Vụ hai cụ già phải trèo tường bất đắc dĩ ở phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội):

Chưa rõ đâu là nơi giải quyết!?

Ông Trần Thế Vượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội:

Tiếp tục thu thập những cứ liệu xung quanh vụ kiện hy hữu của gia đình “có nhà không có cửa”, chúng tôi nhận thấy con đường thủ tục thật dài và khúc khuỷu... Báo SGGP tiếp tục giới thiệu nguyên văn những thông tin ghi nhận được để rộng đường dư luận.

Ông Trần Thế Vượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội:

Tôi được biết là chính quyền quận Hai Bà Trưng đã có quyết định giải quyết việc này từ tháng 12-2005 rồi, nhưng chưa dứt điểm. Gần đây, Ủy ban Pháp luật Quốc hội nhận được đơn của ông Trần Đức Tiến và ngày 29-5-2006 đã có công văn gửi ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị giải quyết.

Gần hai tháng sau, ngày 25-7-2006, UBND TP Hà Nội có công văn do Phó Chủ tịch UBND TP Lê Quý Đôn ký, nội dung yêu cầu quận Hai Bà Trưng kiểm tra kết luận theo quy định của Luật Khiếu nại Tố cáo. Cho đến nay, tức là hai tháng sau nữa, chúng tôi chưa nhận được báo cáo cuối cùng của quận Hai Bà Trưng.

Ông Nguyễn Văn Sửu, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng:

Chúng tôi đã trả lời cho ông Tiến, ông Phàn, tức là những người có quyền lợi trách nhiệm liên quan rồi. Cách đây 3 tuần, chúng tôi cũng đã trả lời các báo ở Hà Nội hết rồi, tôi đề nghị báo SGGP không tham gia vào nữa. Tôi chỉ trả lời cho chị (PV Báo SGGP) thế thôi.

Trích bức thư ngày 17-11 -2005 của cố Luật gia Hồ Mạnh, nguyên Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội:

“Luật pháp của Nhà nước ta quá đầy đủ để giải quyết vụ việc này, nhưng tại sao UBND TP Hà Nội lại không làm? Hơn nữa, đạo lý của cội nguồn dân tộc Việt Nam luôn có thừa, tại sao chính quyền và các tổ chức đoàn thể, các nhà luật học, tâm lý học, giáo dục học... lại không có tiếng nói gì để phát huy đạo lý ấy?

Thiết nghĩ việc này tuy rất nhỏ nhưng lại xảy ra tại thủ đô Hà Nội, Thành phố anh hùng, nơi đại diện cho dân tộc Việt Nam có hơn 4.000 năm văn hiến mà giải quyết không được thì thật là đau lòng lắm...”.

Đáng tiếc là sau gần một năm gửi bức thư đầy tâm huyết trên với mong muốn giúp một người không quen biết, Luật gia Hồ Mạnh đã qua đời, còn vấn đề thì vẫn chưa được chính quyền TP Hà Nội giải quyết dứt điểm. 

ANH PHƯƠNG thực hiện

Hướng giải quyết lối đi cho gia đình ông Trần Đức Tiến như sau:

1. Theo các quy định của pháp luật hiện hành, gia đình ông Trần Đức Tiến phải tự đến Tòa án Nhân dân quận Hai Bà Trưng để giải quyết tranh chấp lối đi với gia đình ông Lê Phàn.

2. Gia đình ông Trần Đức Tiến có thể tự thỏa thuận với các hộ trong gia đình ông Nguyễn Phong Vũ để xin mở lối đi ra ngõ riêng của các hộ này.

3. Gia đình ông Trần Đức Tiến tự nhốt mình do mua đất làm nhà không xác định có lối đi hợp pháp ngay từ ban đầu nên tiếp tục đi nhờ qua nhà ông Khôi như hiện nay (NGHĨA LÀ TIẾP TỤC TRÈO TƯỜNG) hoặc là trở về nơi ở cũ trước khi mua đất làm nhà năm 1995.

(Trích báo cáo của UBND quận Hai Bà Trưng gửi UBND TP Hà Nội đầu tháng 9-2006)

 

Thông tin liên quan

Chính quyền đã làm hết trách nhiệm?

Pháp luật có đủ cơ sở để giải quyết lối đi cho nhà ông Tiến 

Những người hàng xóm nói gì?

Câu chuyện buồn khi không còn tình hàng xóm 

Tin cùng chuyên mục