Ngoài chính sách hỗ trợ cho người lao động, chính sách lần này sẽ tập trung hỗ trợ một số ngành như hàng không, du lịch, tiêu dùng. Những lĩnh vực lan tỏa, tạo hiệu ứng nhanh này được kỳ vọng sẽ tạo được luồng sinh khí mới cho thị trường nội địa, được coi là “điểm tựa” của nền kinh tế.
Mặc dù là ngành dễ bị “tổn thương”, nhưng tốc độ phục hồi của du lịch, hàng không cũng rất ngoạn mục. Sau nhiều tháng “đóng băng” bởi sự bùng phát của Covid-19, ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, trong tháng 6, du lịch nội địa đã tăng 2-3 lần so với trước đó. Là một ngành kinh tế tổng hợp, bởi vậy sự phục hồi của ngành du lịch nội địa sẽ kéo theo sự phục hồi của nhiều ngành khác như: thương mại, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải… Bởi thế, khi tình hình dịch bệnh sau đợt bùng phát Covid-19 lần 2 (từ tháng 7-2020) được kiểm soát, ngành công nghiệp “không khói” lại hoạt động trở lại với nhiều hoạt động kích cầu du lịch hướng tới thị trường chủ lực là 100 triệu dân.
Lâu nay, chúng ta thường xem trọng thị trường quốc tế và du lịch quốc tế đúng là một hợp phần rất quan trọng của ngành du lịch Việt Nam. Nhưng cú sốc Covid-19 đã cho thấy, du khách Việt chịu khó đi du lịch và cũng mạnh tay chi tiêu, tiêu dùng. Với lượng khách nội địa gấp 4-5 lần khách du lịch quốc tế thì doanh thu từ du lịch nội địa rất nhiều tiềm năng. Khi du lịch sôi động trở lại cũng sẽ kích hoạt các cơ sở vui chơi giải trí, hoạt động mua sắm… Các cơ sở lưu trú hạng sang trước đây thường mặc định chỉ hướng tới du khách quốc tế, thì nay cũng mở ra những cơ hội mới cho du khách Việt với mức chi phí trung bình khá. Du lịch nội địa phục hồi được nhìn nhận là sẽ góp phần quan trọng trong việc duy trì công ăn việc làm cho 2,5 triệu lao động trực tiếp và gián tiếp trong xã hội.
Ngành du lịch phụ thuộc vào khách du lịch, nếu không có khách thì không có hoạt động kinh doanh. Do đó, các chính sách hỗ trợ giãn nợ, giãn thuế, phí… chỉ có ý nghĩa đối với các ngành sản xuất kinh doanh khác nhiều hơn đối với ngành du lịch. Bởi lẽ, khi không có hoạt động du lịch thì doanh nghiệp lữ hành, khách sạn... phải đóng cửa, ngừng hoạt động, không có doanh thu và như vậy, họ không được hưởng lợi từ những chính sách hỗ trợ trên. Chính vì lẽ đó, đề xuất của Bộ KH-ĐT về việc doanh nghiệp lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ trong thời hạn 2 năm được coi là một giải pháp tạo dòng tiền mới, giúp doanh nghiệp duy trì, cầm cự và có nguồn tiền làm vốn lưu động, sản xuất. Việc phục hồi của ngành du lịch, không chỉ kích thích tăng trưởng kinh tế, mang lại nhiều ý nghĩa xã hội như tạo công ăn việc làm cho một lượng nhất định người lao động… mà còn tạo ra được tâm lý an toàn, phục hồi nhịp sinh hoạt của người dân.
Cùng với đó, dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp hàng không giảm sâu doanh thu, thiếu hụt dòng tiền và có thể gây mất khả năng thanh toán, phá sản. Do vậy, với nguồn lực dự kiến đề xuất khoảng 11.000 tỷ đồng (là các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh dành cho các doanh nghiệp hàng không) được kỳ vọng sẽ hỗ trợ dòng tiền và thanh khoản cho các doanh nghiệp hàng không, giúp họ tránh khỏi nguy cơ phá sản hoặc bị thâu tóm, bảo vệ hàng ngàn lao động khỏi thất nghiệp.
Với đặc tính dễ “tổn thương” nhưng khi phục hồi sẽ có tác động lan tỏa mạnh tới nhiều ngành khác nhau trong nền kinh tế, vì vậy, việc “tiếp sức” cho du lịch, hàng không và dịch vụ trong thời điểm này được chờ đợi sẽ đem tới những thanh đổi nhanh chóng giúp cho thị trường nội địa tìm lại nhịp phát triển trước đó, góp phần đưa kinh tế hồi sinh.