Pháp tập trung 3 bảo tàng nổi tiếng: Louvre, Musée d’Orsay (Bảo tàng Orsay) và Musée d’art moderne de la Ville de Paris (Bảo tàng nghệ thuật hiện đại Paris) đều ở kinh đô ánh sáng Paris.
Louvre là một trong những bảo tàng nghệ thuật lớn nhất thế giới có đến 4 dịch vụ tham quan trực tuyến, khám phá không gian nằm sau mặt tiền với kim tự tháp thủy tinh nổi tiếng. Khách tham quan có thể ngắm nhìn bức tượng Đại Nhân sư thành Tanis trong tour Cổ vật Ai Cập, dạo qua tàn tích hào Louvre từ pháo đài cổ thế kỷ 12, chiêm ngưỡng trần nhà lộng lẫy phòng trưng bày Apollo, hay chiêm ngưỡng các tác phẩm của các họa sĩ Delacroix, Rembrandt... Musée d’Orsay là nơi trưng bày bộ sưu tập chất lượng nhất về các bức họa trường phái Ấn tượng và Hậu Ấn tượng của thế giới. Người hâm mộ Leonardo da Vinci hẳn sẽ muốn ngắm nghía bức Tự họa năm 1889 của ông. Đồng thời, bảo tàng còn có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng khác của các danh họa Monet, Cézanne, và Gauguin.
Còn Musée d’art moderne de la Ville de Paris lại thiên về nghệ thuật hiện đại, là nơi lưu giữ những tác phẩm hội họa được yêu thích của Henri Matisse và Pablo Picasso. Tại đây, du khách có thể xem hết toàn bộ những hiện vật vô giá này bằng dịch vụ trực tuyến.
Về quy mô khiến mọi người phải ngả mũ kính phục phải kể đến Bảo tàng State Hermitage, St. Petersburg, Nga có hơn 3 triệu tác phẩm và hiện vật, nổi bật là những kiệt tác như: Cung điện Mùa Đông, bức tượng Cậu bé cúi mình của Michelangelo, hay không gian Leonardo da Vinci với 2 nguyên bản bức họa Madonna Litta và Benois Madonna.
Trong khi đó, bảo tàng quan trọng nhất của Hà Lan Rijksmuseum được xem là ngôi nhà dành cho các tác phẩm của Vermeer và Rembrandt, nơi trưng bày hội họa cũng như lịch sử quốc gia này từ thời Trung cổ đến nay. Người dùng dịch vụ có thể được cung cấp lộ trình tham quan được thiết kế riêng dựa trên những tác phẩm mình đã thích và sưu tập lại.
Tại nơi được mệnh danh là ngôi nhà của nghệ thuật xứ Anh Tate Britain ở London, người xem có thể đắm mình với những trưng bày theo thứ tự thời gian từ năm 1545 đến nay. Bảo tàng cũng cung cấp rất nhiều video và bản thu âm đi kèm với các góc nhìn chuyên gia phân tích từng tác phẩm.
Khi các hoạt động văn hóa hướng tới cộng đồng xã hội đang tạm thời gián đoạn do lệnh cách ly nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, công nghệ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp con người mở ra những khả năng kết nối, trước mắt không để đời sống tinh thần bị thiếu thốn và về lâu dài cũng tránh được nguy cơ xảy ra khủng hoảng văn hóa. Bên cạnh bệnh dịch hoành hành khắp châu Âu, nguy cơ khủng hoảng về kinh tế dần lộ rõ, cuộc sống sẽ vất vả hơn trước. Nhưng với nhiều nỗ lực cùng những tiến bộ của nền văn minh nhân loại, chúng ta có thể tin rằng, đời sống tinh thần con người châu Âu nói riêng, toàn thế giới nói chung sẽ không bị nỗi lo lấn át làm quên đi những giá trị nhân văn.