Thời khó khăn của ô tô nhập khẩu...

Thời khó khăn của ô tô nhập khẩu...

Sau 2 quyết định tăng thuế từ 60% lên 83% và chính thức vào danh mục hạn chế nhập khẩu, tuần qua xe nhập nguyên chiếc tiếp tục “nhận” thêm một khó khăn nữa, đó là quy định các doanh nghiệp phải nộp đầy đủ thuế tại cảng mới được đưa hàng về, do Bộ Công thương ban hành. Mục tiêu của quyết định này không gì khác là siết chặt nguồn cung ôtô nhập khẩu, kiềm chế nhập siêu.

Thời khó khăn của ô tô nhập khẩu... ảnh 1
Xe nhập khẩu hiện nay đang “khốn đốn” thị trường. Ảnh: T.L

Trước đây, các nhà nhập khẩu xe hơi có thể khai báo thủ tục hải quan trước khi hàng về cảng 15 ngày và được phép nộp thuế sau 30 ngày kể từ khi nhận hàng về. Đối với các trường hợp có bảo lãnh thì thời hạn nộp thuế được tính bằng thời hạn bảo lãnh, nhưng không quá 30 ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.

Trường hợp chậm thuế, người bảo lãnh phải nộp thuế và nộp phạt thay. Giới kinh doanh ôtô nhận định quy định này không khác gì “đòn hiểm” đánh vào những doanh nghiệp nhỏ. Kể từ ngày thuế nhập khẩu ô tô xuống 60%, các salon ô tô nhập mọc lên như nấm, góp phần đưa lượng xe tăng lên đến mức kỷ lục. Tính từ đầu năm 2008 đến nay, lượng xe nhập khẩu các loại đã gần vượt 15.000 chiếc.

Trong số các salon mới mở, chiếm không ít là những người hùn vốn từ nguồn vay ngân hàng để kinh doanh, nhằm tận dụng lúc thị trường lên cao. Thế nhưng, thời kỳ hoàng kim đã chấm dứt. Ghi nhận thị trường, tuần qua nhiều salon ôtô nhỏ trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM gần như rất dè dặt khi gắn biển “Kinh doanh ôtô nhập khẩu”. Một chủ salon trên đường Thụy Khê (Hà Nội) cho rằng, các dòng xe Honda Accord và Toyota Camry gần như bán thốc bán tháo.

Ông tâm sự rằng, thấy giới buôn xe làm ăn có lãi nên đã nhờ một vài mối đưa xe về vừa kinh doanh vừa học hỏi. Nhưng chưa kịp làm gì thì nay thuế đã lên, ngân hàng cho vay mua xe khó khăn, xe cứ nằm chờ mãi mà khách chẳng thấy đâu. Ông nói: “Chúng tôi là doanh nghiệp nhỏ, làm sao chịu được khi vốn nằm hết vào xe. Bán chậm ngày nào là khó ngày đấy. Giờ thêm quy định mới, nói thật chẳng còn lòng dạ nào muốn kinh doanh nữa”.

Có thể nói, số lượng những salon loại này xuất hiện rất nhiều trong năm 2007. Khi thuế còn 60%, đi vay ngân hàng dễ như trở bàn tay, nên nhiều người chỉ cần vài ba tỷ đồng là có thể kinh doanh. Xe về đến đâu là bán đến đấy nên nhiều doanh nghiệp bán xe xong mới quay lại nộp thuế. Riêng tại TP.HCM, theo thống kê chưa chính thức, có đến 100 salon mới mở trong năm 2007.

Những doanh nghiệp lớn tuy không đến mức đóng cửa nhưng doanh thu giảm sút là điều chắc chắn. Nếu được nợ thuế, các công ty còn có thể xoay vòng vốn, đưa xe về nhiều nhằm thỏa mãn thị trường. Nhưng giờ đây, xe về đến đâu nộp ngay đến đó nên sẽ phải tính toán kỹ. Nếu nhập loại ít khách thì coi như lỗ. Loại mà khách hàng chuộng thì không dám nhập nhiều vì số tiền mặt huy động nộp thuế rất lớn. “Tình hình ngày càng ảm đạm. Hết thuế giờ đến quy định khắt khe này. Đúng là chúng tôi đang ở thế bí”-Giám đốc một salon ôtô nổi tiếng tại TP.HCM nói.

Tuy nhiên, từ thực tế khó khăn này, nhiều ý kiến cũng cho rằng, đây chính là cơ hội tốt nhất để thanh lọc doanh nghiệp yếu kém, giúp thị trường bình ổn, không còn “loạn” như năm 2007. Các công ty lớn thì có dịp “tĩnh tâm” lại, nghiên cứu kỹ hơn và điều chỉnh hoạt động cho hiệu quả. Người tiêu dùng qua đó sẽ có quyết định đúng đắn, mua xe theo nhu cầu chứ không vì thị hiếu như thời gian qua.

Hoàng Hiền

Tin cùng chuyên mục