Thay đổi cách nhìn về Robocon

Quan sát cuộc thi Robocon ở Việt Nam, người ta có cảm giác nó đang mất dần sức cuốn hút và chỉ còn mang nặng tính ăn thua. Liệu đã đến lúc thay đổi cách làm và cách chơi Robocon sau 10 năm tồn tại, với tư cách là sân chơi kỹ thuật lớn nhất dành cho sinh viên Việt Nam?
Thay đổi cách nhìn về Robocon

Quan sát cuộc thi Robocon ở Việt Nam, người ta có cảm giác nó đang mất dần sức cuốn hút và chỉ còn mang nặng tính ăn thua. Liệu đã đến lúc thay đổi cách làm và cách chơi Robocon sau 10 năm tồn tại, với tư cách là sân chơi kỹ thuật lớn nhất dành cho sinh viên Việt Nam?

Chuyển hướng ngầm

Lật lại ký ức những mùa Robocon đầu tiên (Việt Nam chính thức tham dự Robocon châu Á từ năm 2002), khi Việt Nam vừa chân ướt chân ráo bước ra đấu trường khu vực đã lập tức đánh bại các tên tuổi lớn. Telematic (Đại học Bách khoa TPHCM) đã chiến thắng Nhật Bản, Trung Quốc vào năm 2002 bởi những con robot là mấy thanh nhôm vắt qua vắt lại. Năm 2004, Việt Nam tiếp tục đánh bại nước chủ nhà Trung Quốc bằng cơ chế sử dụng cần câu của chính họ, được sinh viên mua ở chợ Nhật Tảo...
 
Nhưng khi cuộc thi Robocon có khuynh hướng trở thành cuộc trình diễn công nghệ (khoảng từ năm 2009), Việt Nam trở nên hụt hơi trên đấu trường khu vực. Giải pháp kiểu “con nhà nghèo” trong điều kiện rất khó khăn về thiết bị và tư liệu tham khảo không thể tiếp tục mang đến thành công. Thay vì chế tạo hoàn toàn robot như trước đây, các trường có xu hướng mua sắm thiết bị có sẵn, hiện đại và ổn định hơn.

Xuất phát từ nhu cầu đó, hàng loạt các công ty chuyên phục vụ nhu cầu của các đội Robocon ra đời như HLAB; Câu lạc bộ (CLB) khoa học trẻ, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM; CLB BKIT4U của Trường ĐH Bách khoa TPHCM hay Công ty TNHH Phát triển công nghệ robot... đứng đầu là những sinh viên tham dự Robocon những năm trước đó

Niềm vui của thầy trò Đại học Lạc Hồng khi chiến thắng tại cuộc thi Robocon toàn quốc.

Niềm vui của thầy trò Đại học Lạc Hồng khi chiến thắng tại cuộc thi Robocon toàn quốc.

Theo anh Bùi Thế Hoàng, cựu thành viên Robocon Đại học Bách khoa, hiện là Trưởng phòng thí nghiệm HLAB, về mặt lý thuyết, các đội chơi Robocon có thể tự chế tạo được những bộ điều khiển, mạch… Tuy nhiên, do ít kinh nghiệm, họ thường phải tốn nhiều thời gian, công sức.

Thêm vào đó, thiết bị do họ làm có thể hoạt động thiếu ổn định, dễ bị cháy nên giải pháp tìm mua là hợp lý. “Việc chế tạo tất cả thiết bị cho một sản phẩm trong thời buổi công nghiệp là một bước lùi. Ứng dụng các thiết bị, giải pháp ổn định là bước khởi đầu quan trọng của sinh viên khi tiếp xúc với công việc trong tương lai”, Hoàng chia sẻ.

Có nên đầu tư lớn?

Nếu mang ra so sánh với các nước trong khu vực, dễ dàng nhận thấy cuộc thi Robocon Việt Nam sôi động và quy mô hơn rất nhiều. Trung bình hàng năm có hơn 100 đội từ các trường đại học, cao đẳng đăng ký tham gia dự giải. Trong khi đó, ở đất nước có nền công nghệ phát triển như Hàn Quốc, Robocon chỉ là một sân chơi nhỏ trong rất nhiều cuộc chơi robot khác.

Là du học sinh tại Hàn Quốc và trực tiếp quan sát cách chơi robot tại đây, anh Nguyễn Bá Hải, hiện là Trưởng phòng thí nghiệm cơ điện tử ô tô - ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, cho biết: “Số đội tham gia cuộc thi Robocon toàn quốc của Hàn Quốc không nhiều. Ngay trường tôi theo học lúc đó cũng chỉ có 1 đội với khoảng 10 người tham gia và chỉ thi đấu có một vòng duy nhất chứ không nhiều như ở Việt Nam”.
 
Với ý nghĩa ban đầu chỉ là sân chơi nhỏ nhằm phát huy tính sáng tạo cho sinh viên nhưng khi vào Việt Nam, Robocon được khuếch trương mạnh mẽ, trở thành cuộc thi có quy mô lớn, tính lan truyền xã hội cao. Lẽ dĩ nhiên, sân chơi Robocon cũng trở thành kênh truyền thông cho các trường quảng bá tên tuổi.

Giảng viên Huỳnh Văn Kiểm, người đã có thâm niên nhiều năm hướng dẫn các đội Robocon của Trường ĐH Bách khoa TPHCM, nhìn nhận: “Vài năm gần đây, trường chỉ xem Robocon là một trong nhiều sân chơi của sinh viên, nên mức hỗ trợ chỉ từ 5 - 10 triệu đồng/đội. Nhưng thời điểm 2006, riêng mức hỗ trợ cho đội Robocon Trường Đại học Bách khoa đã là 500 triệu đồng, các trường khác chắc cũng đầu tư không ít tiền”.

Được biết, bản thân ĐH Bách khoa, sau đó đó là ĐH Sư phạm kỹ thuật TP đã từng xây dựng một chương trình phát triển sân chơi Robocon trong sinh viên với mức đầu tư khá lớn.

Những năm gần đây, Đại học Lạc Hồng nổi lên như một tên tuổi lớn trong làng Robocon với 3 chức vô địch toàn quốc liên tiếp. Cách đầu tư và tạo lập sân chơi trong sinh viên của đơn vị này không khác nhiều so với Đại học Bách khoa hay Đại học Sư phạm kỹ thuật trước đây.

Thầy Lâm Thành Hiển, Hiệu phó Trường Đại học Lạc Hồng, chia sẻ: “Trường xem Robocon như là một phần của phong trào nghiên cứu khoa học trong nhà trường. Vậy nên, với mức 1,5 - 2 tỷ đồng mỗi năm, so sánh mức đầu tư nghiên cứu khoa học với các trường bạn là không nhiều”.

Cũng theo thầy Lâm Thành Hiển, Robocon thực sự đã trở thành một lớp học công nghệ cực kỳ sinh động so các giờ học lý thuyết trên lớp. Mức đầu tư cao hay thấp không quan trọng bằng việc kích thích được niềm đam mê học tập của sinh viên.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục