Thống kê sơ bộ cho thấy, mới có 14/50 doanh nghiệp được xem xét hỗ trợ. Lý do một số DN chưa được xét vay, ngân hàng giải thích rằng nhóm DN này thuộc đối tượng rủi ro cao. Về phía các DN nhận định, ngân hàng đã làm đúng nghiệp vụ nhưng áp dụng máy móc, thiếu linh hoạt. Vì DN lữ hành khó có tài sản thế chấp, khó chứng minh khả năng trả nợ chưa kể tới đây, tình hình thị trường còn nhiều biến động do dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp. Theo đó, DN kiến nghị, trong tình hình hiện nay, Nhà nước cần có các chính sách bảo hộ DN cụ thể. Chẳng hạn như cho DN dùng giấy chứng nhận ký quỹ để vay bảo đảm.
Trước đó, Hội đồng Tư vấn Du lịch (Tổng cục Du lịch) đề xuất chính sách tạo điều kiện và bảo lãnh tín dụng của Chính phủ thông qua hệ thống ngân hàng với giá trị lên đến 150.000 tỷ đồng, tương đương 25% doanh thu của ngành du lịch trong năm 2019 nhằm giúp DN trong ngành. Với gói này, người vay phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thể hiện là DN du lịch, lữ hành; có vốn điều lệ tối thiểu 3 tỷ đồng; có tối thiểu 10 lao động toàn thời gian; có bằng chứng đã đóng bảo hiểm xã hội, nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng (VAT). Mức vay tối đa của từng DN bằng tổng thuế VAT, thuế thu nhập DN và bảo hiểm xã hội đã đóng trong năm 2019. Lãi suất bằng lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước ở thời điểm rút vốn vay +0,5%, cố định trong 6 tháng và điều chỉnh theo lãi suất tái cấp vốn tại thời điểm +0,5%. Việc cấu trúc như trên giúp ngân hàng dễ thực hiện; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp sớm hoàn trả các khoản vay.