Về việc bão số 1 gây thiệt mạng và mất tích hàng trăm ngư dân

Kiểm điểm, rút kinh nghiệm ở tất cả các khâu

Ông Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam: Trách trung ương một, trách địa phương hai
Kiểm điểm, rút kinh nghiệm ở tất cả các khâu

Ngày 22-5, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Lê Huy Ngọ, Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với báo chí về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong công tác đối phó với cơn bão số 1 vừa qua cũng như hướng khắc phục những tồn tại trong thời gian tới.

  • Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng: Tập trung sức lực cho việc cứu hộ, cứu nạn
Kiểm điểm, rút kinh nghiệm ở tất cả các khâu ảnh 1

Ông Hồ Bưu, 72 tuổi (phường Xuân Hà, Đà Nẵng), đã 3 ngày liền ngồi bên bờ biển đợi tin tức người cháu. Ảnh: ĐẠI DƯƠNG

Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng trung ương, lãnh đạo các địa phương phải tập trung sức lực cứu nạn, cứu hộ những người còn sống sót nhanh chóng đưa họ trở về đất liền không để ngư  dân gặp nạn bị đói, ốm. Tổ chức tìm kiếm những nạn nhân xấu số đã mất đưa họ về mai táng.

Chính phủ Việt Nam cũng đề nghị Trung Quốc, Đài Loan tiếp tục giúp Việt Nam tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ những người dân, tàu thuyền đã bị chìm và mất tích. Phía bạn cũng khẳng định, sẽ tiếp tục phối hợp giúp Việt Nam tìm kiếm những ngư dân và tàu thuyền bị nạn. 

Chính phủ yêu cầu tất cả các cơ quan chức năng phải nhanh chóng kiểm điểm, rút kinh nghiệm ở tất cả các khâu. Bộ Thủy sản phải nghiêm túc rút kinh nghiệm về khâu tổ chức đánh cá xa bờ gắn với phòng chống lụt bão, kiểm soát tàu thuyền và ngư dân ra khơi, không để tình trạng tàu thuyền không bảo đảm an toàn ra khơi xa đánh bắt thủy sản.

Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cũng phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm về việc cảnh báo, dự báo, chỉ đạo sát sao liên tục và quyết liệt, hướng dẫn cụ thể người dân cách phòng tránh, không chỉ đạo chung chung là “thông báo cho các chủ tàu thuyền tìm cách thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão” mà phải nói chi tiết hơn về hướng đi và khuyến cáo người dân hướng nên đến trú ẩn an toàn.

Bộ Quốc phòng đặc biệt là lực lượng bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, khi ra khơi phải bảo đảm thông tin liên lạc thường xuyên để khi gặp sự cố có thông tin xử lý kịp thời. Qua cơn bão số 1, thấy rõ lực lượng tìm kiếm cứu nạn cứu hộ của chúng ta chưa đủ sức tiếp cận với biển khơi trong điều kiện khó khăn. Hạn chế này cần phải được nhanh chóng khắc phục.

  • Trưởng ban chỉ đạo PCLB Trung ương LÊ HUY NGỌ: Nới rộng tầm kiểm soát bão lũ

Cơn bão số 1 vừa qua cho thấy chúng ta còn thiếu sót trong việc kiểm soát hướng đi của bão. Do đó, công tác chỉ đạo chưa thật sát sao quyết liệt và còn lúng túng trong phối hợp. Khi bão đột ngột chuyển hướng, phương tiện tàu thuyền trên biển dần mất liên lạc. Tốc độ di chuyển của bão nhanh chóng, trong khi đó tốc độ của tàu thuyền không kịp với tốc độ bão.

Chắc chắn tới đây, chúng tôi phải tính tới việc nới rộng tầm kiểm soát của bão lũ. Để làm được việc này, một trong những công việc quan trọng cấp bách mà chúng tôi cũng phải tính tới việc phối hợp trang bị cho các tàu thuyền đánh bắt xa bờ các phương tiện liên lạc hiện đại hơn, xa hơn nữa có thể xây dựng hệ thống cảnh báo hiện đại trên biển hướng di chuyển và phạm vi ảnh hưởng của bão để người dân có biện pháp chủ động phòng ngừa hữu hiệu.

Diễn biến cơn bão số 1 có bước di chuyển đột ngột và bất thường, trong khi trước đó, toàn bộ phương án triển khai của chúng ta là phương án bão sẽ đổ bộ vào Việt Nam. Do vậy, toàn bộ lực lượng đã tập trung vào tổ chức kêu gọi tàu thuyền, cảnh báo cho đồng bào ven biển... Nhưng đến khi bão đột ngột chuyển hướng thì phải nói thẳng thắn rằng chúng ta đã không phán đoán được, nhất là khi bão chuyển về hướng Bắc thì điều gì sẽ xảy ra. Lúc đó chúng tôi cũng đã nghĩ đến khả năng bão chuyển hướng thì tàu thuyền đang hoạt động trên biển sẽ gặp bão, nhưng thực sự cũng không nghĩ mật độ tàu thuyền cao như vậy. Với phạm vi quá xa, hơn 1.400 cây số, là vượt khả năng thông tin của chúng ta.

Chúng tôi đang rút kinh nghiệm về khả năng dự báo của mình, về khả năng kiểm soát và cứu hộ cứu nạn ở tầm xa. Từ cơn bão số 1 cần phải rút ra công tác dự báo, trên cơ sở dự báo phải có hướng dẫn.  Về trách nhiệm của cá nhân hay bộ ngành nào thì cũng phải xem lại xem sai sót ở khâu nào: dự báo, hướng dẫn hay cứu hộ, hay trách nhiệm của các chủ thuyền... từ đó mới có biện pháp đối phó hữu hiệu.

  • Trung tướng NGUYỄN ĐỨC SOÁT, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn:
    Các tàu đánh cá xa bờ đăng ký tần sóng liên lạc với bộ đội biên phòng

Bà con ngư dân thường ra biển đánh bắt khoảng 3 tháng sau mới về. Việc kiểm soát ra khơi của bà con cũng khó khăn, trong khi đó cũng có một số bộ phận bà con ngư dân có chủ quan với bão. Bà con ngư dân ta cũng không chủ động liên hệ với hệ thống dự báo cảnh báo của mình mà chủ yếu liên lạc trực tiếp về nhà. Vì vậy, đến khi mất người rồi gia đình đến báo chúng ta mới biết.  Thông thường, khi xuất hiện những cơn bão đầu mùa chúng tôi cảnh báo, thông báo rất sớm. Từ 13-5, chúng tôi đã thông báo bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc nhưng có nhiều khả năng bão sẽ đổi hướng.

Song, bà con ngư dân với kinh nghiệm đi biển của mình phán đoán khả năng bão đang đi hướng Tây Tây Bắc thì chạy theo hướng Đông Bắc là thoát khỏi vùng ảnh hưởng của bão, vừa an toàn vừa không phải quay trở lại bờ mà không có gì. Thực tế, bà con ngư dân đã biết tin bão chuyển hướng, họ đã chạy nhưng không kịp. Họ đã tránh được khá xa tâm bão rồi vì nếu vào đúng tâm bão thì không còn tàu nào có thể trụ được

Khi nhận được thông tin bà con gặp nạn chúng tôi đã đề nghị ngay phía Trung Quốc hỗ trợ và họ rất tích cực giúp đỡ ta cứu hộ, phía bạn đã đảm bảo giúp ta lương thực, thuốc men, cấp nhiên liệu cho các tàu thuyền gặp nạn. Theo thông lệ quốc tế, bão xảy ra ở địa phận nước nào thì nước đó phải giúp ngư dân gặp nạn trên hải phận của mình làm. Trên thực tế, chúng ta cũng đã cứu được rất nhiều tàu cá Trung Quốc, Malaysia, Philippines gặp nạn.

Tuy nhiên, cùng với việc nhờ bạn giúp đỡ, chúng tôi đã thường xuyên liên lạc với các tàu cá gặp nạn. Bắt đầu từ 21-5, có 3 tàu cá chở 104 ngư dân, trong đó có thi thể 18 người đã chết, đang về đất liền. Chúng tôi đã cử 3 tàu, 1 tàu của hải quân và 2 tàu cứu nạn chuyên dụng, chạy về hướng này, khả năng hôm nay (23-5), 3 tàu cá này sẽ được đưa về đến đất liền.

Tới đây, để tiện cho việc liên lạc, chúng tôi phải yêu cầu tất cả các tàu đánh cá xa bờ đăng ký tần sóng liên lạc với bộ đội biên phòng để sớm có thông tin xử lý kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc tương tự xảy ra. 

Ông Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam: Trách trung ương một, trách địa phương hai

Tôi nhận được tin dữ qua báo chí. Quả thật tôi sửng sốt và bất ngờ trước thiệt hại về số nhân mạng. Bởi dự báo trước đó bão số 1 không đổ vào đất liền… Ngay sau đó tôi đã cho thảo ngay điện chia buồn của UBMTTQ đến các gia đình nạn nhân.

Tôi thấy đây là lỗi khách quan. Nhưng đứng ở góc độ chủ quan thì cũng thấy ở đó có trách nhiệm, chứ không thể khác được. Tôi thấy có hai việc: Một là tính chủ động trong khắc phục các quy luật tự nhiên và chủ động bảo vệ con người và tài sản khi xảy ra thiên tai. Hai là tăng cường tính chính xác trong các dự báo thiên tai, thời tiết, quan trọng hơn là cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin dự báo đến mọi người. Nếu vừa rồi dự báo không bất cập, ngư dân biết tin báo bão sớm hơn thì đâu đến nỗi… Một vấn đề khác là khả năng ứng cứu tai nạn trên biển xảy ra ngoài khơi xa, phản ứng của các cơ quan cứu hộ chưa kịp thời, vì bị bất ngờ. Việc này trách trung ương một phần thì phải trách địa phương hai phần, vì bao nhiêu tàu bè ra khơi - anh phải biết chứ?

NHÓM PV

Thông tin liên quan

Sáng 22-5: Tàu chở nạn nhân bão số 1 cập cảng Đà Nẵng

Trung Quốc: Cứu được 97 ngư dân Việt Nam bị nạn do bão số 1

Đất liền gọi, nghe rõ không?

Trung Quốc: Cứu được 330 ngư dân Việt Nam

Tin cùng chuyên mục