30 năm bóng đá thành phố Hồ Chí Minh

Thăng trầm và khát vọng

Thăng trầm và khát vọng

Nói đến bóng đá thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta không thể không nhắc đến buổi đầu môn thể thao này du nhập vào vùng đất Sài Gòn-Chợ Lớn những năm 80 thế kỷ 19. Sài Gòn là nơi hội nhập nhiều trường phái bóng đá qua những lần giao hữu, học hỏi kinh nghiệm. Đây cũng là nơi sản sinh ra nhiều tài năng từng làm rạng danh đất Việt, mang về nhiều chiến tích lẫy lừng và nhiều dấu ấn lịch sử rất đáng ghi vào Guinness Việt Nam.

  • Những ngày đầu vẻ vang

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, bóng đá là một trong những môn thể thao đầu tiên được chính quyền cách mạng quan tâm, xây dựng. Nhiều anh em cầu thủ trước đây đã hăng hái tham gia hoạt động trở lại với nhiều đội bóng mang tên các đơn vị hành chính và hoạt động mang tính chất phong trào do Thành Đoàn phát động.

Ngày 25-8-1975, giải bóng đá “Mừng Quốc khánh” quy tụ 22 đội bóng của các quận Đoàn khởi tranh, với sự góp mặt của nhiều danh thủ. Đây là giải bóng đá đầu tiên của thành phố sau ngày giải phóng. Trận chung kết diễn ra vào ngày 31-8-1975, đội Quận Đoàn 3 thắng đội Quận Đoàn Tân Bình 5-1, đoạt chức vô địch.

Thăng trầm và khát vọng ảnh 1

Lê Huỳnh Đức (áo đỏ), cầu thủ TP.HCM nhiều lần nhận danh hiệu Quả bóng vàng.

Và chỉ 2 ngày sau, trận đấu giữa hai đội bóng “chuyên nghiệp” đầu tiên của thành phố được tổ chức đúng vào dịp đại lễ Quốc khánh 2-9 là Hải quan (hình thành từ đội Quan Thuế cũ) và đội Ngân Hàng (nguyên vẹn đội hình Việt Nam Thương Tín vô địch giải hạng nhất trước đây). Trận đấu đặt dưới sự chủ tọa của Chủ tịch UBTƯ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, luật sư Nguyễn Hữu Thọ và dưới sự điều khiển của tổ trọng tài FIFA Huỳnh Bá Minh, Hồ Thiệu Quang và Đậu Văn Dzu. Kết quả, Hải Quan giành chiến thắng 3-0.

Sau trận giao hữu đi vào lịch sử bóng đá thành phố ấy, môn thể thao Vua hoạt động mạnh mẽ, với hàng trăm đội bóng lớn, nhỏ được thành lập ở khắp các quận, huyện, ban ngành. Bộ môn bóng đá trực thuộc Sở TDTT TP.HCM ra đời và ông Đỗ Minh Khá được giao nhiệm vụ Trưởng bộ môn. Nhiều giải đấu được tổ chức hết ngày này qua tháng nọ, đáng kể nhất là giải bóng đá Cửu Long vào năm 1976, quy tụ nhiều đội bóng thành phố và các tỉnh bạn. Đội Hải Quan tiếp tục ghi dấu ấn bằng chiến thắng 4-3 trước Cảng Sài Gòn trong trận chung kết.

Tiếp đến là hệ thống các giải vô địch hạng A1, A2 và B cấp thành phố được tổ chức một cách quy củ. Riêng các đội hạng A1 đều có đội trẻ đá mở màn cho các đội “đàn anh” trước các trận đấu tranh giải. Điều đó cho thấy tiềm lực to lớn của bóng đá thành phố.

Từ năm 1980, bóng đá TP.HCM tham dự giải vô địch toàn quốc (hạng A1) lần đầu tiên và duy trì đều đặn cho đến ngày nay, dù giải đấu đỉnh cao quốc gia này liên tục thay đổi “phiên hiệu”, từ A1 đến đội mạnh, rồi giải hạng nhất và nay là V-League.

Thành tích bóng đá TP.HCM tại các giải đỉnh cao quốc gia:

- Đội Cảng Sài Gòn: vô địch quốc gia các năm 1986, 1997, 2001,2002; đoạt Cúp quốc gia năm 1992; hạng nhì các năm 1994, 1996, 1997.

- Đội Hải Quan: vô địch quốc gia năm 1991; hạng nhì năm 1983; hạng ba năm 1980; đoạt cúp quốc gia các năm 1996, 1997; hạng nhì năm 1998.

- Đội Công An TP.HCM (sau chuyển giao cho Ngân hàng Đông Á): vô địch quốc gia năm 1995; hạng nhì năm 1996; đoạt Cúp quốc gia các năm 1998, 2001; vô địch Dunhill Cup Việt Nam lần 1 năm 1997; hạng ba các năm 1998, 1999.

Riêng môn bóng đá nữ, thành phố là cái nôi xây dựng và duy trì phong trào. LĐBĐ TP.HCM phối hợp với Trung tâm TDTT quận 1 thành lập đội tuyển bóng đá nữ TP và cho tham gia thi đấu các giải toàn quốc. Những thành tích mà tuyển bóng đá nữ đạt được là: đoạt chức vô địch năm 2002 (giải Đại hội TDTT toàn quốc lần 4) và năm 2004, đóng góp 1/2 lực lượng trong thành phần đội tuyển Việt Nam đoạt huy chương vàng SEA Games 21-2001, SEA Games 22-2003, huy chương đồng SEA Games 19-1997.

  • Liên đoàn Bóng đá TP.HCM ra đời

Cuối năm 1989, lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo Sở TDTT tìm hướng xã hội hóa bóng đá và phối hợp với các chuyên gia tâm huyết xây dựng kế hoạch thành lập Liên đoàn Bóng đá TP.HCM.

Ngày 23-11-1989, Ủy ban Nhân dân TP.HCM ký quyết định cho phép thành lập Ban vận động thành lập LĐBĐ TP.HCM gồm 15 thành viên do ông Nguyễn Võ Danh, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Bóng đá TP làm Trưởng ban.

Ngày 4-1-1990, Đại hội đại biểu thành lập Liên đoàn Bóng đá TP.HCM nhiệm kỳ I thành công tốt đẹp. Ban chấp hành gồm 27 thành viên do ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Chủ tịch UBND TP làm Chủ tịch.

Sau 7 năm hoạt động với nhiều đóng góp to lớn, Đại hội đại biểu LĐBĐ TP nhiệm kỳ II (1998-2003) bầu Ban chấp hành mới gồm 25 thành viên do ông Nguyễn Văn Chí làm Chủ tịch.

Hiện nay, Ban Chấp hành LĐBĐ TP.HCM nhiệm kỳ III do ông Trần Văn Tạo làm Chủ tịch.

  • Những giải đấu tạo tiếng vang tốt

30 năm qua, bóng đá thành phố trải qua bao thăng trầm, trong đó, không thể phủ nhận những thành công, tạo được tiếng vang tốt trong và ngoài nước qua việc tổ chức các giải Cúp Độc lập lần 1 năm 1995, Dunhill Cup quốc tế 1999, vòng loại bảng các giải World Cup 1994, Asian Cup 1996, Tiger Cup 1998, 2004, SEA Games 22-2003...

Đặc biệt, Cúp bóng đá TP.HCM qua 10 lần tổ chức, kể từ lần thứ 6 năm 2000 mang tên LG Cup, đã trở thành giải truyền thống hấp dẫn nhất nước và đến giải lần thứ 11 năm 2005 được chính thức đưa vào hệ thống các giải của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC).

Ngoài ra, TP.HCM còn là nơi khai sinh giải thưởng cá nhân dành cho cầu thủ xuất sắc nhất trong năm mang tên Quả bóng vàng; Giải do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức từ năm 1995. Đến nay, cầu thủ TP.HCM vinh dự nhận danh hiệu cao quý này là: Lê Huỳnh Đức (QBV 1995, 1997, 2002; QBB 1998, 1999); Võ Hoàng Bửu (QBV 1996); Lưu Ngọc Mai (QBĐ 2001, tính chung với giải nam); Nguyễn Thị Kim Hồng (QBV nữ 2003).

  • Sự ra đời của câu lạc bộ bóng đá thành phố

Khi bóng đá cả nước tiến lên chuyên nghiệp và trước yêu cầu của người hâm mộ cần có một đội bóng đá đại biểu thật sự cho bóng đá TP.HCM, cuối năm 2004, LĐBĐ TP.HCM thành lập CLB bóng đá TPHCM, kết hợp lực lượng cầu thủ trẻ của Trung tâm Thể thao Thành Long và Ngân hàng Đông Á. CLB nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của ông Quách Thành Lai (Bầu Hưng), Giám đốc Trung tâm Thể thao Thành Long kiêm Chủ tịch CLB.

Ban huấn luyện CLB gồm các ông Phạm Huỳnh Tam Lang, HLV trưởng, cùng các HLV phó Nguyễn Văn Hiệp và Trần Minh Chiến. Đại bản doanh của CLB đặt tại TT Thể thao Thành Long. Mục tiêu của đội là trong 1 đến 2 năm sẽ thăng lên hạng nhất quốc gia và đến năm 2007 sẽ bước vào hàng ngũ các CLB chuyên nghiệp thi đấu tại V-League.

Bóng đá TP.HCM tràn đầy tiềm năng và khát vọng vươn lên. 

LINH GIAO 

Guinness bóng đá TPHCM

Sân bóng lâu đời nhất Việt Nam là bãi cỏ có tên gọi Jardine de la Ville, được dùng làm nơi chơi bóng từ năm 1896. Sân được bao bọc bởi những cây bờ rô, nên còn gọi là sân Bờ Rô, sau được cải tạo lại mang tên sân Vườn Ông Thượng, rồi mang tên Tao Đàn cho đến ngày nay.

Đội bóng người Việt Nam đầu tiên được thành lập cũng tại đất Sài Gòn. Đó là đội Gia Định Sports, được lập năm 1906.

Thành tích cao nhất của bóng đá Việt Nam cũng do các cầu thủ Sài Gòn lập được với chiếc huy chương vàng SEA Games 1-1959 và chiếc Cúp Merdeka 1966. Những thành tích này đến nay bóng đá Việt Nam chưa tái lập được.

Tin cùng chuyên mục