Buổi tọa đàm ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp đi vào từng vấn đề, nội dung cụ thể. Trong đó, các đại biểu đề xuất cơ chế cụ thể để khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, có tư duy đột phá, muốn có giải pháp tháo gỡ, giải quyết những nút thắt, điểm nghẽn trong cơ chế. |
Ngày 14-6, Học viện Cán bộ TPHCM phối hợp cùng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM tổ chức tọa đàm “Cụ thể hoá Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung tại TPHCM”.
Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.
Chủ trì tọa đàm: PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM và Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Thái Thị Bích Liên.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: THU HƯỜNG
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh, Kết luận 14 có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng và phát huy đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Để triển khai thực hiện, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã xây dựng Kế hoạch số 124.
Đồng thời đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Để đóng góp cho việc cụ thể hóa Kết luận 14, đồng chí Nguyễn Hồ Hải yêu cầu buổi tọa đàm tập trung góp ý dự thảo quy trình triển khai, trong đó thảo luận kỹ cơ chế bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo.
Theo đồng chí, một nội dung rất quan trọng trong Kết luận 14 là xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để cố tình làm sai. Đồng thời yêu cầu tọa đàm thảo luận, phân tích, có giảm pháp phân biệt lằn ranh này và có cơ chế giám sát.
“Có đồng chí nói lằn ranh giữa sáng tạo và vi phạm rất mong manh. Do đó, buổi tọa đàm cần tập trung bàn kỹ cơ chế nào để bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”, đồng chí Nguyễn Hồ Hải yêu cầu và gợi ý thảo luận thêm giải pháp để có thể đo lường kết quả sáng tạo của cán bộ, từ đó làm cơ sở để bổ nhiệm cán bộ.
PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM chủ trì tọa đàm. Ảnh: THU HƯỜNG
Chủ trì buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý đề xuất các giải pháp để các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị cụ thể hóa Kết luận số 14 và Kế hoạch số 124-KH/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.
Cụ thể, trao đổi tại buổi tọa đàm, TS Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ TPHCM cho rằng, đổi mới sáng tạo là động lực phát triển của tất cả các nước không riêng nước ta nhưng với tình hình hiện nay, sự sáng tạo đang bị trùng lại. Do đó, việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận 14 là rất cần thiết.
TS Nguyễn Việt Dũng góp ý, cần tập trung vào quy trình hướng dẫn cách làm một cách cụ thể. Ở đó, tập trung vào các điểm nghẽn mà pháp luật chưa có quy định hoặc quy định đã có nhưng không còn phù hợp. Ngoài ra, nên đưa thêm vào quy trình hướng dẫn có nội dung bồi dưỡng kỹ năng, văn hoá đổi mới sáng tạo bởi thực tế, các đơn vị rất ngại tham mưu, thực hiện các nội dung không có trong các thông tư, quy định.
Góp ý thêm, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Trần Văn Bảy cho rằng, hiện nay cán bộ tham mưu lo lắng khi tham mưu các sự vụ hàng ngày, nhất là những sự vụ có sự mâu thuẫn trong pháp luật. Điều này cán bộ làm công tác tham mưu rất cần có giải pháp để tháo gỡ, yên tâm thực hiện nhiệm vụ, chức trách tham mưu cho lãnh đạo.
Đồng thời cho rằng cần có cơ chế giải quyết chuyện cũ, những chuyện đang tồn đọng. Song song đó, rà soát các quy định của Đảng để cập nhật các quy định mới của Kết luận 14 để hoàn thiện, có sự tương đồng các quy định của Đảng, nhất là trong công tác kiểm tra.
Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Trần Văn Bảy phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: THU HƯỜNG
Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM góp ý thêm về biện pháp xử lý là yếu tố rất được quan tâm và cần được khẳng định cụ thể. “Nếu động cơ trong sáng thì phải khẳng định là không hình sự hoá, bởi “bóng ma” hình sự cứ lởn vởn thì rất khó để động viên cán bộ sáng tạo. Cùng với đó, cần tính toán luôn mức độ xử lý cụ thể”, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM nhấn mạnh.
Dẫn chứng cụ thể ở địa phương, Chủ tịch UBND quận 8 Trần Thanh Tùng cho biết, dù có quy định nhưng khi tham mưu, triển khai thực hiện thì cán bộ vẫn loay hoay, chuyển qua chuyển lại. “Có quy định mà cán bộ vẫn sợ sai thì rất khó để cán bộ năng động sáng tạo”, Chủ tịch UBND quận 8 nêu thực tế.