Vụ cháy cửa hàng kinh doanh thiết bị điện dân dụng - bếp từ, số 423 đường Lũy Bán Bích (phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TPHCM) làm 4 người tử vong vào rạng sáng 10-6 một lần nữa báo động nguy cơ cháy và hậu quả từ những vụ cháy nhà phố (dạng nhà ống). Dù được cảnh báo rất nhiều lần, song cháy nhà ống gây hậu quả nghiêm trọng vẫn xảy ra. Vì sao?
Báo động nguy cơ và hậu quả từ cháy nhà ống
Nhà ống - loại nhà phố dạng hình hộp, có nhiều tầng, thường chỉ có duy nhất một cửa ra khỏi nhà ở phía trước tầng trệt, do đó khi xảy ra cháy, người sống trong nhà thường khó thoát hiểm. Trên thực tế, loại nhà này được xây cất rất phổ biến ở các thành phố lớn. Tại TPHCM, từng xảy ra nhiều vụ cháy nhà ống gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, như vụ cháy nhà 539 Hậu Giang (phường 11, quận 6) làm 2 người tử vong vào tháng 4-2014, cháy nhà làm chết 7 người tại nhà 416 Nguyễn Trãi (phường 8, quận 5) vào tháng 9-2014…
Sau mỗi vụ cháy nhà ống như vậy xảy ra, báo chí lại lên tiếng cảnh báo nguy cơ - chỉ ra các nguyên nhân, ngành chức năng đưa ra khuyến cáo phòng ngừa, chuyên gia lại kiến nghị chính quyền địa phương nhanh chóng tháo gỡ các tồn tại liên quan đến việc quy hoạch, cấp phép xây dựng nhà phố… Tuy nhiên, giải pháp rồi cũng chỉ là… những lời nói, và cháy nổ nhà ống - hậu quả nghiêm trọng vẫn xảy ra. Vụ cháy nhà ống (cửa hàng kinh doanh sản phẩm điện dân dụng - bếp từ) số 423 Lũy Bán Bích, quận Tân Phú vào rạng sáng 10-6 làm 4 nhân viên tử vong đã khẳng định điều này.
Nếu không có bảng quảng cáo che bít, có thể nạn nhân tử vong trong vụ cháy nhà số 423 Lũy Bán Bích (cửa hàng bán bếp từ) sẽ được kéo giảm
Sau khi vụ cháy nhà 423 Lũy Bán Bích xảy ra, nhiều vấn đề cũ lại được ngành phòng cháy chữa cháy và dư luận xới lên: Nếu người sử dụng căn nhà không trưng dụng nhà làm hai mục đích vừa ở vừa kinh doanh, hoặc căn nhà có lối thoát hiểm thứ hai, hay ban công không bị che bít bởi bảng quảng cáo…, có lẽ thiệt hại về người trong vụ cháy này sẽ không nghiêm trọng và tang thương đến vậy! Thật lo ngại hơn khi hiện nay ở TPHCM vẫn con hàng ngàn “căn nhà có mục đích kép” như nhà 423 Lũy Bán Bích, nhà không có lối thoát hiểm, vi phạm trong việc lắp đặt bảng quảng cáo, sử dụng nguồn lửa nguồn nhiệt không an toàn vẫn diễn ra tràn lan.
Hiện trường vụ cháy nhà trên đường Nguyễn Trãi (phường 8, quận 5) vào tháng 9-2014 làm 7 người chết
Chỉ tính riêng một số tuyến đường như: Tạ Quang Bửu (quận 8), Lũy Bán Bích (quận Tân Phú), Tên Lửa, Vành Đai Trong (quận Bình Tân), Nguyễn Duy Trinh (quận 2), Sư Vạn Hạnh (quận 10)… đã có hàng trăm căn nhà được chủ nhà trưng dụng để vừa ở vừa kinh doanh karaoke, quán nhậu, nhà nghỉ… Không chỉ lắp biển quảng cáo che bít toàn bộ ban công và mặt trước ở các tầng lầu, lối thoát hiểm duy nhất của căn nhà cũng bị chủ nhà để bàn ghế, hàng hóa, xe máy bít kín. Có căn nhà còn được chủ nhà, hoặc người sử dụng (thuê lại của chủ nhà) sửa lại chiều ngang cầu thang hẹp hơn để tiết kiệm diện tích, mở rộng diện tích phòng lấn ra hành lang lối đi. Hậu quả về người và tài sản sẽ khó lường khi những căn nhà trong tình trạng như trên bị cháy.
Chặn dứt cháy nhà phố làm chết người: bao giờ?
“Đến lúc chúng ta phải cần nghiêm túc, tỉnh táo và phải có giải pháp hiệu quả để ngăn cháy xảy ra đối với nhà phố (loại nhà ống), nhất là những nhà được chủ nhà trưng dụng vừa ở vừa kinh doanh. Nếu không, những vụ cháy kiểu này và hậu quả nghiêm trọng hẳn còn xảy ra”, Phó chủ tịch UBND TPHCM Huỳnh Cách Mạng đã nói như vậy khi thị sát hiện trường vụ cháy nhà 423 Lũy Bán Bích làm 4 người chết. Ông Huỳnh Cách Mạng đề nghị Cảnh sát PC&CC TPHCM phải lập kế hoạch phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao TP, UBND các quận huyện kiểm tra ngay các nhà phố được trưng dụng kinh doanh các loại hình giải trí, từ việc lắp đặt bảng quảng cáo đến giấy phép kinh doanh, phương án phòng cháy, thiết bị báo cháy, lối thoát hiểm. “Phải kiên quyết xử nghiêm khi phát hiện vi phạm để răn đe các chủ nhà, chủ doanh nghiệp vi phạm. Mặt khác, cảnh sát PCCC, các đơn vị liên quan phải thực hiện việc kiểm đúng quy trình, thường xuyên và chặt chẽ. Nếu để sự cố xảy ra, người đứng đầu ngành, địa bàn đó phải chịu trách nhiệm”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Huỳnh Cách Mạng nói.
Kỹ sư Nguyễn Minh Lâm - Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Kiên Hưng (quận 8), cho biết không chỉ có những căn nhà vừa ở vừa kinh doanh, với những căn nhà cao tầng sử dụng để ở khi xảy ra cháy, việc thoát hiểm cũng rất khó khăn, do: có một lối thoát hiểm duy nhất, có chủ nhà “kỹ tính” sợ trộm đột nhập nên lắp rào sắt bít kín mặt trước ở các tầng trên nên khó thoát hiểm được khi cháy tầng trệt. Đã vậy, với những công trình dạng này (cấp 3, cấp 4), luật không quy định khi hoàn công phải có phương án phòng cháy chữa cháy. Điều này vô hình trung góp phần làm tăng nguy hiểm đối với người ở trong nhà khi xảy ra cháy. Các bộ ngành cần xem xét lại vấn đề này. Ngoài ra theo kỹ sư Lâm, việc lắp đặt hệ thống báo cháy tự động tại nhà riêng lẽ cũng không bị luật ràng buộc, sẽ rất nguy hiểm nếu người sống trong nhà phát hiện có cháy kịp thời.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch (phụ trách kinh tế) của một quận ngoại thành ở TP, nói: “Tất cả các nguyên nhân gây cháy đều xuất phát từ con người, trong đó có người dân, nhưng trách nhiệm của chính quyền, ngành chức năng là trên hết. Đến lúc chúng ta phải làm, tất cả cùng làm nếu không muốn có thêm những vụ cháy nghiêm trọng, tang thương xảy ra nữa”.
NGUYỄN TÂM