Đây là chiếc xe chở nhóm bác sĩ ghép tạng đang trên đường đến nhận trái tim của một người hiến tặng để cứu một người đang bên bờ sinh tử. Cách đó không xa, tại sân bay Barajas, các nhân viên y tế ngồi trên máy bay tư nhân đang đợi trái tim người hiến tặng.
Tại Tây Ban Nha, hơn 75% số nội tạng được vận chuyển bằng các hãng hàng không thương mại, nhưng những tạng đặc biệt như tim đòi hỏi thời gian gấp gáp sẽ được vận chuyển bằng máy bay tư nhân. Ngay sau khi nhận trái tim khỏe mạnh, đội ngũ y tế nhanh chóng đến Bệnh viện Majadahonda, thay quần áo, tới phòng mổ để thực hiện công đoạn thay trái tim mới cho bệnh nhân. Trong vòng vài giờ, các ống sẽ được rút ra, lồng ngực sẽ khép lại và trái tim sẽ bắt đầu nhịp đập bên trong cơ thể của người chủ mới. Đó là lúc các bác sĩ nhẹ nhàng mỉm cười vì bao công sức, khó khăn đã được đền đáp xứng đáng.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện hiến tạng được thực hiện tại Tây Ban Nha trong thời gian vừa qua. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây ra một loạt thách thức đối với các chuyên gia ghép tạng hàng đầu ở Tây Ban Nha, bệnh nhân được nhận tạng lần này quả là may mắn.
Kéo dài từ năm ngoái đến nay, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động cấy ghép tạng tại nước này, khi phần lớn đội ngũ y bác sĩ phải căng mình chống dịch. Trong khi đó, các đơn vị hồi sức tích cực (ICU) tại tất cả bệnh viện luôn quá tải. Các ICU là nơi giúp người hiến tạng duy trì sự sống nhờ máy móc và cũng là nơi các bệnh nhân nhận tạng lưu lại những ngày đầu tiên sau khi cấy ghép.
Do số bệnh nhân mắc Covid-19 quá nhiều, nên số ca ghép tạng đã giảm 20% trong năm 2020. Dẫu vậy, với sự quyết tâm của đội ngũ y tế, Tây Ban Nha vẫn là nước có số người hiến tạng cao trên thế giới. Trong năm 2020, cứ 1 triệu người lại có 37,4 người tình nguyện hiến tạng ở Tây Ban Nha, cao hơn so với mức 29,4 ở Pháp và 36,1 ở Mỹ. Bên cạnh đó, Tây Ban Nha cũng là nước có số ca ghép tạng hàng đầu thế giới, chiếm tới 5% tổng số ca ghép tạng trên thế giới, dù chỉ chiếm 0,6% dân số toàn cầu. Hiện các chuyên gia đầu ngành của nước này và của thế giới vẫn nỗ lực bền bỉ vượt qua khó khăn, góp phần mang lại sự sống cho bệnh nhân.
Gần 30 năm qua, dù phải duy trì chính sách thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu cho y tế trong thời gian khủng hoảng kinh tế, nhưng Tây Ban Nha vẫn duy trì tiêu chuẩn vàng về hiến tạng, trở thành quốc gia có mô hình về hiến ghép tạng hàng đầu trên thế giới. Ở Tây Ban Nha, sau khi mất, người qua đời sẽ tự động là người hiến tạng, trừ khi lựa chọn không tham gia. Các bệnh viện ở nước này luôn phối hợp một cách hiệu quả để ghép tạng kịp thời cho những người cần. Điều đặc biệt, tất cả các ca ghép tạng đều miễn phí nhằm tránh tình trạng buôn bán nội tạng.
Tổ chức Ghép tạng quốc gia riêng biệt (ONT) được thành lập năm 1989, trực thuộc Bộ Y tế Tây Ban Nha là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm giám sát và điều phối mọi chính sách ghép và hiến tạng trên toàn quốc. Các chuyên gia của ONT được đào tạo để phát hiện cơ hội hiến tạng trong những đơn vị điều trị tăng cường, các phòng cấp cứu và gần như mọi bệnh viện. Trong khi nhiều quốc gia khác giới hạn độ tuổi hiến tạng, Tây Ban Nha chấp nhận việc hiến tạng cả từ những người trên 65 tuổi.