Thuế khoán mới, dân có lợi hơn

Trước những bức xúc của dư luận về việc thay đổi phương pháp tính thuế khoán đối với hộ kinh doanh cá thể: tính trực tiếp trên doanh thu bán hàng, không tính trên lợi nhuận như trước. Người dân cho rằng, việc tính thuế trên doanh thu gây thiệt thòi cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ.
Thuế khoán mới, dân có lợi hơn

Thứ trưởng Bộ Tài chính ĐỖ HOÀNG ANH TUẤN:

Trước những bức xúc của dư luận về việc thay đổi phương pháp tính thuế khoán đối với hộ kinh doanh cá thể: tính trực tiếp trên doanh thu bán hàng, không tính trên lợi nhuận như trước. Người dân cho rằng, việc tính thuế trên doanh thu gây thiệt thòi cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

Phóng viên Báo SGGP đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn vấn đề liên quan đến những bức xúc của hộ kinh doanh cá thể trong việc thay đổi cách tính thuế khoán…

Không vì số thu ngân sách

Thuế khoán mới, dân có lợi hơn ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn

- Phóng viên: Theo quy định mới, thuế khoán được tính trực tiếp lên doanh số bán hàng của hộ kinh doanh cá thể. Và cách tính này khiến hộ kinh doanh cá thể không được giảm trừ gia cảnh, liệu việc này có gây thiệt thòi cho dân không, thưa thứ trưởng?

>> Thứ trưởng ĐỖ HOÀNG ANH TUẤN: Việc Chính phủ trình Quốc hội thay đổi phương pháp tính thuế mới đối với hộ kinh doanh cá thể là đúng với xu thế phát triển. Bởi cách tính trước đây tồn tại một số bất hợp lý, không phù hợp với sự phát triển.

Cụ thể, trước đây việc ấn định thuế khoán dựa trên doanh số, chi phí, các khoản trừ, trong đó bao gồm cả giảm trừ gia cảnh. Trong khi, để xác định được những khoản đó không phải là dễ. Chẳng hạn, để xác định chi phí được trừ là điều không thể, do chi phí để kinh doanh và chi phí cuộc sống của hộ kinh doanh cá thể không có ranh giới. Ví dụ, người dân có nhà để ở nhưng dùng mặt tiền nhà làm cửa hàng thì xác định chi phí như thế nào; người kinh doanh này dùng vốn từ tích lũy để kinh doanh, còn người kia dùng vốn vay để kinh doanh thì có chấp nhận đưa lãi vay vào chi phí hay không; rồi người kinh doanh dùng sức lao động của những người trong gia đình thì có được chấp nhận những khoản tiền công trả cho người trong gia đình hay không… Điều đó cho thấy, lãi vay, khấu hao, tiền nhân công… là các nhân tố chủ yếu để hình thành nên chi phí đều không thể xác định được. Đây là nhược điểm lớn nhất của cách tính thuế cũ. Chính những nhược điểm này đã dẫn đến chính sách thuế không minh bạch, không rõ ràng. Do vậy, quyết định của Quốc hội lần này thay đổi cách tính thuế, tính trực tiếp trên doanh số của hộ kinh doanh cá thể là hoàn toàn đúng với thực tiễn, đúng với xu hướng phát triển, đúng với thông lệ quốc tế, bởi trên thế giới, không có nước nào bắt thể nhân khai chi phí cả.

- Thế nhưng, với quy định mới này, hộ kinh doanh cá thể có doanh số bán hàng trên 100 triệu đồng/năm phải nộp thuế khoán 0,5% hoặc 1% tùy theo ngành nghề. Tức người dân bán hơn chục tô phở/ngày cũng phải nộp thuế?

Theo quy định cũ chúng ta tính thuế theo lũy tiến. Cụ thể, việc ấn định thuế khoán dựa trên phương pháp lấy doanh số trừ đi chi phí (trong đó bao gồm cả giảm trừ gia cảnh) rồi nhân với thuế suất thuế thu nhập cá nhân (thuế suất thuế thu nhập cá nhân tăng dần theo lũy tiến 5% - 10% và mức cao nhất 35% - PV). Cách tính lũy tiến thuế thu nhập cá nhân không bình thường, bởi đối với người kinh doanh chúng ta phải khuyến khích họ phát triển. Nếu so sánh mức thuế suất cao nhất đến 35% trên lãi của họ, trong khi đó thu nhập doanh nghiệp chỉ có 20%, doanh nghiệp nhỏ 17%, là điều vô lý!  Do vậy, chính sách thuế thay đổi lần này không gây thiệt thòi cho người lao động, chúng ta chỉ thu với mức 0,5%, 1% hay 2% trên doanh số là nhằm khuyến khích doanh nghiệp phát triển. Rõ ràng, tiểu thương nhỏ không bị thiệt thòi với cách tính thuế mới.

- Thế nhưng, dư luận lại cho rằng, chúng ta đang thay đổi để tăng thu đối với lĩnh vực này?

Chúng tôi khẳng định chính sách ban hành không vì số thu. Vì số thu từ hộ kinh doanh cá thể chỉ chiếm 1,8% số thu ngân sách Nhà nước. Chỉ gần 2% số thu mà biến động nhằm tăng thuế là không đúng.

Hộ bán buôn nhỏ lẻ đang lo sẽ bị tăng thuế khoán. Ảnh: THANH HẢI

Phiếu tính tiền sẽ trở thành hóa đơn

- Nhưng người dân lo lắng khoán thuế dựa trên doanh số có thể họ sẽ phải đóng thuế cao hơn, thậm chí nhiều người cho rằng trước đây không phải nộp thuế nhưng giờ có thể phải nộp. Thực tế dư luận trong dân đang bất an về  điều đó, thưa thứ trưởng?

Trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, trong Nghị quyết của Quốc hội hay trong Nghị quyết giao nhiệm vụ thu thuế, có nguyên tắc rõ ràng là hộ trước đây không thu thì nay tiếp tục không thu. Đối với những hộ đang nộp thuế khoán thì vẫn khoán theo năm. Nếu có tăng thuế khoán cũng không được tăng cao hơn chỉ số giá và tăng trưởng kinh tế. Chẳng hạn, ở TPHCM, chỉ số tăng trưởng kinh tế 9,6% và chỉ số giá 1% thì mức tăng thuế khoán cao nhất cũng không được quá 11%. Các quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dân, nên người dân không cần phải quá lo lắng...

- Sự thay đổi lần này tập trung vào hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ, trong khi các siêu thị, doanh nghiệp lớn vẫn bán hàng không xuất hóa đơn, khai thuế không chính xác doanh thu, làm giảm hoặc không phải nộp thuế. Dư luận cho rằng, chúng ta đang “thả cá lớn, bắt cá bé”, thứ trưởng nghĩ thế nào?

Về việc các siêu thị, doanh nghiệp lớn bán hàng không xuất hóa đơn, Bộ Tài chính thấy đây là một tồn tại mà báo chí, đặc biệt Báo SGGP đã phát hiện. Tiếp thu ý kiến, chúng tôi đang thực hiện các giải pháp như sau: Một là, bắt đầu từ ngày 1-1-2015 giao TPHCM thí điểm hóa đơn điện tử theo Luật Quản lý thuế. Theo đó, yêu cầu các doanh nghiệp như siêu thị, trung tâm thương mại phải áp dụng hóa đơn điện tử. Các trung tâm thương mại, siêu thị… phải nối mạng máy tính với cơ quan thuế thực hiện hóa đơn điện tử để cơ quan thuế quản lý được doanh số. Bước đầu thí điểm tại 100 đơn vị trên địa bàn TPHCM, sau đó sẽ mở rộng. Chúng tôi cho rằng đây là việc làm căn cơ, đúng theo thông lệ quốc tế và yêu cầu từ thực tiễn. Áp dụng hóa đơn điện tử, mọi doanh số bán hàng của doanh nghiệp đều được lưu giữ và truyền online trực tiếp đến cơ quan thuế.

Thứ hai, chúng tôi sẽ đề nghị sửa chính sách, cho phép dùng phiếu tính tiền làm hóa đơn luôn. Theo quy định hiện tại, hóa đơn phải có tên người mua, người bán, mã số thuế, nhưng ở các siêu thị lớn, người mua đông, phải xếp hàng thì không thể hỏi tên người mua được, nên siêu thị có kết nối online với cơ quan thuế rồi thì được dùng phiếu đó làm hóa đơn. Thứ ba là sẽ tăng cường kiểm tra xử lý triệt để, nghiêm túc về việc thực hiện hóa đơn chứng từ.

- Xin cảm ơn thứ trưởng!

HÀN NI (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục