(SGGPO).- Theo khảo sát về thư rác điện tử (spam) của Trung tâm An ninh mạng Bách Khoa (BKIS), trong tháng 7-2009, Brazil là quốc gia đứng đầu danh sách các nước phát tán nhiều thư rác vào Việt Nam nhất, với 15% tổng số thư rác xuất xứ từ Brazil. Các quốc gia tiếp theo thứ tự là Mỹ với 9,8%, Chile với 7,8%, Argentina với 6,9%.
Việt Nam tuy đứng thứ 16 trong danh sách, nhưng không phải là nơi phát tán thư rác khổng lồ bởi chỉ có 1,6% thư rác là được gửi từ các máy tính, máy chủ trong nước. Trong khi đó 15 nước đứng đầu trong danh sách này đã chiếm tới 75,2% tổng số thư rác phát tán trên mạng Việt Nam.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc bộ phận nghiên cứu phát triển BKIS, ba hình thức phát tán thư rác phổ biến nhất hiện nay được những kẻ phát tán thư rác (spammer) sử dụng là: mạng máy tính ma (botnet), lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo tại các máy chủ mail (Mail Server) cho phép gửi theo kiểu chuyển tiếp email (Mail Relay), tự xây dựng hệ thống máy chủ chuyên để phát tán thư rác.
Mạng máy tính ma là nguồn gốc của hầu hết thư rác, theo thống kê của Bkis, đã có tới 81,5% thư rác được gửi đi từ những mạng máy tính ma. Chính vì vậy, quốc gia nào có số máy tính bị nhiễm virus nhiều nhất thì cũng sẽ trở thành nơi phát tán thư rác nhiều nhất.
Nghiên cứu của BKIS cho thấy, trong số 1,6% thư rác xuất phát từ Việt Nam (và vào Việt Nam), có 23% là gửi từ các máy chủ mail của Việt Nam và 77% là gửi từ mạng máy tính ma. Trong số các thư rác gửi từ máy chủ mail Việt Nam, có tới 99,2 % là do các spammer nước ngoài gửi, nhiều nhất là Mỹ (32,3%) và Brazil (11,0%). Chỉ có 0,8% là do các spammer trong nước thực hiện.
Còn với các thư rác gửi từ hệ thống mạng máy tính ma tại Việt Nam, theo BKIS mặc dù phần lớn không phải thư rác tiếng Việt nhưng cũng không loại trừ khả năng các spammer Việt Nam được thuê để phát tán.
Để hạn chế tình trạng thư rác, BKIS cho rằng người sử dụng cần nâng cao ý thức về phòng chống virus cho máy tính, sử dụng phần mềm diệt virus có bản quyền và cập nhật thường xuyên. Với các quản trị của các nhà cung cấp dịch vụ, cần rà soát lại máy chủ mail, cấu hình chặt chẽ chế độ chuyển tiếp mail (mail relay) và tốt nhất là khóa tính năng này nếu hệ thống không có nhu cầu sử dụng.
TRẦN BÌNH