Thiếu và thừa

Đã hàng chục năm nay, cứ đến mùa khô người dân cả nước lại nghe điệp khúc thiếu điện. Và năm sau bao giờ cũng thiếu hơn năm trước. Nguyên nhân được ngành chức năng - dù trước kia là Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, hay bây giờ đã “lên” Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - giải thích cũng chẳng khác nhau: sản lượng điện giảm, nhu cầu tăng, tiết kiệm không triệt để… Trong đó, cái “lỗ” dễ đổ tội nhất là thời tiết nắng nóng, khô hạn, thiếu nước phát điện. Năm nay có khác đôi chút là thêm cụm từ “do biến đổi khí hậu”. Việc giải thích của EVN làm cho doanh nghiệp và người dân cảm tưởng rằng chỉ có thủy điện mới là nguồn chính cung cấp điện cho đất nước!

Nhưng chúng ta có thực sự thiếu điện?

Đúng là từ khi đất nước đổi mới, kinh tế tăng trưởng mạnh, sản xuất ngày càng phát triển, dịch vụ và tiêu dùng của xã hội ngày càng đa dạng. Do đó nhu cầu sử dụng điện đương nhiên ngày càng tăng - theo EVN là tăng khoảng 13% - 15% hoặc cao hơn nữa trong năm 2010 và đẩy đất nước vào tình trạng luôn luôn thiếu điện. Tuy nhiên, nếu bình tĩnh nhìn lại thì nguồn cung ứng điện đâu có dừng lại, mà đang phát triển rất nhanh.

Nếu như trước kia, người dân thường chỉ biết đến Thủy điện Thác Bà, Thủy điện Đa Nhim, sau này là Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Trị An, Thủy điện Yaly - những nguồn điện phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên, thời tiết mà EVN thường viện dẫn cho việc thiếu điện vào mùa khô. Nhưng những năm gần đây, nhiều nhà máy điện từ các nguồn khác đã đi vào hoạt động và chiếm số đáng kể trên tổng sản lượng điện hàng năm. Chỉ tính riêng Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, có 7 nhà máy với công suất lớn đã hoặc sắp phát điện. Đó là Nhà máy điện Cà Mau 1 (750MW), Nhà máy điện Cà Mau 2 (750MW), Nhà máy điện khí Nhơn Trạch 1 (450MW), sắp tới là Nhà máy Nhơn Trạch 2 (750MW), Nhiệt điện Long Phú (Sóc Trăng), Nhiệt điện Thái Bình, Nhiệt điện Vũng Áng 1…

Ngay cả những đơn vị tưởng như chẳng liên quan gì tới điện năng, nhưng cũng đã góp nhiều nhà máy đồ sộ. Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1) của Bộ Xây dựng ngoài việc cho ra đời Thủy điện Hàm Thuận Đa Mi (475MW), Thủy điện Thác Mơ (150MW) cũng đã hòa vào lưới điện quốc gia Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ 1 (1.028MW) và Phú Mỹ 2-2 (750MW). Hay như Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp (IDICO) cũng kịp góp cho ngành điện Nhà máy thủy điện Phú Miêng (Bình Phước), Đak Mi 3, Đak Mi 4 (Quảng Nam)…

Chưa hết. Hiện nay có rất nhiều đơn vị và cả cá nhân trong nước muốn tham gia xây dựng thêm những nhà máy điện bằng nhiều phương thức khác nhau, kể cả những nguồn năng lượng mới, sạch và bền vững… Và còn một nguồn rất dồi dào nữa cần phải nhắc đến, đó là các nhà đầu tư nước ngoài (FDI). Như vậy, chúng ta không hề thiếu vốn đầu tư sản xuất điện. Nếu biết phát huy các nguồn lực xã hội, chúng ta sẽ không thiếu điện cho sản xuất, tiêu dùng mà thậm chí còn có thể thừa điện để xuất khẩu.

Vậy chúng ta thiếu cái gì?

Trước hết là thiếu một chính sách hợp lý để thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất điện - một chính sách khả dĩ cho nhà đầu tư có lời và đất nước có lợi, trong đó có việc tồn tại cơ chế độc quyền và giá mua bán điện. Câu chuyện này đã nổ ra tranh luận cả vài năm nay trên nhiều diễn đàn, nhưng đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Một vấn đề khác là cơ cấu tổ chức và vận hành của EVN thiếu hợp lý, dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Riêng hệ thống truyền tải điện cũng khá nhức nhối, đôi khi “dở khóc dở cười” như chuyện ở Hiệp Phước (Nhà Bè TPHCM) năm 2009: có điện nhưng không có dường dây tải đủ tiêu chuẩn đến doanh nghiệp và dân…

Nghịch lý thiếu và thừa nêu trên hoàn toàn có thể khắc phục được nếu các nhà hoạch định chính sách và ngành chức năng tận tâm vì đất nước và vì sự phát triển, cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp.

Phan Lộc

Tin cùng chuyên mục