Thể thao kết nối du lịch

Điểm chung của các giải chạy marathon được tổ chức liên tục nhiều năm trở lại đây là gắn liền với những địa phương có thế mạnh về du lịch. Từ Hà Nội đến Sapa, từ Quảng Ninh đến Bình Định, từ Lâm Đồng đến Long An, Hậu Giang… và sắp đến vào tháng 8, Khánh Hòa lần đầu tổ chức cự ly marathon 42,195km. 

Thành phố biển xinh đẹp này từ đầu năm đến nay đã tổ chức một số sự kiện thể thao mang đậm tính giải trí, du lịch như đá cầu bãi biển hay bóng đá 7 người trên sân cỏ nhân tạo. Một điểm du lịch nổi tiếng khác là Đà Nẵng, trước dịch Covid-19 cũng đã xác định sẽ tổ chức thường niên sự kiện 3 môn phối hợp ironman đẳng cấp quốc tế. Môn này từng diễn ra ở Hội An (Quảng Nam) hơn 10 năm trước nhưng sau đó không thể duy trì vì nhiều lý do.

Giải Bến Tre Marathon 2022 tổ chức ngày 26-6, nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1-7-1822 – 1-7-2022).
Thể thao đỉnh cao của thế giới không còn gắn liền quá nhiều với văn hóa hay quảng bá hình ảnh mà đang theo 2 xu hướng. Hoặc là gắn liền với công nghệ và giới trẻ như Esports (thể thao điện tử), xe đạp vượt chướng ngại (X-Games); hoặc các môn thi đấu mang tính nhà nghề cao, được tổ chức thành hệ thống tour thi đấu ở hàng chục địa điểm gắn liền với du lịch nhằm khai thác các nguồn lợi bên ngoài thể thao. Những môn thể thao nào không bắt kịp xu hướng này dễ tự đào thải và ở chiều ngược lại, có vài môn mới thậm chí được tính toán để đưa vào chương trình thi đấu của Olympic nhờ mức độ phổ biến của nó. 


Thể thao Việt Nam không thể đứng ngoài dòng chảy này. Có một thực tế cần được nhìn nhận là chúng ta vẫn chưa thể phát triển hệ thống thi đấu nhà nghề ngay cả ở những môn chơi phổ biến như bóng đá, quần vợt, bóng rổ... Thể thao vẫn đang “sống” nhờ việc vận động tài trợ với nguồn kinh phí chỉ đủ tổ chức và trao thưởng, chưa có ngân sách cho quảng bá hay hỗ trợ phong trào. Vì thế, việc chuyển sang xu hướng thể thao kết nối du lịch được xem là một giải pháp hiệu quả trước mắt lẫn lâu dài, như cách mà những sự kiện chạy bộ, đua xe đạp đang diễn ra. 

Thực tế là 2 thập niên trước chúng ta đã có những bước đi đầu tiên trong việc kết nối các sự kiện thể thao với kinh tế địa phương dù chỉ trong phạm trù khá hẹp. Ví dụ giai đoạn cuối năm 1990 từng có giải bóng chuyền Grand Prix với 6 địa điểm thi đấu khắp nước, chủ yếu ở những địa phương có yếu tố du lịch tiềm năng như Đắk Lắk, Quảng Ninh, Đà Nẵng… Sau đó là giải đua xe đạp Cúp Truyền hình TPHCM hay tour bóng chuyền bãi biển đầu những năm 2000. 

Dù vậy, hầu như tại Việt Nam chưa có loại hình thể thao gắn liền với địa danh theo dạng “thương hiệu” để thực sự tạo thành điểm đến về du lịch. Nhắc đến Nha Trang, Quảng Ninh hay Vũng Tàu, Đà Nẵng… chúng ta không hình dung đâu là sự kiện thể thao được tổ chức thường niên tại đây. Ở Sapa có giải chạy leo núi hoặc Phan Thiết, Thừa Thiên - Huế có lễ hội đua thuyền, An Giang có đua ghe, bò… nhưng những sự kiện này mang ý nghĩa văn hóa nhiều hơn là thể thao chuyên nghiệp. Chính vì thế mà năm 2017, dù đăng cai Đại hội Thể thao bãi biển châu Á nhưng Đà Nẵng lại chủ yếu tổ chức thi đấu các môn… trong nhà.

Điều này đồng nghĩa với việc thể thao Việt Nam đã và đang lãng phí rất lớn tiềm năng có sẵn của mình. Rất nhiều địa phương tại miền Trung sở hữu địa hình cực kỳ thuận lợi như đô thị gần biển, sông, núi để tổ chức tranh tài các môn như marathon, đua thuyền du lịch (yatch), golf, thể thao bãi biển hay các môn phối hợp thử thách (duathlon, triathlon, iroman)… Đó đều là những môn có khả năng thu hút du khách theo hình thức trải nghiệm “thể thao - du lịch” với việc tập luyện và tham gia không quá khó vì không yêu cầu nhiều tố chất.

Việc nâng cấp hoặc chủ động đăng cai các sự kiện tầm vóc quốc tế càng có lợi cho quảng bá du lịch và cả văn hóa địa phương. Hơn thế, ở góc độ quản lý vĩ mô, cũng dễ hình thành các đặc điểm thể thao khu vực và tập trung để đầu tư cho những môn thế mạnh. Ví dụ như thể thao Tây Nguyên sẽ mạnh về những môn sức bền; khu vực miền Trung tập trung các môn có số lượng thi đấu đông người và diễn ra ngoài trời; các đô thị lớn sẽ chịu trách nhiệm các môn trong nhà, yêu cầu điều kiện công nghệ đắt đỏ…

Tin cùng chuyên mục