Cách nay hơn 10 tháng, Báo SGGP số ra ngày 20-12-2012 có đăng bài Mua nhà hợp pháp, không giấy chủ quyền, phản ánh trường hợp bà Trần Thị Thúy Hạnh (ngụ tại 56 D3 Chu Văn An, phường 26 quận Bình Thạnh, TPHCM) mua đất nền của Công ty Phát triển nhà Bình Thạnh (nay là Công ty TNHH MTV Địa ốc Bình Thạnh) theo dạng hợp đồng góp vốn xây dựng nhà đã hơn 12 năm, nhưng vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền nhà. Trả lời trong bài báo này, ông Nguyễn Hùng Hào, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Địa ốc Bình Thạnh, cho biết: “Hiện các phòng ban liên quan đã có báo cáo và tờ trình đầy đủ hồ sơ pháp lý về lô đất và nhà bà Hạnh, khi nào giải quyết sẽ do tổng giám đốc quyết định”. Thế nhưng, mãi đến nay, lãnh đạo công ty vẫn chưa thực hiện trách nhiệm và lời hứa của mình. Gia đình bà Hạnh vẫn đang tiếp tục khiếu nại.
Ngày 30-5-2013, Công ty TNHH MTV Địa ốc Bình Thạnh đã có văn bản số 395-ĐOBT-KHKD gửi bà Hạnh. Theo văn bản, trước đây, bà Trần Thị Mứt đã được bồi hoàn một nền 80m² tại vị trí số 29 lô D3 khu quy hoạch Chu Văn An - Đinh Bộ Lĩnh. Lô 56 D3 được công ty bố trí cho bà Đặng Thị Ngọc Chi. Ngày 15-9-1994, bà Mứt lại ủy quyền cho ông Nguyễn Phước Qua đứng tên sở hữu nền 56 D3. Ngày 8-6-2001, ông Qua chuyển tên sở hữu cho ông Nguyễn Văn Hào. Đến ngày 29-11-2011, ông Hào sang nhượng nền này cho bà Hạnh và bà Hạnh được công ty ký lại hợp đồng góp vốn xây dựng nhà. Văn bản này ghi rõ: “Việc bà Mứt ủy quyền chuyển nhượng lô 56 D3 không thuộc sở hữu của mình là không hợp lệ… Theo quy định hiện hành, đất đai nhà ở của người hưởng suất tái định cư không được sang nhượng lại. Công ty đề nghị bà chờ hướng dẫn của TP, nếu không đồng ý bà có thể khởi kiện ra tòa”.
Cách trả lời trên của lãnh đạo công ty có nhiều điều tiền hậu bất nhất. Hợp đồng góp vốn xây dựng nhà ký ngày 28-6-2001 (chứ không phải ngày 29-11-2011 như trả lời của công ty cho bà Hạnh), có ghi rõ: “Công ty giao bà Hạnh xây dựng một căn nhà tại 18 D5 (56 D3 cũ)”. Trong biên bản giao nhận nền vào tháng 12-2001 cũng ghi đặc điểm lô đất khi bàn giao cho bà Hạnh là “lô D5 nền 18 (cũ là 56 D3)”. Đến tháng 9-2012, bà Hạnh làm đơn yêu cầu cấp giấy chủ quyền thì công ty mời bà đến giải quyết và lập biên bản ghi: “Việc mua bán nền đất 56 D3 (nay là 18 D5) là trái quy định pháp luật. Yêu cầu bà Hạnh mời những người có liên quan trong việc mua bán đến giải quyết và công ty có chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra”.
Căn cứ hồ sơ, có thể thấy rõ thực tế việc công ty giao cho phía bà Hạnh xây dựng một căn nhà tại 18 D5 (56 D3 cũ). Còn có nhầm lẫn gì không trong hồ sơ quy hoạch của công ty, lô 18 D5 có phải 56 D3 hay không, thì thuộc về trách nhiệm của công ty. Bút đã ký, tiền đã trao, biên bản, hợp đồng đã rõ ràng, công ty phải có trách nhiệm giải quyết cho khách hàng. Phủi tay, “giao bóng” cho cơ quan khác và hình sự hóa vụ việc thuộc trách nhiệm giải quyết của mình là điều không thể chấp nhận.
THƯ LÊ