Dịch Covid-19, ngay khi vào Italy, đã chọn thời điểm vàng ủ bệnh - tháng 2 khắp Bắc Italy tràn ngập lễ hội hóa trang, tuần lễ thời trang, giải bóng đá C1, mùa extra sale, hội chợ các ngành da, mắt kính, du lịch... Du khách đổ về Milan rất đông. Là một hướng dẫn viên du lịch, tôi hiểu sâu sắc tại sao Italy trở thành ổ dịch lớn thứ hai của thế giới.
Phải kể thêm yếu tố nữa, đây là nơi có mật độ dân số rất cao, tỷ lệ người già cũng nhiều. Hàng ngày, từ 8 - 9 giờ sáng, hoặc 11 - 12 giờ trưa, các phương tiện công cộng thường chật ních người cao tuổi. Họ ra ngoài uống cà phê với bạn bè, đi bưu điện thanh toán hóa đơn. Từ bao đời nay, lối sống của người Italy là tụ tập ở các quán xá, nhà hàng. Không lễ hội thì bóng đá. Không tiệc tùng thì hẹn hò. Những thói quen này là một cửa ngõ nữa để dịch Covid-19 âm thầm xâm nhập rồi bùng lên như bão.
Không thể vội vàng kết luận Chính phủ Italy thiếu cương quyết, ngành y tế yếu kém. Phải nói hệ thống y tế của Italy rất tốt và nhân đạo. Như tôi đã nói, dịch Covid-19 đã âm thầm xâm nhập sâu và rộng, địch đã vào nhà rồi rất khó đánh. Hơn nữa, đây là chủng virus mới, các bác sĩ còn chưa hiểu ngay được và cần thời gian để ứng phó. Italy là nước đầu tiên tại châu Âu từ 30-1-2020 đã không tiếp nhận các chuyến bay từ Trung Quốc. Vùng Codogno và Lodi lập tức bị phong tỏa, các chốt ra vào có quân đội kiểm soát. Trường học đóng cửa từ 23-2. Nhưng dịch bùng quá nhanh, Italy đã không kịp trở tay.
Ngày 25-2 cả nhà tôi về San Remo nghỉ, vì con gái không phải đi học. Nhưng đến 4-3 chúng tôi quyết định quay lại Milan. Thú thực, chúng tôi đã ngồi bàn về khả năng xấu nhất có thể xảy ra. Bố mẹ chồng tôi vẫn đang ở Milan, chồng tôi là con một. Nếu có chuyện gì, về Milan chúng tôi vẫn chủ động hơn. Lúc này số ca nhiễm và số người chết ở Bắc Italy đang tăng cao.
Chiều thứ bảy 7-3, khi thủ tướng còn đang soạn thảo lệnh phong tỏa 11 thành phố phía Bắc đất nước, mọi người đã nháo nhào mua đồ tích trữ. Milan hút nhiều lao động các tỉnh. Vì thế, lượng người tìm cách rời khỏi Milan để về phía Nam tối ấy cũng rất nhiều.
Sau đó lệnh phong tỏa nghiêm ngặt hơn, du học sinh Việt rất vất vả tìm đường về nước. Đến 10-3, thủ tướng ban lệnh phong tỏa toàn quốc, hạn chế chuyến bay. Chỉ khi cần thực phẩm tôi mới đi siêu thị cho cả tuần, rồi về ngay. Siêu thị vẫn đầy đủ hàng hóa, nhưng phải xếp hàng khoảng 10 người/lần, đứng cách nhau 1m. Đang mùa trái cây tươi, tôi mua nhiều cam, chanh, quýt để bổ sung khoáng chất những ngày này.
Bố mẹ chồng tôi đã 85 tuổi và sống riêng. Họ vẫn tự làm mọi việc. Trước dịch, cuối tuần ông bà hay đón cháu về chơi. Khi công bố dịch, ông bà chủ động không gặp con cháu nữa, chúng tôi cũng không lên nhà ôm hôn ông bà. Thói quen lập tức thay đổi. Mẹ chồng tôi không đi lễ nhà thờ, bố chồng không đi dạo hoặc ra quán cà phê nữa. Ông bà cũng ngồi may khẩu trang y tế. Hiện giờ họ vẫn ổn, ngày nào cũng gọi điện cho tôi hai lần.
Khu tôi ở cũng rất nhiều người già. Trên các ban công chăng nhiều băng rôn hình cầu vồng, mang ý nghĩa “Mọi việc sẽ ổn” - câu nói dân Italy hay dùng trong cuộc sống để an ủi nhau. 18 giờ hàng ngày, truyền hình thường cập nhật tin tức dịch bệnh, nhưng dân cư khu tôi lại chọn bật các bài hát vang khắp sân chung để giữ tinh thần lạc quan. Người Italy phần lớn theo đạo Thiên chúa giáo, đám tang cũng là lễ lớn trong cuộc đời. Không có chuyện các xác chết chỉ được bọc vải như báo chí, kể cả báo chí châu Âu đưa tin. Hiện giờ lượng người chết nhiều nhưng công việc bảo quản xác, mai táng vẫn đúng quy trình, chỉ phải đợi lâu hơn mà thôi.
Gia đình tôi thỉnh thoảng vẫn đứng trước nhà thờ 200m để cầu nguyện bình an. Tình hình bây giờ có khả quan hơn một chút. Nhưng các sắc lệnh mới vẫn ban hành mỗi ngày và chính phủ phải ra biện pháp mạnh hơn vì dân chúng chưa hoàn toàn tuân thủ nghiêm ngặt. Dẫu sao, tôi vẫn tin chúng ta sẽ vượt qua đại dịch này.