Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp

Theo lãnh đạo Bộ KH-ĐT, lợi ích của việc chuyển đổi xanh trong các khu công nghiệp là to lớn và lâu dài. Nhưng trong ngắn hạn, nhiều thách thức trở ngại làm cho quá trình chuyển đổi chưa diễn ra mạnh mẽ như mong đợi.

a59e91f310b5beebe7a4.jpg
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec, Chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) chia sẻ kinh nghiệm triển khai kinh tế tuần hoàn tại hội nghị. Ảnh: M.HOA

Chiều 12-4, Bộ KH-ĐT và Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tổ chức hội nghị thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp Việt Nam hướng tới phát triển bền vững.

Phát biểu khai mạc, ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ KH-ĐT, trong hơn 30 năm hình thành và phát triển, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã được ghi nhận vai trò to lớn trong thành tựu phát triển kinh tế xã hội, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy hội nhập quốc tế.

Phát triển kinh tế tuần hoàn đang là xu thế thời đại mà nhiều quốc gia trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21 và phù hợp với định hướng phát triển của đất nước trong giai đoạn tới. Trong đó, mô hình khu công nghiệp sinh thái chính là động lực thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Theo ông Quân, lợi ích của việc chuyển đổi này là to lớn và lâu dài, nhưng trong ngắn hạn, nhiều thách thức trở ngại làm cho quá trình chuyển đổi chưa diễn ra mạnh mẽ như mong đợi.

Ông Smail Alhilali, Trưởng Ban Kinh tế tuần hoàn và quản lý hóa chất của UNIDO trụ sở chính, đã nhấn mạnh những cơ hội kinh tế tuần hoàn đem lại góp phần thúc đẩy phát triển bền vững. Ông Alhilali cho biết: “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp có thể giúp Việt Nam không chỉ giảm tác động môi trường mà còn tạo cơ hội đổi mới và tăng trưởng xanh”.

Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, với các hỗ trợ hiện có và định hướng có sẵn, chúng ta phải bắt tay với nhau, học từ các nước đi trước, thực hiện thành công chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng. Không chỉ sản xuất sạch hơn, giảm phát thải hơn, mà còn phải đặt vấn đề ở cả khâu tiêu dùng.

Ông Jerome Stucki, Trưởng ban Kinh tế tuần hoàn và hiệu quả tài nguyên của UNIDO trụ sở chính, nhấn mạnh cam kết của UNIDO trong hỗ trợ các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững đề ra trong Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững thông qua thúc đẩy tính tuần hoàn trong ngành công nghiệp. Ông Stucki nhấn mạnh vai trò của UNIDO trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn chính sách và kỹ thuật về sử dụng các nguồn tài nguyên sạch hơn và hiệu quả hơn bao gồm nguyên vật liệu, năng lượng và nước, đồng thời thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn và mô hình hợp tác kinh doanh trong phát triển các khu công nghiệp sinh thái.

Hội nghị chia thành các phiên thảo luận về vai trò quan trọng của các khu công nghiệp trong việc thực hiện các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn. Các chuyên gia dẫn dắt các phần thảo luận và trao đổi tương tác về các cơ hội và thách thức tích hợp các hoạt động kinh tế tuần hoàn giữa các ngành công nghiệp khác nhau trong các khu công nghiệp. Hơn nữa, các chuyên gia trao đổi cách thức gắn kết giữa mục tiêu phát triển đô thị thông qua thúc đẩy các giải pháp cộng sinh công nghiệp và đô thị.

Tin cùng chuyên mục