Tổng lượt khách đến Đà Nẵng năm 2016 đạt hơn 5,5 triệu lượt, tăng 18,4% so với năm 2015; trong đó khách quốc tế đạt 1,67 triệu lượt, tăng 32,4% so với năm 2015. Tổng thu du lịch đạt 16.082 tỷ đồng, tăng 25,4% so với năm 2015.
Dự kiến năm 2017, thành phố Đà Nẵng sẽ đón được 6,5 triệu lượt khách, trong đó có hơn 2 triệu lượt khách quốc tế.
Tính đến tháng 9-2017, tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố có 653 cơ sở lưu trú, với 25.756 phòng. Tổng số đơn vị kinh doanh lữ hành trên địa bàn thành phố là 313 đơn vị; thành phố có trên 3.158 hướng dẫn viên, 730 xe đạt chuẩn phục vụ du lịch.
Hiện thành phố Đà Nẵng có 83 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch dịch vụ với tổng vốn đầu tư khoảng 7,3 tỷ USD (tương đương 153.000 tỷ đồng).
Sản phẩm du lịch thành phố ngày càng được hoàn thiện, đầu tư nâng cấp với các sản phẩm mới như: quần thể du lịch sinh thái Bà Nà - Suối Mơ, Bán đảo Sơn Trà, các khu du lịch Hòa Phú Thành, Helio, Công viên Núi Thần Tài, Công viên Châu Á...
Công tác xúc tiến quảng bá đã được quan tâm cả ở trong nước và nước ngoài, hàng năm thành phố tổ chức các sự kiện lớn: Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, cuộc thi marathon quốc tế, Cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race, Khai trương mùa du lịch biển, Đà Nẵng – Điểm hẹn mùa hè, Đại hội Thể thao bãi biển châu Á...
Công tác đảm bảo môi trường du lịch tiếp tục được giữ vững, đảm bảo về an ninh, an toàn, nhiều mô hình mới được đưa vào hoạt động hiệu quả tạo tâm lý an tâm cho du khách (Mô hình Trung tâm hỗ trợ du khách, Đội cứu hộ biển, thành lập lực lượng chống chèo kéo khách du lịch, Tổ phản ứng nhanh).
Nguồn nhân lực du lịch được từng bước bổ sung và tăng cường đã phần nào đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh của ngành du lịch.
Thời gian qua điểm đến Đà Nẵng đã được nhiều du khách, doanh nghiệp, các tổ chức du lịch, các tạp chí, trang mạng chuyên về du lịch trên thế giới bình chọn và đánh giá cao, đặc biệt là năm 2016, thành phố Đà Nẵng nhận được giải thưởng danh giá “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á” đã góp phần định vị hình ảnh và từng bước khẳng định vị trí thương hiệu du lịch thành phố Đà Nẵng tầm quốc tế.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Quang Vinh, hoạt động du lịch vẫn còn những khó khăn, thách thức đó là: các dự án quy hoạch điểm xây dựng cầu tàu, bến du thuyền đã có, tuy nhiên các dự án chậm triển khai, ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của du lịch đường sông; thiếu chính sách ưu đãi đầu tư phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí, nhất là giải trí về đêm, khu mua sắm và ẩm thực quy mô lớn; nguồn nhân lực du lịch vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển hiện nay; sự phát triển nhanh của hệ thống khách sạn, condotel, một số thị trường khách tăng nhanh đã có những phức tạp quá tải, không đáp ứng kịp về cơ sở hạ tầng và nhân lực, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch còn hạn chế đã phần nào ảnh hưởng đến môi trường du lịch của thành phố…
Ngành du lịch sẽ tập trung phát triển du lịch vào chiều sâu, hình thành các sản phẩm du lịch mới, có sức cạnh tranh cao. Ưu tiên phát triển theo 3 nhóm sản phẩm chính: Nhóm sản phẩm du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; Nhóm sản phẩm du lịch mua sắm, hội nghị hội thảo (MICE); Nhóm sản phẩm du lịch văn hoá, lịch sử, sinh thái, làng quê, làng nghề, Đa dạng hóa sản phẩm du lịch bổ trợ như du lịch tâm linh, du lịch văn hóa - ẩm thực, chữa bệnh - làm đẹp, du lịch thể thao giải trí biển... Nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo môi trường du lịch an ninh, an toàn, sạch đẹp, thân thiện và mang tính bền vững. Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực du lịch có kỹ năng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách, gắn hoạt động đào tạo của nhà trường với thực tiễn của doanh nghiệp, xã hội.
Mục tiêu đến phấn đấu đến năm 2020 đón 9 triệu – 9,5 triệu khách du lịch, trong đó 3-3,5 triệu khách quốc tế và hơn 6 triệu khách nội địa. Tốc độ tăng trưởng về lượng khách bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2020 đạt 14-16%. Tổng thu du lịch đến năm 2020 phấn đấu tổng thu du lịch đạt 36.400 tỷ đồng, tăng bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2020 từ 22-24%, tạo việc làm cho 85.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch.