Thị trường bất động sản tại TPHCM: Cung - cầu đều có tín hiệu tốt

Thị trường bất động sản (BĐS) khu vực TPHCM và các địa phương lân cận trong quý 1-2024 đã đón nhận nhiều gam màu sáng. Nhiều tín hiệu cho thấy thị trường đã vượt qua giai đoạn khó khăn và bước vào chu kỳ phục hồi, đồng thời niềm tin của người mua nhà đã rõ ràng hơn. Song, đã có những lo ngại giá nhà đất sẽ tăng ở nhiều phân khúc, nhất là căn hộ thương mại.

Nhiều tín hiệu vui

Đầu năm 2023, chị Ngọc Lý (38 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) bán căn nhà cũ và dự định dùng số tiền gần 2 tỷ đồng để mua 1 căn hộ. Lúc ấy, lãi suất vay mua nhà quá cao khiến chị chùn tay. Khi thấy lãi suất vay mua nhà bắt đầu hạ nhiệt kể từ sau Tết Giáp Thìn, chị đã liên hệ các môi giới để tìm kiếm căn hộ 2 phòng ngủ, trong đó chú trọng đến các khu vực như quận Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú. Chị ưu tiên những căn hộ có dòng tiền khai thác cho thuê tốt để sau này vẫn có thể cho thuê nếu không ở. Sau 2 tháng làm việc với nhiều môi giới và tham khảo nhiều dự án căn hộ thương mại khác nhau, chị Lý vẫn chưa chọn mua được nhà. Những căn hộ chị được mời chào từ những tháng trước, nay đều đã có người mua. Thậm chí, một số căn tương tự còn tăng giá nhẹ so với trước đây.

“Hiện tôi đang để ý 3 ngân hàng có lãi suất ưu đãi trong khoảng 6%-6,5%/năm. Lãi suất tốt như hiện nay là yếu tố hấp dẫn tôi muốn mua nhà trở lại”, chị Lý nói.

I5a.jpg
Khách hàng tìm hiểu một dự án căn hộ ở khu Đông TPHCM. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Trong khi đó, anh Nguyễn Huy Thái (33 tuổi, nhân viên ngành công nghệ thông tin ở TPHCM) cũng bắt đầu lên kế hoạch mua nhà từ cuối năm 2023. Khi đó, anh chủ yếu tìm kiếm những căn hộ ở TP Thủ Đức, nhưng do giá đã khá cao, anh phải mở rộng phạm vi tìm kiếm ở những khu vực khác. Đến đầu tháng 4 này, anh vừa ký hợp đồng với chủ đầu tư mua một căn hộ diện tích 62m2 ở TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương).

Anh Thái bộc bạch: “Giá nhà ở TP Thủ Đức đã rất cao, tôi đành mua căn hộ có 2 phòng ngủ tại TP Dĩ An. Khu vực này giáp ranh Thủ Đức, giá chỉ chừng 32 triệu đồng/m2. Tôi chỉ vay ngân hàng 400 triệu đồng, với lãi suất ưu đãi 6% cho năm đầu tiên. Tôi dự tính hết thời hạn ưu đãi lãi vay từ phía ngân hàng, tôi sẽ tất toán khoản vay mua căn hộ”.

Trao đổi với PV Báo SGGP, chị Lê Thủy, chuyên môi giới BĐS tại khu vực TP Thủ Đức cho biết, trong quý 1 này, chị đã chốt được 3 giao dịch, chủ yếu là các căn hộ thương mại có giá từ 2,5-4 tỷ đồng, khách mua xong chuyển vào ở ngay. Trong thực tế, dữ liệu của trang thông tin Nhà Tốt cho thấy nhu cầu tìm kiếm căn hộ chung cư ở TPHCM trong quý 1-2024 đã tăng gấp 3 lần và lượng tin rao bán cũng tăng gấp 6 lần so với quý trước đó.

Báo cáo kinh tế - xã hội quý 1-2024 của Cục Thống kê TPHCM cũng cho thấy lĩnh vực kinh doanh BĐS đạt gần 61.000 tỷ đồng, tăng 15,7%. Trong quý 1, kinh doanh BĐS tăng 2,51%. Từ đầu năm đến cuối tháng 3, TPHCM có 268 doanh nghiệp (DN) kinh doanh BĐS được cấp phép thành lập, với vốn đăng ký đạt 23.032 tỷ đồng. Với thông số này, số lượng DN cấp phép tuy giảm 4,3% về số lượng nhưng lại tăng đến 255,8% về vốn so với cùng kỳ năm 2023. Còn với tình hình cấp phép đầu tư trực tiếp nước ngoài, số lượng nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong lĩnh vực BĐS trong quý 1 đạt 45,4 triệu USD.

Gỡ vướng pháp lý để giảm giá nhà

Theo số liệu của Sở Xây dựng TPHCM, cả năm 2023, thành phố có 19 dự án nhà ở thương mại đủ điều kiện để bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, với 17.753 căn đưa ra thị trường. Trong đó, phân khúc cao cấp có 11.334 căn, phân khúc trung cấp 5.051 căn, không có dự án nào thuộc phân khúc căn hộ bình dân. Các dự án thuộc phân khúc trung cấp có giá từ 40-50 triệu đồng/m2 đang ngày càng hạn chế và hiện rất ít dự án còn sản phẩm tung ra thị trường, trong khi một số dự án mới dù chưa đủ điều kiện theo quy định nhưng chủ đầu tư rất mong muốn mở bán.

Mặt khác, theo đại diện Sở Xây dựng, nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư nhưng còn vướng các thủ tục về nghĩa vụ tài chính, đất đai, quy hoạch, thậm chí có dự án phải rà soát lại pháp lý dự án, nguồn gốc đất… khiến nguồn cung bị ảnh hưởng.

Chính việc khan hiếm nguồn cung và giá nhà ở tăng cao khiến giấc mơ an cư của một bộ phận người dân có thu nhập trung bình tại đô thị lớn như TPHCM gặp khó. Qua khảo sát thực tế về giá nhà ở tại TPHCM cho thấy, tại quận 12, giá căn hộ chung cư bình dân như Zen Tower cũng ở mức giá xấp xỉ 1,6-1,7 tỷ đồng cho căn 68m2; chung cư Hiệp Thành giá cũng từ 1,6 tỷ đồng cho căn hộ 49-56m2; hay giá căn hộ Picity High Park hơn 2 tỷ đồng cho căn 57m2

Hiệp hội BĐS TPHCM cho rằng, nguồn cung sản phẩm nhà ở giá thấp chưa đáp ứng so với nhu cầu và do nhiều chủ đầu tư dự án muốn tối đa hóa lợi nhuận nên giá bị đẩy lên, khiến giá nhà luôn có xu thế tăng. Thậm chí, thời gian qua một số chủ đầu tư BĐS còn đẩy biên độ lợi nhuận lên tới 30%-40%. Do đó, muốn kéo giảm giá nhà, thủ tục hành chính cần nhanh hơn, giúp giảm chi phí để DN tạo ra sản phẩm có lợi, đúng với nhu cầu thật của người dân hiện nay. Đồng thời, các cơ quan hữu quan cũng cần sớm gỡ các nút thắt pháp lý cho các dự án để tăng nguồn cung cho thị trường BĐS, góp phần kéo giảm giá nhà.

Báo cáo thị trường của Batdongsan.com.vn vừa công bố cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2024, lượng tin rao bán BĐS tại TPHCM có tăng trưởng nhất định, lượt tìm kiếm nhà đất cũng tăng so với cùng kỳ 2023. Xét trên từng phân khúc, căn hộ vẫn là loại hình được người mua nhà ưa chuộng nhất thị trường. Nhu cầu mua căn hộ chung cư tập trung phân khúc có tầm giá từ 2-4 tỷ đồng ở TP Thủ Đức, các quận 12, Bình Tân và huyện Bình Chánh.

Trong tháng 3 vừa qua, giá bán BĐS tại TPHCM có biến động mạnh ở các loại hình căn hộ, nhà riêng và nhà phố. Cụ thể, giá bán căn hộ tại TPHCM tăng thêm từ 2%-5%; giá nhà ở riêng lẻ cũng duy trì đà ổn định và tăng nhẹ ở một số khu vực nội thành như: quận 3, 10, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình.

Hoạt động kinh doanh BĐS ấm dần

Theo Cục Thống kê, doanh thu hoạt động kinh doanh BĐS quý 1-2024 tăng cho thấy hoạt động kinh doanh BĐS ấm dần do tác động chính sách hỗ trợ, thúc đẩy thị trường BĐS. Bên cạnh đó, thu ngân sách từ nhà, đất tăng 36,9% trong quý 1 so với cùng kỳ năm trước. Lãnh đạo Cục Thống kê cho hay, thị trường BĐS quý 1 khởi sắc khi Chính phủ và các DN thực hiện nhiều chính sách có liên quan về pháp lý, lãi suất, góp phần tăng tính thanh khoản và tiến độ triển khai các dự án.

Phân khúc nhu cầu ở thực luôn được tìm kiếm

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group, cho rằng, Quốc hội vừa thông qua 3 bộ luật sửa đổi, bổ sung rất quan trọng, đó là Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở và Luật Đất đai, với nhiều điều khoản thông thoáng hơn, giảm bớt thủ tục hành chính, từ đó giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án. Hiện BĐS, đặc biệt là phân khúc dành cho nhu cầu ở thực vẫn luôn được tìm kiếm. Khi lãi suất giảm, gửi tiết kiệm không còn cao thì BĐS sẽ là một trong các kênh được người dân ưu tiên lựa chọn. Điều đáng lo ngại là giá bán của sản phẩm cả mới lẫn cũ trên thị trường thứ cấp bắt đầu có sự điều chỉnh tăng.

Các dự án nhà ở xã hội triển khai còn chậm

Theo kế hoạch phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021-2025 và Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, giai đoạn 2021-2030” của Thủ tướng Chính phủ, TPHCM dự kiến phát triển khoảng 26.200-35.000 căn NƠXH, cụ thể sẽ đưa vào kế hoạch triển khai 37 dự án. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ có 1 dự án được hoàn thành; trong 36 dự án còn lại có 6 dự án đang thi công và 30 dự án hoàn tất thủ tục pháp lý. Với tình hình pháp lý và những vấn đề khác liên quan, từ nay đến năm 2025, TPHCM dự kiến sẽ đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng 13 dự án, với quy mô khoảng 12.000 căn NƠXH.

Sở dĩ chương trình NƠXH chậm trễ do việc thu hút nhà đầu tư vào xây dựng các dự án NƠXH cũng như khai thác 20% quỹ đất dành cho NƠXH tại các dự án nhà ở thương mại còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tin cùng chuyên mục