Thêm một sự đau lòng ở thung lũng Rục

Lãnh đạo xã ép dân nói dối

Ngày 9-10, Báo SGGP đăng bài về thông tin người Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình đói cơm, thiếu gạo ròng rã trong lũ. Sau khi báo đăng, nhiều bạn đọc yêu cầu thông tin thêm vấn đề này, ngày 10-10 chúng tôi lại ngược rừng lên lại với đồng bào. Lúc này nước đã rút bớt, hành trang mang theo có gạo cho người Rục. Một lần nữa chúng tôi lại chứng kiến một sự thật đau lòng.
Lãnh đạo xã ép dân nói dối

Ngày 9-10, Báo SGGP đăng bài về thông tin người Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình đói cơm, thiếu gạo ròng rã trong lũ. Sau khi báo đăng, nhiều bạn đọc yêu cầu thông tin thêm vấn đề này, ngày 10-10 chúng tôi lại ngược rừng lên lại với đồng bào. Lúc này nước đã rút bớt, hành trang mang theo có gạo cho người Rục. Một lần nữa chúng tôi lại chứng kiến một sự thật đau lòng.

  • Lãnh đạo ép dân nói dối

Lãnh đạo xã ép dân nói dối ảnh 1

Người dân không có gạo ăn, phải bắt nòng nọc để qua bữa.

Sau khi bài báo “Lời khẩn cầu từ thung lũng Rục” đăng trên Báo SGGP sáng 9-10, tỉnh Quảng Bình đã triệu tập cuộc họp gồm lãnh đạo chủ chốt của tỉnh.

Khi cuộc họp gần kết thúc, chúng tôi gồm những nhà báo đã từng bơi hơn 4 giờ liền trong lũ đã tiếp tục trở lại với đồng bào Rục. Lần này lên, con đường đã lộ rõ, mọi người có thể lội bộ cùng bao gạo trên vai. Vào bản Ón, trời xám xịt tối, đón đầu bản ngoài những người quen còn có lãnh đạo xã Thượng Hóa.

Đêm ở núi rừng, trong lúc mọi người quây quần vui chuyện thì lãnh đạo xã Thượng Hóa gồm Chủ tịch UBND xã Cao Xuân Tạo cùng cán bộ Đinh Xuân Công lại đi khắp nơi, vào từng nhà quán triệt với dân: ngày mai khi lãnh đạo tỉnh lên thăm không được nói đói, không được nói đứt bữa. Quan xã đã đến nhà của những nhân vật có tên trong các bài báo rồi mở chiêu vận động, không nói chuyện đói trước mặt lãnh đạo tỉnh. Họ buộc dân “tô hồng” cuộc sống trong lũ đã có cái ăn, không đứt bữa. Tệ hại hơn, lãnh đạo xã bắt dân phải dọn dẹp hàng trăm bãi phân trâu gần giữa bản để đón khách. Những thông tin quan xã ép dân nói đói thành đủ ăn, không có chuyện đứt bữa được tai mắt người dân đưa về cho chúng tôi. Anh em lặng người nén sự phẫn nộ nhưng nước mắt vẫn không kìm được.

  • Dân không thể che giấu sự thật

Sáng 10-10, đoàn công tác của lãnh đạo Quảng Bình gồm Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đã có mặt tại thung lũng Rục cùng hàng cứu đói gồm gạo, mì tôm và một số vật phẩm khác. Tại đầu bản Ón diễn ra cuộc thăm hỏi báo cáo tình hình lũ lụt ở Rục.

Ông Cao Xuân Tình, Trưởng bản Ón tường trình với Bí thư, Chủ tịch tỉnh: “Thời gian lũ lụt, bà con đói, gạo không có. Ngô sắn có nhà có, có nhà không, phải đi xin”. Lãnh đạo hỏi tình hình bà con trước lũ thế nào, Cao Xuân Tình trả lời: “Trước lũ bà con cũng đói. Ba năm qua trồng ngô bị bò phá hết”. Hỏi về sự thật những hộ sống trong hang đá, Cao Xuân Tình nói: “Có mấy hộ không có nhà nên vào hang, họ phải ăn báng, ăn nhúc (báng, nhúc là một thứ củ rừng-NV)”.

Lúc ông Cao Xuân Tình báo cáo tình hình những hộ dân vào hang sinh sống, cán bộ địa phương ngắt lời hỏi lại những người đó vào làm gì? Anh Cao Lành bức xúc xen vào: “Riêng ai nói chi thì nói, cháu rất sát thực tế, nhà ai như thế nào cháu biết, riêng ở hang gần 10 nhà ăn củ nhúc…”.

Cao Lành là người được ông Mai Xuân Thu, Trưởng ban Dân vận tỉnh xác nhận sản xuất giỏi nhất ở Rục, tuy nhiên gia cảnh của Cao Lành cũng chẳng no đủ gì do trâu bò phá nát hết mùa màng. Cái bức xúc của Cao Lành bị dồn nén từ đêm khi bị quan xã quán triệt: không được nói đói. Khẳng định điều này, Cao Lành tiếp tục: “Nếu không tin những hộ ở trong hang đá cháu sẽ đem đi coi từng nhà, đến tận chỗ họ ở hang coi ăn củ nhúc luôn”.

Lãnh đạo xã ép dân nói dối ảnh 2

Cuộc sống của một số người Rục không giường chiếu đã không được lãnh đạo xã cho phép nói sự thật.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cũng đến nhà ông Cao Xuân Hiếu đang ngã bệnh thương hàn. Ông bị bệnh cả hai tháng nay nhưng không được cấp thuốc, chỉ khi nghe tin lãnh đạo lên, y tế xã mới cắt cử người đến đưa thuốc cho ông uống.

Tại đây, mọi người tận mắt chứng kiến cảnh căn nhà chẳng có giường, mọi người chỉ nằm trên mấy tấm gỗ thô sơ rồi trải đôi chiếc chiếu cũ sờn rách lên nằm. Gia tài của ông là mớ bắp nhỏ đi xin ở bản bên cạnh về ăn. Hỏi ông có gì ăn không? Ông trả lời: “Đói. Không có chi mô”.

Cuộc viếng thăm của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã phần nào giải được cơn đói cho đồng bào. Huyện Minh Hóa đã cấp 1,5 tấn gạo, tỉnh cũng cấp 8 tấn gạo cho bà con. Ngoài ra cũng từ hiệu ứng dư luận, huyện Minh Hóa đã được cấp 50 tấn gạo, 20 tấn muối. Đây là lần đầu tiên sau hàng chục cái lũ người Rục được cứu trợ.

Để người Rục thiếu đói do lũ đã là một nỗi đau. Nhưng đau lòng hơn là chuyện thờ ơ trước cái đói của dân, thậm chí ép dân nói dối. Để dân đói do lũ, các cấp chính quyền Quảng Bình đều có lỗi lớn với dân. Nhưng cụ thể là trách nhiệm của ai? Dư luận mong muốn tỉnh Quảng Bình có câu trả lời rõ ràng trước dư luận. 

DƯƠNG MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục