Bám sát nhu cầu tiêu dùng
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, dịch Covid-19 xảy ra với những diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Do vậy, việc đảm bảo chủ động trong cung ứng các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân ở thời điểm này là vô cùng cần thiết và cấp bách.
Trước thực tế đó, hội đã chủ động cùng nhiều DN thành viên như Vissan, Bidrico, Cầu Tre, Vinamilk, Acecook, Tường An… triển khai các cuộc khảo sát nhanh để nắm bắt tình hình hoạt động, công suất sản xuất thực tế của DN so với nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Từ đó, xây dựng cơ sở dữ liệu giúp DN đẩy mạnh tăng công suất sản xuất, chủ động được nguồn cung và nguồn dự trữ thực phẩm, đảm bảo đầy đủ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu cho người dân thành phố và các địa phương khác, ngay cả khi diễn biến dịch theo chiều hướng xấu nhất.
Song song với các hoạt động này, hội và DN thành viên cũng thường xuyên làm việc trực tiếp với Bộ Công thương, Sở Công thương TPHCM và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM nhằm tăng khả năng hỗ trợ vốn sản xuất cho các DN. Trên thực tế, để chủ động nguồn cung ứng hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các DN trong hội đã phải thực hiện tăng tỷ lệ hàng dự trữ lên 40% - 50%. Điều này đã làm ảnh hưởng đến nguồn vốn lưu động của các DN. Do đó, sự chỉ đạo kịp thời của UBND TPHCM nói riêng và các cơ quan liên quan nói chung trong việc yêu cầu hệ thống ngân hàng hỗ trợ vốn lưu động cho DN là rất cần thiết. Nhìn chung cho đến nay, về cơ bản các DN ngành lương thực thực phẩm luôn chủ động và đảm bảo được nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân, tạo niềm tin và sự an tâm, ổn định trong cộng đồng xã hội.
Gia tăng cung ứng thị trường nội địa
Ở góc độ khác, nhiều DN đã tích cực triển khai nhiều sáng kiến, giải pháp khác nhau để vượt qua khủng hoảng, như tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế, nghiên cứu, sáng tạo ra sản phẩm mới sử dụng các nguyên liệu có ở trong nước, tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là thị trường nội địa. Đại diện Công ty cổ phần Kỹ nghệ Thực phẩm Vifon cho biết, công ty cũng đã chuyển một phần hoạt động sản xuất phục vụ các thị trường xuất khẩu sang cung ứng cho thị trường nội địa. Bởi, sức tiêu thụ thị trường nội địa tăng mạnh trong những tháng đầu năm, do người tiêu dùng có tâm lý mua hàng tích trữ. Mặt khác, do bị hạn chế đi lại, người dân ở nhà nhiều hơn nên sức tiêu thụ hàng hóa cũng tăng hơn.
Nhiều DN khác như Công ty Vinh Phát (mặt hàng gạo), Vissan (thực phẩm chế biến)… đã điều chỉnh chiến lược kinh doanh, dồn sức cho thị trường trong nước, thay vì xuất khẩu như trước đây. Nhiều DN đã bắt tay với các hệ thống phân phối, nhà bán lẻ giữ nguyên giá cả bình ổn, dù giá nguyên liệu và các chi phí khác tăng hơn so với thời điểm trước; thậm chí còn giảm mạnh giá mặt hàng thiết yếu kết hợp với việc đa hạng hóa hình thức bán hàng, đặc biệt đẩy mạnh hình thức bán hàng online, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân.
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, nhấn mạnh với nỗ lực tiếp cận thị trường nội địa, doanh thu bán lẻ lương thực, thực phẩm 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 68.553 tỷ đồng, tăng 11,2% (cùng kỳ tăng 9,7%), chiếm 17,0% tổng mức bán lẻ hàng hóa. Từ đầu tháng 6 đến hết tháng 7, TPHCM triển khai chương trình “60 ngày vàng khuyến mại trên địa bàn thành phố”, góp phần kích cầu tiêu dùng xã hội, phục hồi sản xuất kinh doanh và hoạt động xã hội trong điều kiện bình thường mới. DN có thể triển khai nhiều hoạt động khuyến mại đa dạng, với hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ... lên tới 100%.
Cũng theo ông Kiên, hiện các DN ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống vẫn duy trì đà tăng trưởng là 0,45% (cùng kỳ tăng 1%). Trong đó, ngành chế biến lương thực, thực phẩm ước tăng 3,3% (cùng kỳ giảm 2,6%). Đây là mức tăng cao nhất từ đầu năm 2020 đến nay và là tín hiệu cho thấy hoạt động sản xuất của DN trong ngành bắt đầu diễn ra bình thường, đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng lương thực thực phẩm.