Thừa Thiên Huế quyết tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đảm bảo đủ về quy mô và chất lượng trên các yếu tố cơ bản là trí lực, thể lực và kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức; chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề cao nhằm đưa nhân lực trở thành nền tảng và lợi thế đặc biệt quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành mũi nhọn, trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030 nhanh và bền vững...

Nỗ lực tạo nguồn nhân lực chất lượng

Những năm qua, công tác phát triển nguồn nhân lực đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Nguồn nhân lực có bước phát triển và cơ bản được sử dụng hiệu quả. Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết số 17 của Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XVI) về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Chương trình số 432 thực hiện Nghị quyết nhằm cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 17.

Đồng thời, xác định rõ các nhiệm vụ để các sở, ngành, địa phương và cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức triển khai đạt mục tiêu đề ra nhằm phát triển nguồn nhân lực tỉnh không ngừng nâng cao về chất lượng và số lượng, có cơ cấu hợp lý; tổ chức thực hiện phải gắn với công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ và báo cáo kết quả định kỳ theo quy định.

Theo đó, Chương trình triển khai các giải pháp đối với những nhiệm vụ trọng tâm sau: Truyền thông nâng cao nhận thức đối với công tác phát triển nguồn nhân lực; Quy hoạch, định hướng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực, ngành kinh tế mũi nhọn; Phát triển nguồn nhân lực quản lý, điều hành doanh nghiệp, nguồn nhân lực phục vụ sản xuất; nâng cao năng lực quản trị trong khu vực kinh tế tư nhân, hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; Ban hành chính sách hỗ trợ phát triển, thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao; Huy động nguồn lực, tăng cường liên kết, hợp tác về phát triển nguồn nhân lực; Phát triển thị trường lao động, hệ thống thông tin thị trường lao động; tăng cường kết nối cung cầu lao động, đẩy mạnh công tác dự báo nhân lực, giải quyết việc làm; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, khai thác, chia sẻ dữ liệu nguồn nhân lực.

Thừa Thiên Huế quyết tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ảnh 1 Thừa Thiên Huế tôn vinh 14 trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu năm 2022

Đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trong tổng số gần 562 nghìn lao động đang làm việc tại địa phương, tổng việc làm của nhóm nhân lực chất lượng cao là 80,72 nghìn lao động, chiếm khoảng 14,38% tổng việc làm toàn tỉnh. Ngoài ra, có 11,5% số lao động có việc làm yêu cầu kỹ năng cao, 78,7% số lao động có việc làm yêu cầu kỹ năng trung bình và 9,6% yêu cầu kỹ năng thấp.

Trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ thuật của lực lượng lao động ngày càng được nâng lên. Đội ngũ trí thức của Thừa Thiên Huế được đánh giá đứng thứ nhất khu vực miền Trung-Tây Nguyên, đứng thứ ba toàn quốc về số lượng. Với đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực khoa học-công nghệ và y tế - hai trong bốn lĩnh vực trụ cột của Thừa Thiên - Huế - có gần 152 nghìn người; trong đó, có 275 giáo sư, phó giáo sư, gần 1.043 tiến sĩ, 3.936 thạc sĩ và hơn 300 nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú và 37 giáo sư danh dự của khối đại học Huế.

Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Thừa Thiên- Huế hiện nay, dịch vụ-du lịch chiếm tỷ trọng cao, song các dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao phát triển chậm.

Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đặng Hữu Phúc cho rằng, việc sử dụng nguồn nhân lực vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan ngại khi chất lượng việc làm còn thấp, tính dễ bị tổn thương của việc làm và tỷ lệ việc làm phi chính thức còn cao. Chuyển dịch lao động theo trình độ kỹ năng còn rất chậm và năng suất lao động vẫn ở mức thấp. Đơn cử như các nhóm nghề đòi hỏi lao động có trình độ kỹ năng thấp: nhân viên dịch vụ cá nhân, bảo vệ, bán hàng, nông-lâm nghiệp-thủy sản, thợ thủ công và thợ kỹ thuật lắp ráp, vận hành máy móc thiết bị chiếm tới 76,8% tổng số lao động có việc làm. Lao động qua đào tạo di cư đến các tỉnh, thành phố khác cao gấp 1,8 lần so với lao động qua đào tạo nhập cư đến. Thu nhập bình quân đầu người tuy được cải thiện nhưng còn rất chậm, tăng 600 nghìn đồng/tháng so với năm 2016 và thấp hơn nhiều so với khu vực và cả nước.

Theo các chuyên gia, nhà quản lý, thực trạng nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực của Thừa Thiên - Huế những năm qua chưa thật sự được triển khai hiệu quả; việc xây dựng, lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ chưa bám sát với thực tiễn; thiếu các phân tích, dự báo cụ thể về nhu cầu nhân lực gắn với xu hướng biến động của thị trường lao động; trình độ phát triển kinh tế của tỉnh vẫn còn thấp.

Tạo nguồn nhân lực chất lượng phù hợp yêu cầu phát triển

Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 có định hướng xây dựng Thừa - Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở bốn trụ cột là văn hóa-du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, chú trọng đến vai trò chuyển đổi số, công nghệ thông tin trong cách mạng công nghiệp hiện nay.

Nghị quyết cũng đặt ra chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động tại Thừa Thiên - Huế qua đào tạo đạt 70%-75%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%-35%; Tỷ lệ lao động trong ngành công nghiệp - xây dựng là 34%; Tỷ lệ lao động trong ngành dịch vụ là 51%; Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông được hướng nghiệp là 90% - 95%; 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; 40% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng.

100% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được chuẩn hóa theo chuẩn quốc gia, trong đó, một số nghề tiếp cận trình độ các nước ASEAN và quốc tế; Phấn đấu trên 80% người học có việc làm sau đào tạo; 100% giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn theo quy định, trong đó, 40% - 50% có trình độ sau đại học; 100% nhân lực y tế được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; đạt từ 15 - 16 bác sĩ trên 1 vạn dân; Đạt từ 12 - 15 cán bộ khoa học và công nghệ trên 1 vạn dân.
Thừa Thiên Huế quyết tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ảnh 2 Nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực y tế góp phần xây dựng Thừa ThiênHuế xứng tầm là một trong những trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á, giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030

Thừa Thiên - Huế cũng phấn đấu có khoảng 80.000 lao động làm việc trực tiếp trong ngành du lịch; 10.000 lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin; 100% cán bộ, công chức, viên chức các cấp được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn.

Đến năm 2030, Thừa Thiên - Huế phấn đấu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75% - 80%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 50% - 55%. 

Bên cạnh đó, trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh đang tập trung phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dựa trên các yếu tố cơ bản là trí lực, thể lực và kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức. Qua đó, đưa nhân lực trở thành nền tảng và lợi thế đặc biệt quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành mũi nhọn, trọng điểm.

Cụ thể là tập trung phát triển nguồn nhân lực với cơ cấu ngành du lịch là mũi nhọn; dịch vụ y tế chuyên sâu, giáo dục chất lượng cao, tài chính, ngân hàng, cảng biển, logistics, đào tạo nguồn nhân lực là nòng cốt; công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao là đột phá và kinh tế biển là thiết yếu.

Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, theo các chuyên gia, Thừa Thiên - Huế nên có cơ chế hình thành, phát triển các viện, trung tâm nghiên cứu sáng tạo cấp tỉnh, kể cả viện tư nhân, nước ngoài để người lao động có nơi nghiên cứu, có việc làm. Tỉnh cần có cơ chế tự chủ cho cơ sở đào tạo; mạnh dạn sắp xếp các trường trung cấp, cao đẳng lại thành một hệ thống, nâng cao chất lượng mạng lưới giáo dục-đào tạo.

Bên cạnh đó, cần thu hút nhân lực nước ngoài, đưa nhân lực y tế đi đào tạo ở nước ngoài để nâng cao trình độ. Quan tâm đến nguồn lao động ngoài khu vực công vì đây là lực lượng quan trọng, tạo ra sản phẩm cho xã hội. Việc hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trong công tác đào tạo phải mang tính hai chiều, nhà trường phải đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Kim Sơn, giảng viên cao cấp Học viện Hành chính quốc gia cho rằng, phát triển nguồn nhân lực không quan trọng là cao hay thấp mà chất lượng lao động phải đáp ứng được yêu cầu của xã hội với tầm nhìn rõ ràng. Phát triển nguồn nhân lực cần đi đôi với nhu cầu thực tế phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Có ba hướng tiếp cận trong phát triển nguồn nhân lực mà Thừa Thiên - Huế cần tập trung là: phát triển nguồn nhân lực hiện đang có (đào tạo lại); phát triển nguồn nhân lực chính bản thân tổ chức, doanh nghiệp cần bổ sung, tìm kiếm; phát triển nguồn nhân lực cho thị trường lao động.

Thừa Thiên - Huế cũng phải chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh mới. Tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu chính sách giữ chân, thu hút, đãi ngộ lao động có chất lượng cao trên các lĩnh vực thông qua chính sách tiền lương, thưởng phù hợp sự cống hiến của người lao động; có chính sách ưu tiên theo từng cấp độ khác nhau cho những trình độ và năng lực khác nhau và có chế độ ưu tiên đặc biệt cho những nhân tài đặc biệt, những chuyên gia đầu ngành để thu hút các nhân tài về Thừa Thiên-Huế.

Tin cùng chuyên mục