Ngày 24-6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng tổ Đại biểu Quốc hội đơn vị số 1 tiếp xúc cử tri các quận 1, 3, TPHCM thông báo kết quả kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khóa XIII. Nhiều cử tri bày tỏ niềm tin, đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, thể hiện được tính dân chủ, đặc biệt qua việc góp ý bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Luật Đất đai, lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu... Tuy nhiên, nhiều ý kiến kiến nghị giải quyết quyết liệt tình trạng lãng phí, tham nhũng.
Cử tri Lê Văn Minh (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1) đặt vấn đề: Sau kỳ họp, Quốc hội phải làm thế nào đó để nghị quyết Quốc hội ban hành cũng như những lời hứa của Chính phủ và các bộ ngành sớm trở thành hiện thực, chẳng hạn như giải quyết nợ xấu, giải phóng hàng tồn kho, kéo giảm lao động thất nghiệp... Về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, nhiều ý kiến cho rằng bước đầu đã thành công, đạt được một số kết quả nhất định. Cũng có những ý kiến cho rằng Quốc hội chỉ nên đưa ra 2 mức độ khi lấy phiếu, đó là tín nhiệm và không tín nhiệm.
Vấn đề tham nhũng, lãng phí tiếp tục được mổ xẻ. Cử tri Phạm Đức Hùng (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) cho rằng, sau khi đã ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng, cần sớm có văn bản hướng dẫn chi tiết để làm cơ sở thực thi. Không chỉ những người đương chức công khai mà những người đã về hưu cũng phải công khai, chứ không có chuyện về hưu là “hạ cánh an toàn”.
|
Cử tri Trần Đăng Trâm (phường Đa Kao, quận 1) đề nghị, việc xử lý các vụ tham nhũng phải thống kê, công khai cho dân biết cụ thể số lượng tài sản đã thu hồi. Giải pháp cho vấn đề này, theo cử tri Nguyễn Thị Tại (phường Bến Thành, quận 1), cần phải giải quyết bài toán tiền lương tối thiểu. Cử tri lập luận: Với mức lương tối thiểu quá lạc hậu hiện nay, người làm công ăn lương không đủ nuôi sống bản thân nên phát sinh tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu “to ăn to, nhỏ ăn nhỏ”. Trong công tác đấu tranh phòng chống lãng phí, cử tri đề nghị đặc biệt lưu ý lãng phí trong giáo dục. Đào tạo sinh viên ra trường nhưng không có việc làm cũng là một hình thức lãng phí lớn. Đất đai bỏ trống, quy hoạch treo nhiều năm cũng là một hình thức lãng phí không kém tham nhũng nên cần giải quyết triệt để. Cần quy định rõ trách nhiệm cá nhân đối với hình thức lãng phí này.
Ghi nhận ý kiến đóng góp tâm huyết của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng tham nhũng, lãng phí là vấn đề vô cùng hệ trọng mà trong văn kiện của Đảng, Nhà nước đều nêu. Nếu khắc phục không tốt, nạn tham nhũng sẽ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ, đe dọa sự lãnh đạo của Đảng và giảm sút lòng tin trong nhân dân vào Đảng, vào chế độ. “Nói đến mức đó là hết sức nghiêm trọng rồi nên những cuộc gặp gỡ như thế này, khi cô bác, anh chị góp ý kiến thì chúng tôi hết sức hoan nghênh và cảm ơn”, Chủ tịch nước bày tỏ. Theo Chủ tịch nước, việc quy trách nhiệm cá nhân trong công tác phòng chống tham nhũng văn bản không thiếu, vấn đề là việc thực hiện không đủ nghiêm minh.
“Trong cuộc sống thực tế, tôi thấy rằng như thế này, đối với dân thì phải chân thành, đối với Đảng phải thật thà. Có lỗi là phải nhận, phải sửa, dứt khoát phải sửa. Những ai đó có lỗi mà không nhận, không sửa sẽ mất uy tín; còn những ai có lỗi dám nhận, dám sửa thì nhân dân sẽ hết sức tha thứ” - Chủ tịch nước bày tỏ. Chủ tịch nước đề nghị các đại biểu hãy gia tăng chất vấn, bên cạnh đó, phát huy sự giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội.
Theo Chủ tịch nước, nhược điểm lớn nhất trong công cuộc chống tham nhũng là chúng ta sử dụng tiền mặt chiếm tỷ trọng quá lớn nên rất khó kiểm soát được tham nhũng. Việc này đang tính toán dần nhưng quá trình này diễn ra còn chậm. “Đây là vấn đề khó nhưng nói như vậy không phải là bó tay. Kê khai tài sản thì năm nào cũng làm nhưng vấn đề là công khai đến mức độ nào và kiểm soát ra sao. Đây là điều hết sức đáng lo”, Chủ tịch nước phát biểu.
Theo Chủ tịch nước, muốn cải cách triệt để chế độ tiền lương thì không thể nào tách rời vấn đề tổ chức, cải cách, đổi mới hệ thống tổ chức bộ máy, nói rộng hơn là hệ thống chính trị. Đây là vấn đề rất hệ trọng nên phải chờ.
* Cùng ngày, tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 4 TPHCM tiếp xúc với các cử tri quận 5. Cử tri Quang Trung, phường 13 thẳng thắn đi sâu phản ánh những tồn tại trong việc ban hành các văn bản pháp quy của cơ quan chức năng thời gian qua. Trong đó có nhiều quy định không được nhân dân ủng hộ hoặc đã quá lạc hậu, gây bức xúc trong dư luận. Để chấm dứt tình trạng này, Quốc hội cần giám sát về chấp hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để chấn chỉnh, tăng cường mức độ răn đe cho phù hợp. Cử tri Nguyễn Vĩnh Xuyên, phường 3, đề nghị: “Đại biểu Quốc hội phải là tấm gương chuẩn mực, trọng thị dân, hiểu lòng dân, nói ít, làm nhiều mà phải làm cho có hiệu quả”…
Thay mặt tổ đại biểu, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải cam kết sẽ tiếp tục nêu cao ý thức phục vụ nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tập trung giải quyết những lợi ích chính đáng của nhân dân. Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cũng mong mỏi các cử tri cần tăng cường giám sát cán bộ, đảng viên trong thực thi chức trách, nhiệm vụ để chấn chỉnh cho được tình trạng xa dân, xa cơ sở, biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ.
| |
VÂN ANH - HỒNG HIỆP