Tình cha

Tình cha

Chiếc Dream II của ông bưu tá xã đem tin nóng kết quả từ các trường đại học, cao đẳng về với các cô tú, cậu tú làng Bòng đang từ ngã ba rẽ về xóm chùa. Chẳng biết hôm nay ông đem vui hay buồn đến cho cô, cậu tú nào đây? Hình như chiếc xe rẽ vào lối nhà cô Hà con ông Lượng thì phải?

Minh họa: K.T

Minh họa: K.T

Lúc này ruột gan Hà nóng như lửa đốt. Cô đang thẫn thờ trước hiên nhà, đôi mắt buồn dõi nhìn xa xăm ra cánh đồng rộng trước mặt. Mấy ngày nay cô đứng ngồi không yên. Chiều nào Hà cũng đứng ngóng chờ người đưa thư có vào nhà mình. Các bạn Hà nhiều đứa đã nhận được giấy báo nhập trường không đại học thì cao đẳng. Hà thì vẫn biệt vô âm tín. Hà bắt đầu hoang mang, thất vọng. Cô không muốn ra khỏi nhà, chỉ sợ gặp các cô các bác hỏi. Cháu có đỗ đại học không? Còn lũ bạn sẽ hỏi. Mày nhận được giấy báo đỗ chưa? Như vậy thì ngượng lắm. Biết trả lời mọi người thế nào…

Bỗng có tiếng xe máy rồ lên ngoài đầu ngõ. Hà giật mình. Có phải ông bưu tá đang vào cổng? Trong khoảnh khắc, tim Hà đập rộn như trống làng, lòng khấp khởi vừa mừng vừa lo, cô thầm cầu khấn trời đất phù hộ. Ông bưu tá sẽ đem đến cho cô mọi điều tốt lành.

Ông bưu tá dừng xe giữa sân, ngước nhìn Hà hỏi:

- Có phải cháu là Hà?

- Dạ, cháu đây ạ!

Ông bưu tá hể hả:

- Có giấy báo nhập trường đại học của cháu đây! Chúc mừng cháu nhé!

 Hà từ trên hiên lao xuống, vội đưa đôi bàn tay run run đón đỡ tấm bì thư:

- Cháu cảm ơn bác ạ!

Người bưu tá giơ tay vẫy chào Hà rồi quay đầu xe đi ra cổng. Hà cầm phong thư chạy vụt vào trong nhà, chân cô cứ díu lại, lập bập suýt ngã. Cô ngồi phịch xuống ghế, hồi hộp đến nín thở bóc vội bì thư, rút từ bên trong ra một tờ giấy có con dấu tròn đỏ tươi. Cô mắt lướt nhanh dòng tít in đậm: Giấy báo nhập trường của Khoa Hóa Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hà sung sướng đến lặng người, cô ấp tờ giấy vào ngực, ngửa mặt lên trời, hai hàng nước mắt như hai giọt ngọc long lanh lăn trên đôi má hồng bầu bĩnh. Phút xúc động qua đi, Hà bình tĩnh trở lại, cô chạy vào trong buồng nơi bố Lượng đang nằm. Bố Lượng của cô vừa trải qua cơn động kinh kích động vật vã kéo dài do vết thương sọ não tái phát. Hà nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh bố. Ông Lượng đang ngủ. Đôi môi vẫn khô nhợt nhạt còn đọng nụ cười rất tươi đầy mãn nguyện. Có lẽ một giấc mơ đẹp đang về. Hà ngắm người cha yêu quý của mình rất lâu. Cô bật khóc vì thương cha, vì xúc động... Hà hình dung khi mẹ đi làm về biết con đỗ đại học, mẹ sẽ vội vứt quang gánh chạy vào ôm ghì lấy cô. Và… khi bố Lượng cô tỉnh dậy sẽ sung sướng, hạnh phúc biết nhường nào...

Hà thầm gọi: “Bố ơi! Con gái không phụ lòng bố. Con đã thực hiện được ước vọng của bố rồi. Từ nay bố sẽ vui, sẽ khỏi bệnh bố nhé..!”.

Khác với bạn bè cùng trang lứa, Hà chìm chặn, có gương mặt thoáng buồn, hình như ở cô mọi niềm vui, nỗi buồn đều kín đáo lặn vào bên trong chiều sâu lắng của tâm hồn. Tụi bạn thường bảo Hà: “Mày cứ như bà cụ non ấy”. Hà không giận, chỉ mỉm cười quấy quá cho xong. Cô là con gái lớn trong gia đình, sau cô còn một cậu em trai, thằng Hoàng đang học lớp chuyên toán trường phổ thông trung học huyện. Bố Lượng của Hà là một thương binh nặng. Ông nhập ngũ năm 1974 và bị thương ở biên giới Tây Ninh năm 1979. Vết thương do mảnh cối phạt làm khuyết đi một phần xương sọ, được cấp cứu điều trị kịp thời, da đầu khâu phủ kín vết thương đã lành sẹo. Sờ tay lên vết thương cũ là thấy ngay tổ chức não dưới lớp da mềm nhũn, bình bịch như nhịp tim đập.

Sau điều dưỡng, anh thương binh Nguyễn Văn Lượng xuất ngũ về quê với tấm sổ thương tật loại 2/4. Nhưng vết thương sọ não để lại di chứng bằng những cơn động kinh. Mỗi khi lên cơn anh bị co giật kéo dài hàng tiếng đồng hồ, toàn thân co cứng, sùi bọt mép, hai mắt trợn ngược, có khi răng cắn chặt vào lưỡi làm chảy máu. Sau cơn động kinh anh mệt rã rời, không ăn được, lử khử hàng tháng mới hồi phục. Vì thế anh Lượng không muốn lấy vợ. Người thân giục giã, anh bảo: “Mình đã khổ thì chịu một mình, không muốn người khác khổ lây”. Mãi đến năm 1985, số phận xui khiến thế nào anh lại tình cờ gặp Na là em gái một người đồng đội trong buổi họp mặt đồng ngũ. Hôm ấy Na đến giúp các anh công việc hậu cần. Na mới ngoài hai mươi, có khuôn mặt trái xoan dễ thương, làn da trắng hồng, dáng người cao ráo, thanh thoát, chân trái đi hơi tập tễnh do bị teo cơ. Lên năm tuổi, cô bé Na bị sốt cao co giật, y tá xã tiêm thuốc vào mông, chạm phải dây thần kinh làm teo cơ gây tàn tật từ đấy. Sau cuộc gặp gỡ, được anh em đồng đội động viên, vun vén cho hai người nên vợ nên chồng. Chẳng biết họ có kế hoạch không mà 7 năm sau mới sinh được Hà là con gái đầu lòng. 3 năm sau lại có thêm cu Hoàng. Đời sống kinh tế của họ bắt đầu khó khăn. Vợ chồng Lượng, một người thương binh nặng, một người tàn tật với hai con nhỏ nên phải xoay lộn đủ cách làm kinh tế. Lưng vốn chẳng có là bao, chỉ đủ cho ông sắm được cái vó bè đặt ở ngã ba con sông đào chạy qua cánh đồng xóm Chùa. Đêm ông cất vó, ngày đi làm thuê cho người ta. Ông làm bất cứ việc gì, từ cày bừa, cuốc ruộng, lấy bùn ao đến việc đốn cây, bổ củi, rào dậu… Bà Na thì lo quán xuyến mấy sào ruộng khoán sản cốt đủ thóc ăn quanh năm.

Ao hồ, sông ngòi rồi cũng cạn kiệt dần các loài thủy sản tự nhiên, do con người sử dụng nhiều loại hóa chất diệt cỏ, trừ sâu. Cùng với nông thôn càng ngày càng áp dụng khoa học tiên tiến, đưa các loại máy móc vào lao động sản xuất nên ít người thuê mướn ông làm những việc xưa nay ông thường làm. Hai chị em cái Hà cũng lớn dần và học lên các cấp. Chi phí cho con cái ăn mặc, học hành ngày càng tốn kém hơn, kinh tế gia đình càng khó khăn. Được cái cả hai đứa con ông đều ngoan ngoãn, thông minh, học giỏi. Ông bà Lượng phải tính toán, chắt chiu dè xẻn. Bữa ăn hàng ngày chỉ đạm bạc rau mắm. Thi thoảng mới được bữa tôm cá tươi do ông cất vó được. Dẫu khó khăn đấy, ông Lượng vẫn quyết tâm bằng bất cứ giá nào cũng cho con ăn học.

Ông nói với vợ: “Đời mình nghèo, vất vả vì ít học. Bây giờ phải hy sinh bằng mọi giá cho con cái học hành nên người...”. Vài năm gần đây ông nghiễm nhiên trở thành người chuyên bốc mộ thuê. Ông bất chấp mọi công việc nặng nhọc và sự mặc cảm từ bên ngoài. Miễn là làm được đồng tiền nuôi hai con ăn học. Ông còn nhận thầu lâu dài của địa phương hàng mẫu ruộng chiều trũng ngoài chân đê. Vay vốn ngân hàng thông qua tổ chức cựu chiến binh để đào ao lập vồng trồng cây ăn quả đặc sản, thả cá, chăn nuôi lợn gà... Cả nhà ngày đêm quay lộn với cái trang trại nhỏ ấy. Chị em cái Hà cũng ý thức được hoàn cảnh gia đình, chúng không trách cứ cha mẹ, không mặc cảm với bản thân, động viên nhau vượt khó vươn lên trong học tập, lao động.

Cách vài tháng ông Lượng lại lên cơn động kinh do vết thương tái phát. Nằm viện nhiều cũng chán. Ông đâm liều, tự điều trị tại nhà. Bà Na nghe ai mách ở đâu có thầy lang chữa động kinh giỏi lại chắt chiu từng đồng đi lấy thuốc cho chồng...

Hà lấy khăn mặt ướt thấm nhẹ những giọt mồ hôi đọng trên trán bố Lượng. Ông Lượng khẽ trở mình, từ từ mở mắt, ngơ ngác nhìn xung quanh. Có lẽ ông đã định hình được nơi ông đang nằm sau một thoáng bâng khuâng. Ngồi bên cạnh ông là cô con gái yêu quý. Như sực nhớ ra một điều rất quan trọng, ông mỉm cười hỏi Hà:

- Con đã có kết quả thi đại học chưa?

Hà nhìn bố gật đầu âu yếm:

- Bố ơi! Con có giấy báo nhập Trường Đại học Sư phạm Hà Nội rồi ạ!

Hà đặt tờ giấy báo nhập trường vào lòng bàn tay bố. Sung sướng đến bất ngờ, ông Lượng quên cả mình đang đau phải nằm bất động, bật ngồi dậy, dang rộng cánh tay ôm con gái vào lòng. Từ đôi khóe mắt thâm quầng, những giọt lệ mừng vui tràn qua bờ mi, lăn dài xuống đôi gò má cao rám nắng.

ĐỖ TUẤN TƠN (Hải Dương)

Tin cùng chuyên mục