Thấp thỏm lo cháy ở các vựa phế liệu

Vi phạm tràn lan
Thấp thỏm lo cháy ở các vựa phế liệu

Hoạt động kinh doanh, mua bán phế liệu đã và đang trở thành một nghề khá phổ biến ở TPHCM. Thống kê của 24 quận huyện ở TP, hiện có gần 2.000 vựa phế liệu lớn nhỏ (cả được cấp phép và không cấp phép) đang hoạt động. Ở các vựa phế liệu này tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ do tồn trữ, chất chứa nhiều vật liệu dễ cháy (bao bì, dây nhựa, phế phẩm sợi…) nhưng chủ vựa luôn bỏ qua các quy định về phòng cháy, trong khi cơ quan chức năng lại chưa có giải pháp căn cơ.

Vi phạm tràn lan

Đường Nguyễn Văn Linh, đoạn từ nút giao đường Phạm Hùng đến cầu Ông Lớn (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) dài khoảng 500m nhưng có gần chục vựa phế liệu hoạt động. Không chỉ thu mua phế liệu từ những người đi xe đẩy trong xã, các vựa này còn thu mua phế liệu số lượng lớn từ các huyện Nhà Bè, Cần Giờ và huyện Bến Lức (tỉnh Long An). Chiều đến, đủ thứ phế liệu dễ cháy được người buôn sử dụng xe tải chở về bán cho các vựa. Tại đây, phế liệu được công nhân của các vựa chất đống cao như “núi”, ngổn ngang, chiếm cả lối thoát hiểm.

Cảnh sát PC&CC huyện Bình Chánh tích cực dập lửa tại vựa phế liệu nằm trên quốc lộ 1A, đoạn gần nút giao cầu Bình Thuận (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TPHCM) bị cháy vào trưa 20-11.

Tại vựa phế liệu H.G. nằm gần ngã tư Nguyễn Văn Linh và Phạm Hùng (xã Bình Hưng), nhiều công nhân vừa vác giấy cạc - tông trên xe xuống chất vào kho, vừa phì phèo thuốc lá, rồi vô tư vứt tàn thuốc xuống khu vực có nhiều giấy vụn, dây nhựa. Bên trong các bãi phế liệu, chủ vựa còn giăng mắc dây điện, lắp đặt ổ điện ngay dưới chân tường - nơi chất các loại đồ nhựa, phế phẩm dễ cháy. Không chỉ ở xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh), ghi nhận của chúng tôi tại nhiều vựa phế liệu nằm trên địa bàn phường 14 (quận 8), phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân), xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), phường Tam Bình (quận Thủ Đức), phường Tân Thới Nhất (quận 12)… cũng tồn tại các lỗi vi phạm về an toàn phòng cháy chữa cháy tương tự. Đáng lo ngại hơn, hầu hết các chủ vựa phế liệu là người vãng lai, đến thuê đất của người dân địa phương mở vựa kinh doanh. Do không có nhà ở, các chủ vựa còn đóng gác gỗ để gia đình và công nhân ngủ nghỉ ngay trên các kho phế liệu. Nếu có sự cố, cháy nổ xảy ra, sẽ khó thoát hiểm kịp, nguy hiểm khôn lường.

Hầu hết các vựa phế hiện nay trên địa bàn TPHCM đều chất hàng ngổn ngang, cản trở lối thoát hiểm (ảnh chụp tại một vựa phế liệu trên địa bàn quận 12).

Dù các cơ quan chức năng phản ánh, cảnh báo từ lâu, tuy nhiên vi phạm về an toàn PCCC ở các vựa phế liệu vẫn cứ tồn tại và ngày càng phổ biến. Trên thực tế, đã có nhiều vụ cháy nổ xảy ra ở các vựa phế liệu, gây thiệt hại lớn về tài sản, đe dọa đến tính mạng con người. Điển hình, vụ cháy bãi phế liệu nằm trên quốc lộ 1A, đoạn gần nút giao cầu Bình Thuận (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TPHCM) vào trưa 20-11. Dù công nhân làm việc tại vựa và người dân xung quanh phát hiện kịp thời và tích cực dập lửa nhưng lửa vẫn lan nhanh, cháy lớn thiêu rụi hàng tấn phế liệu trong bãi. Lửa còn cháy lan lên đường dây điện trung thế, táp ra quốc lộ 1A, đe dọa tính mạng người đi đường. 

Rà soát lại số lượng, quyết liệt trong từng giải pháp

Đại tá Huỳnh Văn Quyến, Trưởng Phòng Cảnh sát PC&CC quận Bình Tân, cho rằng vựa phế liệu là một trong những đối tượng có nguy cơ cháy cao hiện nay. Đặc biệt, tính nguy hiểm, hậu quả để lại về người và tài sản sẽ rất lớn nếu xảy ra cháy nổ, vì khi vựa phế liệu bị cháy sẽ rất dễ cháy lan, cháy lớn do có nhiều vật liệu dễ cháy, bắt lửa. Để ngăn chặn cháy nổ xảy ra tại các vựa phế liệu, theo Đại tá Huỳnh Văn Quyến, cần thực hiện các giải pháp sau: Đẩy mạnh việc kiểm tra, xử lý các lỗi vi phạm, nhất là ở thời điểm cuối năm. Ngoài việc xử lý các lỗi an toàn về PCCC của cảnh sát PCCC, chính quyền các địa phương cần chủ động rà soát, xử lý các hành vi liên quan như: xây dựng không phép, gây ô nhiễm môi trường, không có giấy phép kinh doanh…, bởi hiện nay các vựa phế liệu không phép tồn tại rất nhiều. Việc xử lý rốt ráo các vi phạm này sẽ góp phần đáng kể vào việc ngăn chặn, không để cháy nổ xảy ra ở các vựa phế liệu. Đối với các vựa phế liệu được cấp phép hoạt động, các đơn vị cấp phép kinh doanh (UBND quận huyện, Sở Kế hoạch Đầu tư TP) ngoài việc căn cứ vào vốn điều lệ, vị trí đất (theo tờ khai của chủ doanh nghiệp) cũng cần xác minh, cân nhắc, lấy ý kiến các đơn vị liên quan về an toàn cháy nổ, vị trí đất được cấp có đúng với chức năng sử dụng đất… khi cấp phép hay không... Như thế sẽ hạn chế được các hậu quả, hệ lụy kéo theo về cháy nổ, ô nhiễm môi trường trong quá trình doanh nghiệp (ở đây là chủ vựa phế liệu) hoạt động sau cấp phép.

Ngoài ra, theo Đại tá Huỳnh Văn Quyến, giải pháp cần làm nhất hiện nay, là cảnh sát PCCC tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, đoàn thể, đẩy mạnh tuyên truyền đến chủ các vựa phế liệu, yêu cầu họ chấp hành tốt các quy định về an toàn PCCC. Cụ thể: Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt; giáo dục cho công nhân nâng cao ý thức tự quản, chấp hành nghiêm túc các quy định về PCCC, không hút thuốc lá trong vựa phế liệu, sắp xếp hàng hóa thông thoáng, không che kín lối thoát hiểm. 

Cảnh sát PC&CC TPHCM cho biết, đang chỉ đạo các phòng cảnh sát PC&CC quận huyện phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại tất cả các vựa phế liệu trên địa bàn mình phụ trách (cả có phép và không phép), để phân loại và có giải pháp phòng ngừa cháy nổ phù hợp, nhằm hạn chế tối thiểu các vụ cháy nổ xảy ra tại các vựa phế liệu. 

TUẤN VIỆT

Tin cùng chuyên mục