
83 năm (21-6-1925 - 21-6-2008), một chặng đường dài vẻ vang của báo chí Cách mạng Việt Nam. Nhân dịp này, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông. Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn nói:

Đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (bìa trái) chúc mừng Tổng Biên tập Báo SGGP Trần Thế Tuyển nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Ảnh: VIỆT DŨNG
Có thể khẳng định, cho đến nay, hệ thống báo chí của nước ta đã phát triển rất mạnh mẽ, toàn diện, phong phú, đa dạng, không chỉ về mặt số lượng, hình thức, mà còn là cả các loại hình, đặc biệt là chất lượng thông tin. Cả nước có 600 cơ quan báo chí in, với 850 ấn phẩm.
Hệ thống phát thanh-truyền hình phát triển mạnh mẽ, từ trung ương đến 64 tỉnh, thành phố. Hệ thống báo điện tử cũng rất phong phú. Bên cạnh những tờ báo điện tử chuyên nghiệp, đúng nghĩa, còn có các trang điện tử của các cơ quan báo, tạp chí. Có trên 100 cơ quan như vậy. Cạnh đó, còn phải kể đến hàng ngàn trang tin điện tử có cập nhật, cung cấp thông tin.
Về đội ngũ, chúng ta có khoảng 15.000 nhà báo chuyên nghiệp, trình độ tương đối đồng đều, trong đó 85% có trình độ đại học trở lên. Gần đây, trong đội ngũ hùng hậu này có một lực lượng làm báo hiện đại, đó là những nhà báo trẻ sử dụng ngoại ngữ và công nghệ tin học khá tốt.
- PV: Thưa Thứ trưởng, gần đây khái niệm “vùng nhạy cảm” về thông tin hay được nhắc tới. Điều này phải chăng có tác động ít nhiều tới hoạt động nghiệp vụ của nhà báo?
Thứ trưởng ĐỖ QUÝ DOÃN: Về chức năng của báo chí thì luật đã quy định. Báo chí Cách mạng Việt Nam là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, xã hội, đồng thời là diễn đàn của nhân dân. Đây là đặc điểm rất quan trọng của hoạt động báo chí nước ta: thông tin trên báo chí là thông tin hai chiều. Một chức năng quan trọng khác của báo chí là phải định hướng dư luận xã hội. Không phải dưới danh nghĩa thông tin khách quan để thông tin một cách bàng quan, thiếu trách nhiệm. Thông tin là phải nhắm đến mục tiêu, phải có ích cho cộng đồng, cho sự phát triển của đất nước. Trách nhiệm của nhà báo, của các cơ quan báo chí là phải góp phần giữ vững sự ổn định xã hội.
Trong bối cảnh hiện này, điều này lại càng quan trọng. Chúng ta phải đặt sự phát triển kinh tế-xã hội nước ta trong tình hình chung của thế giới, từ đó mới phản ánh khách quan, trung thực, có ích. Khi thông tin những vấn đề ảnh hưởng đến nhiều người, đến xã hội, thì cần phải cân nhắc xem điều đó có lợi hay có hại. Nhạy cảm chính là chỗ đó. Có thể sự việc là có, nhưng nếu thông tin ấy không mang lại lợi ích cho quảng đại quần chúng nhân dân, cho đất nước thì không nên. Tôi nghĩ, đó chính là sự nhạy cảm, là nhận thức, là bản lĩnh của nhà báo và các cơ quan báo chí.
- Gần đây, có dư luận cho rằng có trường hợp nhà báo chống tiêu cực bị đối xử không công bằng. Ý kiến của Thứ trưởng về vấn đề này?
Nói vậy là không đúng! Với những nhà báo viết bài chống tiêu cực, nếu thông tin của họ trung thực, chính xác, tác động tốt đến xã hội thì rất tốt, rất đáng quý. Chưa bao giờ các nhà báo viết bài chống tiêu cực bị đối xử không công bằng. Khi xem xét, xử lý một trường hợp nào đó, các cơ quan quản lý luôn tuân thủ luật pháp, luôn có sự phân tích, có sự phân biệt rõ ràng, đầy đủ. Nếu nói không công bằng thì thử hỏi: Không công bằng chỗ nào? việc nào? Cách đặt vấn đề không đúng dễ làm dư luận hiểu sai về sự điều hành của các cơ quan quản lý. Quả là có người nghĩ, việc báo chí đấu tranh chống tiêu cực sẽ bị hạn chế, người viết và các cơ quan báo chí sẽ “chùn tay”. Tôi nghĩ không phải như vậy.
Lẽ công bằng, người tốt phải được khen thưởng, người sai phạm phải bị xử lý. “Pháp luật bất vi thân”, ai vi phạm cũng phải được xử lý, như vậy là công bằng chứ sao lại không công bằng? Nhà báo cũng là công dân, khi sai phạm cũng phải được xử lý. Việc xử lý sai phạm của một số cơ quan báo chí cũng nhằm giúp các cơ quan báo chí thực hiện nghiêm túc hơn các quy định. Không ai được phép đặt mình ra ngoài hoặc trên pháp luật. Làm được điều đó, chính là chúng ta cũng đang thực hiện việc công bằng xã hội.
- Thời gian qua, không ít tin đồn lại được nhiều người nghe tin hơn cả thông tin chính thức trên báo chí. Rõ nhất là cơn sốt giá gạo “ảo”, trong khi an ninh lương thực của nước ta bảo đảm, lượng gạo dự trữ dồi dào thừa cho cả chỉ tiêu xuất khẩu. Thếâ nhưng, khi có tin đồn thiếu gạo, thế là lập tức giá gạo bị đẩy lên cao...
Tin đồn thì thường vẫn xảy ra. Vấn đề ở đây là phải làm sao bảo đảm cho thông tin chính thống giữ được vị trí chủ đạo, thì lúc đó tin đồn sẽ bị đánh bạt. Vì vậy, việc các cơ quan chức năng chủ động, kịp thời cung cấp thông tin chính xác cho báo chí là hết sức quan trọng. Nếu các cơ quan đó làm như vậy, chắc chắn thông tin báo chí sẽ trở thành dòng chảy chủ đạo. Và như thế, tin đồn sẽ không còn tác động lắm đến tình hình chung.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng.
Hà Trọng Nghĩa thực hiện