Thêm cơ hội cho Chính phủ bảo vệ quan điểm khi xây dựng pháp luật

Chiều 9-1, trong khuôn khổ phiên họp thứ 41 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết, ngày 7-1, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 130/VPCP-PL thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Tư pháp, trong đó nêu rõ “giữ nguyên quan điểm của Chính phủ về quy trình, trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh như Chính phủ đã trình Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 8”.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, tại kỳ họp thứ 8, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị lựa chọn Phương án 2 của Chính phủ. Do vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tiếp thu theo ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội là tiếp tục quy định cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật như hiện nay; đồng thời bổ sung một số quy định nhằm xác định cụ thể, rõ hơn trong Luật trách nhiệm của từng cơ quan trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý.

Theo đó, sau khi Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án luật, Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức việc tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời gửi cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan trình dự án luật, thì quy trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật theo quy trình tại 2 kỳ họp và 3 kỳ họp như sau. Thứ nhất, cơ quan trình nghiên cứu, đề xuất nội dung dự kiến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật gửi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời gửi cơ quan chủ trì thẩm tra. Đối với những chính sách mới được đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung vào dự thảo luật thì trong trường hợp cần thiết, cơ quan soạn thảo đánh giá tác động về chính sách để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội;

Tiếp theo, cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan trình, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan trao đổi, thống nhất về nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và xây dựng dự thảo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Đối với dự án luật có những vấn đề quan trọng, vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau thì Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách dự án luật chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan để cho ý kiến, thống nhất về nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Cơ quan trình dự thảo luật sau đó sẽ có ý kiến chính thức bằng văn bản về những nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo luật đã được chỉnh lý.

Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, việc hoàn chỉnh dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu và dự thảo luật tiếp tục được thực hiện như hiện nay theo quy định của Luật BHVBQPPL năm 2015.

“Thực hiện theo Phương án này về cơ bản giữ quy trình như hiện nay, không làm xáo trộn lớn trong tổ chức thực hiện, vừa bảo đảm được sự chủ động của các cơ quan của Quốc hội trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua, nhưng đồng thời cũng phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm của cơ quan trình trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật”, ông Hoàng Thanh Tùng giải trình.

Riêng đối với các dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp, vì thời gian để tiếp thu, chỉnh lý không nhiều, nội dung dự án nói chung không phức tạp; do đó, đề nghị vẫn thực hiện quy trình tiếp thu, chỉnh lý như hiện nay.

Ủng hộ phương án của Chính phủ, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nói, khái niệm “đổi vai” không phản ánh chính xác quy trình. “Vấn đề chính là chất lượng luật phải đạt yêu cầu. Nếu theo phương án 2 (phương án Uỷ ban Pháp luật đề nghị - PV) thì cơ quan giúp việc phải khác, phải được củng cố, hoàn thiện mới đủ năng lực”.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển có cùng quan điểm cho rằng quy định cơ quan chủ trì thẩm tra làm báo cáo tiếp thu giải trình là chính xác. “Hai ví dụ thuyết phục gần đây nhất là Bộ luật Lao động sửa đổi, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia sửa đổi”, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, chỉ có ở Quốc hội, cơ quan lập pháp, mới có điều kiện để các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được tranh luận kỹ càng, thoả đáng.

“Tất nhiên, cơ quan thẩm tra cần chủ động hơn, không ngồi chờ mà phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo trong toàn bộ quá trình xây dựng, thẩm tra văn bản pháp luật. Quy trình tiếp thu chỉnh lý cũng cần bổ sung thêm một bước, đó là sau khi dự thảo được Quốc hội góp ý lần đầu thì Chính phủ sẽ tiếp thu, giải trình, báo cáo thêm, nhất là nếu ĐBQH đề xuất Chính sách mới thì Chính phủ cũng đánh giá tác động, chuyển qua cơ quan thẩm tra. Thêm bước này sẽ tăng cường trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, tạo cơ hội cho Chính phủ bảo vệ quan điểm của mình trước Quốc hội”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân giải thích rõ.

Tin cùng chuyên mục