệu đồng/kg. Chúng giống nhau về cả lá, thân, củ, việc phân biệt bằng mắt thường rất khó nên rất dễ bị nhầm lẫn”. - Vậy muốn mua sâm Ngọc Linh thật thì mua ở đâu? - chúng tôi hỏi. -  Nên đến Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Tô hoặc Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Các công ty này trồng sâm đã lâu ở Tu Mơ Rông, chiếm hầu hết diện tích sâm trên địa bàn. Sâm do các đơn vị này quản lý đã được UBND tỉnh công nhận là đơn vị nuôi trồng nguồn gen quý sâm Ngọc Linh - ông Mười trả lời. 

Về vấn nạn sâm giả, ông Trần Văn Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum, cho biết vừa qua tỉnh Kon Tum đã thành lập các đoàn thanh kiểm tra, lấy mẫu xử lý. Truyền hình tỉnh cũng đã làm phóng sự cảnh báo.

Còn ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, khi chúng tôi hỏi làm sao mua được sâm Ngọc Linh thật, ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện, cho biết muốn mua sâm Ngọc Linh chính hiệu, khách hàng đến các phiên chợ sâm định kỳ của huyện, sâm đã được tổ kiểm định kiểm tra từng củ trước khi đưa vào bán.

“Tôi đảm bảo khách cứ yên tâm khi đến chợ phiên mua sâm về dùng. Nếu phát hiện hành vi giả sâm trong chợ thì chính quyền chịu trách nhiệm” - ông Bửu khẳng định và cho biết, bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ nguồn sâm Ngọc Linh đưa vào bán tại chợ phiên, huyện Nam Trà My cũng yêu cầu các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sâm ký cam kết không buôn bán sâm Ngọc Linh giả và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Lo ngại thứ 2, đó là giá sâm Ngọc Linh còn cao. Khảo sát giá tại huyện Tu Mơ Rông, chúng tôi ghi nhận: sâm Ngọc Linh củ tươi mỗi kg có giá thấp nhất là 65 triệu đồng. Còn các chế phẩm từ sâm Ngọc Linh là trà sâm (800.000 đồng/kg), rượu sâm (từ 1,1 triệu đến 1,6 triệu đồng/chai 500ml), sâm ngâm mật ong (2,55 triệu đồng/chai), dịch chiết sâm (từ 600.000 đồng/loại 5 chai đến 1,2 triệu đồng/loại 10 chai)…

Tại huyện Nam Trà My, trong phiên chợ sâm được tổ chức đầu tháng 2-1019, mỗi ký sâm Ngọc Linh có giá từ 75 triệu đồng - 200 triệu đồng, tùy loại. Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk Tô, cho rằng sâm Ngọc Linh có giá cao do giá thành cây giống cao, từ 200.000 - 300.000 đồng/cây. Ngoài ra, để sâm Ngọc Linh cho củ đạt chất lượng phải mất tầm 8 năm.

Thách thức bảo tồn và phát triển “quốc bảo” sâm Ngọc Linh - Bài 2: Thúc đẩy thương hiệu ảnh 1 Sâm Ngọc Linh chủ yếu tập trung trên địa bàn huyện Nam Trà My (đa phần xã Trà Linh với tổng diện tích gần 70 héc-ta). Ảnh: NGỌC PHÚC
Bên cạnh đó, sâm Ngọc Linh không phải vùng nào cũng trồng được mà chỉ trồng ở những vùng đặc thù đảm bảo các điều kiện đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng. Ông Chung dẫn chứng, Công ty lâm nghiệp Đắk Tô bắt đầu trồng sâm từ năm 1995, đến nay chỉ phát triển được 17ha, mới thu hoạch 2 đợt trong năm 2018 với khối lượng khoảng 70kg tươi, trong đó hầu hết để phục vụ trưng bày. Nếu khách hàng đặt mua sâm củ thì phải đến tháng 11 mới có hàng.

Vươn ra thế giới

“Người dân Nam Trà My phải thoát nghèo và làm giàu từ cây sâm”, ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, quả quyết như vậy với chúng tôi và cho biết, đến nay, cây sâm Ngọc Linh đã được nhân trồng ra 7/10 xã của huyện với số hộ trồng sâm lên tới 1.500 hộ.

Thời gian qua, bên cạnh vận động người dân địa phương tự bảo vệ sản phẩm sâm Ngọc Linh (ngăn chặn các hành vi sử dụng trái phép chỉ dẫn địa lý; đảm bảo các quy định về xuất xứ, chất lượng), chính quyền tỉnh Quảng Nam còn hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm sâm Ngọc Linh, bảo tồn nguồn gen, di thực mở rộng diện tích trồng sâm. Từ chỗ vài trăm ha ban đầu, đến nay diện tích sâm Ngọc Linh trên địa bàn đã tỉnh được mở rộng lên gần 1.300ha.

Theo ông Hồ Quang Bửu, dù sâm Việt Nam nổi tiếng, song chúng ta vẫn chưa có nền công nghiệp sâm như các nước khác. Muốn có công nghiệp sâm thì phải có nguồn nguyên liệu ổn định, bền vững. “Chính phủ cần có dự án quốc gia về di thực sâm Ngọc Linh ra các vùng có độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển. Nên đưa cây sâm vào gói tín dụng 1.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần ban hành các cơ chế hỗ trợ thuế, đất trồng sâm”, ông Bửu kiến nghị.

“Phải làm sao để người dân vùng đồng bào thiểu số thay đổi nhận thức, chuyển từ quy mô sản xuất đơn lẻ sang quy mô tổ hợp tác, hợp tác xã, hạn chế khó khăn trong tiếp thu công nghệ, nâng cao năng lực đàm phán thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm sâm. Việc liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, kể cả với tỉnh bạn Kon Tum, cần phải đảm bảo quyền lợi giữa các bên để hình thành chuỗi giá trị, làm sao đưa sản phẩm vùng sâm vào hội chợ quốc tế. Đặc biệt, thời gian tới, ít nhất phải đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sâm Ngọc Linh ở các quốc gia…”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhìn nhận.

Thách thức bảo tồn và phát triển “quốc bảo” sâm Ngọc Linh - Bài 2: Thúc đẩy thương hiệu ảnh 2 Với mức giá từ 80 - 200 triệu đồng/kg (tùy loại), cây sâm đã thật sự là “quốc bảo” của người dân và địa phương trong việc xóa đói giảm nghèo. Ảnh: NGỌC PHÚC
Ông Trần Văn Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum, cũng cho biết, trên cơ sở kế hoạch, chương trình hành động thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển sâm Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum đã tổ chức kêu gọi nhiều nhà đầu tư tiềm năng đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh; cấp chứng chỉ công nhận nguồn giống theo quy định cho 2 đơn vị chủ nguồn giống sâm Ngọc Linh là Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk Tô và Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum.

UBND tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT có ý kiến đối với dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về sâm Ngọc Linh, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phúc đáp. Quy chuẩn không phải là thủ tục hành chính mà để đảm bảo được chất lượng sâm Ngọc Linh. Vừa qua, UBND tỉnh cũng phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã khai mạc triển lãm “Di sản văn hóa sâm Ngọc Linh Kon Tum - Báu vật đại ngàn”, kéo dài suốt năm 2019.

Thực tế cho thấy vẫn còn nhiều điều trăn trở trong việc bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, như quy mô sản xuất còn nhỏ, thị trường tiêu thụ chưa hình thành rõ nét; việc chung sức giữa 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam để phát triển sâm Ngọc Linh còn yếu.

Vì vậy, trong thời gian tới, cùng với sự nỗ lực mạnh mẽ của các địa phương trên đỉnh Ngọc Linh, rất cần sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước có tâm huyết, tầm nhìn và tiềm lực đầu tư phát triển với sứ mệnh đưa sâm Ngọc Linh trở thành thương hiệu quốc gia, quốc tế, xứng danh quốc bảo của Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị “Đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác” vào ngày 6-9-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, với tiềm năng sản phẩm, thị trường và giá trị của sâm Ngọc Linh, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để phát triển một ngành công nghiệp trồng và chế biến sâm Ngọc Linh thực thụ của Việt Nam. Mục tiêu không phải là một vài chục tỷ đồng sau mỗi phiên chợ mà phải tiến tới mục tiêu tỷ USD giá trị sản xuất và xuất khẩu trong những thập niên tới. Điều này hoàn toàn khả thi nếu nhìn vào dự báo thị trường sâm quốc tế với mức tăng trưởng rất cao.

Khi đạt được các điều kiện về sản lượng, quy mô, về sự công nhận thương hiệu sâm Ngọc Linh đã vượt khỏi biên giới Việt Nam, chúng ta cần có chiến lược đại chúng hóa, đa dạng hóa sản phẩm như cách Hàn Quốc đã làm. Phổ biến hóa nhưng không có nghĩa là hạ thấp giá trị của sâm Ngọc Linh. Thay vào đó cần định vị sâm Ngọc Linh ở phân khúc cao cấp.

Chúng ta cần phải bảo hộ được giá trị thương hiệu sâm Ngọc Linh trên các thị trường quốc tế cũng như ở các nước. Đây là thương hiệu quốc gia Việt Nam chứ không đơn thuần là thương hiệu của một sản phẩm thuần túy hay của doanh nghiệp. 

Tin cùng chuyên mục