Tình Hậu Giang

1.
Tình Hậu Giang

Vùng hữu ngạn sông Cửu Long chạy dài xuống mũi Cà Mau, đầu thế kỷ 20 người ta gọi là miệt Hậu Giang. Đây là vùng đất khai mở muộn màng nhất trong lịch sử khai phá Nam bộ. Chính các yếu tố “sơ khai” ấy, cộng với hoàn cảnh lịch sử, địa lý,... làm cho con người miệt Hậu Giang thể hiện một cách đậm đà hơn, rõ ràng hơn cái khí chất hào hiệp, phóng khoáng của người Nam bộ.

1. Cũng không xa lắm, hồi mới giải phóng miền Nam năm 1975 đây thôi mà lối sống của nhiều gia đình, nếp sinh hoạt của nhiều làng xóm ở Bạc Liêu so với bây giờ rất khác xa. Tôi có người cô ruột, nhà ở xã Vĩnh Trạch, thị xã Bạc Liêu. Hồi đó, gia đình cô tôi là một gia đình có địa vị trong làng, nhà kê tán ba căn, hai chái; ruộng có đến hơn 100 công; hàng chục đôi trâu; hơn ngàn con vịt đẻ; mấy khẩu đìa, mỗi năm tát thu mấy ngàn ký cá,...

Sau giải phóng, vì là gia đình liệt sĩ và có công nuôi chứa cán bộ trong kháng chiến nên dượng tôi được làm Trưởng ban Nhân dân ấp. Kể từ đó, nhà cô tôi biến thành công sở. Hồi đó, sao mà hội họp liên miên, họp để phân phối vải vóc, nhu yếu phẩm; họp để bàn chuyện vào tập đoàn; họp để xử vụ cha này lấy mẹ kia,... Thế là, cán bộ trên huyện, trên xã xuống ăn dầm, nằm dề; cán bộ ấp tề tựu, dân tình kéo đến.

Tình Hậu Giang ảnh 1

Sông nước Hậu Giang.

Hầu như tháng nào trong nhà cô tôi cũng đến 25 ngày có khách, cứ ì ì, đùng đùng quanh năm. Có khách thì phải ăn, nhậu. Cứ tới bữa là cán bộ nữ vào xúc gạo nấu cơm, cán bộ nam đi đổ nò bắt cá, tép, không có thì bắt vịt hay lấy trứng vịt trong cần xé để làm thức ăn. Nhiều người dân trong ấp đến hội họp, chờ mua vải vóc trễ bữa cơm cũng cứ lấy chén mà ăn, bất luận quen – lạ, cứ tự nhiên như ở nhà mình.

Một mâm cơm dọn dài từ nhà trước ra nhà sau đủ cho 30 – 40 thực khách. Cứ 5 – 7 ngày là phải chở lúa đi chà gạo. Cô tôi làm mỗi năm 1.500 – 2.000 giạ lúa mà chẳng thấy đem bán. Một điều lạ là quanh năm suốt tháng không thấy gia chủ buông một tiếng than, một cử chỉ khó chịu trên khuôn mặt. Cứ giống như là chuyện tự nhiên phải thế, là nếp sống của gia đình không thể thay đổi được. Ai hỏi thì dượng tôi bảo: “Nhà đông khách thì vui! Lúa trong bồ có sẵn, cá mắm đầy dưới đìa, có hao tốn gì đâu”. Nhiều người không biết bảo rằng, cô dượng tôi “nhiệt tình cách mạng”, thật ra đó là cách sinh hoạt bình thường của nhiều gia đình nông dân miệt Hậu Giang xưa.

2. Trong ký ức tôi vẫn còn bổi hổi những mùa vui. Đó là khi gió chướng sồng thổi về, đưa cái hương lúa chín ngập ngụa trời đất. Ta nghe dưới sông Bạc Liêu có ai hò: “Bớ ghe sau chèo mau tôi đợi/Khúc sông này bờ bụi khó qua”, đó là lúc dân miệt Tiền Giang đổ về Hậu Giang gặt mướn, ghe trước nối đuôi ghe sau, xóm làng nào ven sông Bạc Liêu cũng có họ. Là người quen cả đấy thôi, năm ngoái gần Tết gặt xong họ về thì năm nay họ lại xuống.

Dân quê tôi gọi là “bà con miệt vườn” chứ không ai gọi là “khách thương hồ”, là “dân gặt mướn miệt trên” như bây giờ. Mỗi chiếc ghe chở năm ba dân công ghim mũi ghe đúng vào nhà quen của mình năm trước, mang lên tặng gia chủ một ít trái cây miệt vườn. Thế là mừng mừng, tủi tủi rồi vui vẻ nhậu nhẹt suốt đêm. Người sở tại lại thực hiện cái nghĩa vụ của mình một cách tự nhiên, bình thường như nếp sinh hoạt hàng ngày là lo chỗ ở, lo cơm nước cho khách suốt 2 – 3 tháng gặt.

Là dân gặt mướn mà được ngủ nhà trên, ăn cơm khách đàng hoàng. Thậm chí, có nhiều gia đình còn đi “vần” công gặt, giá cao và phụ gặt tiếp với bà con miệt vườn. Khi bà con miệt vườn gặt lúa mướn cho nhà mình trú ngụ thì không ai trừ tiền ăn, ở cả. Khi tôi lớn lên đã thấy mối quan hệ này hằn sâu thành nếp sinh hoạt của làng tôi rồi. Nó giống như những mối quan hệ mật thiết từ đời này sang đời khác. Và càng ngày càng mật thiết hơn. Khi hết vụ gặt, bà con Tiền Giang về vườn ăn Tết là buồn cả xóm. Người sở tại biếu họ một ít khô, một hũ mắm,... làm quà và hẹn nhau mùa gặt tới.

Xưa một chút nữa, nhà các địa chủ manh (ruộng nhỏ, manh mún, là địa chủ khai minh) của miền Hậu Giang làm một loại nhà ba căn, hai chái, kê tán, nhà trước bao giờ cũng có 2 – 3 bộ ngựa gõ dày 1 tấc để tiếp khách. Có một tính toán rằng: không gian tiếp khách của nông dân đồng bằng Bắc bộ chỉ chiếm 15% căn nhà nhưng ở vùng Hậu Giang đến 35%. Trong nhà của những người khá giả đó bao giờ cũng có khách, đặc biệt là thầy võ, thầy đàn ca tài tử, thầy lang, thậm chí cả thầy bùa Lỗ Ban.

Khách ở nhà được gia chủ têm trầu, mời dùng cơm rượu ngày 3 buổi. Một điều rất lạ là hồi đó ngay cả người bình dân cũng chứa khách trong nhà. Đó là những người đi làm hội kín, người từ miệt trên về khai khẩn lập nghiệp, người đi rao giảng đạo ở núi Thất Sơn,... đến trú ngụ. Chuyện chứa khách trong nhà 2 – 3 năm là chuyện bình thường, phổ biến của người Hậu Giang. Họ lấy lễ thâm giao đãi khách, chẳng những cơm rượu hàng ngày mà còn chỉ chỗ đất tốt cho khẩn hoang, cho mượn trâu làm mùa,... không bao giờ nghe ai nhắc đến chuyện tiền nong, gạo thóc.

Không phải chỉ có khách phương xa đến mà đối với người cùng xứ sở, người Hậu Giang cũng có những tình cảm chân thật, hết lòng. Chúng ta thấy ở rất nhiều xóm ấp, mấy tay nông dân gọi nhau bằng “ní”. Đó là bạn cùng tuổi kết giao. Đã là “ní” thì người ta lấy lễ anh em ruột đãi nhau. Con của “ní” này thì gọi vợ chồng của “ní” kia là “Từng bể, Từng má”.

Khi cưới vợ gả chồng thì “Từng bể, Từng má” được mời lên ngồi bàn giữa để cô dâu, chú rể lạy tạ ơn cùng lúc với cha mẹ. Nhà “ní” làm mùa thì dẫn trâu, vác bừa qua làm giúp; Nhà “ní” có đám thì chiều đã thấy vợ chồng con cái của “ní” sang phụ giúp sáng đêm.

Nếp sinh hoạt rất đẹp thường thấy ở nông thôn Hậu Giang còn tồn tại đến ngày nay là khi gia đình láng giềng có đám cưới (hoặc đám ma, đám giỗ) là cả xóm kéo đến từ buổi trước để tát đìa, che rạp, mượn bàn ghế, làm heo, mượn ghe xuồng,... Người ta đến giúp rồi nhậu nhẹt chia vui (đám cưới), chia buồn (đám ma) suốt đêm. Người quê có quan niệm rằng, khách đến càng lâu thì tình cảm càng mặn nồng. Tương tự như thế, láng giềng làm nhà là cả xóm kéo sang giúp đẽo cột, lợp nhà, dựng vách,... Những việc này, ngày xưa (đối với những loại nhà không cần kỹ thuật cao) không ai mướn làm bao giờ. Ngày nay, nhiều làng quê Hậu Giang vẫn còn tập quán này.

Xưa, hầu hết các làng xóm trồng lúa đều có vạn cấy, vạn phác. Đây là một hình thức vần đổi công để giúp nhau trong mùa vụ, để tập trung hát hò cho quên đời cần lao vất vả. Nhìn vào đó, chúng ta thấy người Hậu Giang “chung lưng đấu cật”, tình cảm láng giềng rộng mở, không so đo hơn thiệt.

Góp nhặt những điều kể trên tôi nhận ra chân dung một nông dân Hậu Giang hào hiệp phóng khoáng thật rõ ràng, cụ thể.

3. Vì sao con người Hậu Giang có những tố chất đó? Nhiều năm qua, tôi đã tự tìm hiểu để lý giải. Những tập quán đẹp của miền Hậu Giang vốn có nguồn cội của nó. Đây là vùng đất hoang mênh mông nổi tiếng “đồng chua, nước mặn” với những câu ca mà người khẩn hoang nghe đã “nổi da gà”. “Xứ nào ghê bằng xứ canh điền/Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh tựa bánh canh”: hay: “Chèo ghe sợ sấu cắn chưn/Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng sợ ma”. Đất địa đầy sương lam chướng khí, bệnh tật hoành hành. Một vài sử liệu cho thấy: năm 1882, khi tỉnh Bạc Liêu vừa được người Pháp thành lập, vào mùa mưa, ở các trường học có 2/3 học sinh phải nghỉ vì bệnh sốt rét rừng.

Nhiều làng mạc dân phải đốt nhà, bỏ cửa ly tán vì bệnh dịch tả, đậu mùa,... cho nên nông dân rất coi trọng các ông thầy lang, thầy bùa. Việc chứa thầy trong nhà để trị bệnh, trừ tà trở nên cần thiết. Tương tự, các ông thầy dạy chữ, thầy đàn ca tài tử, thầy võ,... được trọng thị, lưu giữ trong nhà cũng bởi hoàn cảnh sống lúc bấy giờ. Đó là đời sống mông muội do loạn lạc, cướp bóc triền miên. Năm 1882, Pháp chỉ dựng cho toàn vùng Bạc Liêu, Cà Mau số trường học đếm không đầy ngón tay. Trường lớp lợp bằng cây lá rừng, không có sách giáo khoa, chỉ có tờ Gia Định báo, tức Công báo được làng biếu cho để làm tri thức dạy học.

Đời sống tinh thần thì nghèo kiệt, mỗi năm vào dịp lễ Kỳ Yên, địa chủ rước một đám hát bội về hát đình là cả mấy làng kéo đến xem. Thế nên nông dân miệt Hậu Giang xưa rất đói và khát khao văn nghệ. Thế là họ rước thầy đàn ca tài tử về dạy để tự giúp vui cho nhau.

Miệt Hậu Giang đất rộng người thưa, thoạt đầu chính quyền chưa kiểm soát hết nên nhiều thành phần bất hảo đã tụ tập về đây, bao gồm: các đảng cướp, các tội nhân bỏ trốn, tội phạm bị câu lưu, bại quân của các loạn quân, kẻ bất mãn triều đình muốn về vùng này để xưng hùng; các đảng phái làm chính trị nửa mùa, cướp bóc nổi lên như rươi... Thế là, dân buộc phải học nghề võ để tự vệ. Từ đó hình thành nếp sống chứa khách trong nhà 2 – 3 năm của các gia đình nông dân Hậu Giang.

Một yếu tố nữa hình thành lối sống hiếu khách của người Hậu Giang là thuở khẩn hoang, dân đến đây chỉ khai thác cái có sẵn của rừng, biển như: đánh cá, làm khô hay vào rừng khai thác mật ong, sáp ong để bán cho thương thuyền Hải Nam hoặc đốn gỗ đước, tràm đi bán chứ ít ai làm ruộng, bởi ruộng rất khó làm vì đây là xứ nổi tiếng phèn chua, nước mặn.

Sau này, tài nguyên rừng, biển cạn dần, họ mới xoay qua làm ruộng và chọn các vàm sông nơi thuận tiện xổ nước, thoát phèn để làm. Thế nhưng, một gia đình đơn độc khai đất thì thật khó. Cấy 5 – 10 công ruộng giữa mênh mông đồng hoang thì chim, thú phá hết. Hơn nữa, ruộng là đồng cỏ cao đến bụng trâu, cần phải hợp sức của nhiều người mới phát nổi. Tương tự như thế, đất cứng phải cấy nọc, một gia đình không thể cấy 20 – 30 công ruộng.

Ở thoi loi một nhà giữa hoang vu thì sợ đạo tặc, cướp bóc vốn như rươi, hơn nữa đó là cái thời cọp vào tận nhà cõng người chạy, trên sông người ta treo đầy hình nộm ghi dấu nơi đây cọp vừa ăn thịt người... Thế cho nên, muốn khẩn hoang lập nghiệp trên đất mới phải cần nhiều người hợp sức,... Vì thế, thấy ai đến sau, lưu dân khẩn hoang Hậu Giang cũng mừng, mời gọi về nhà mình ở, nuôi ăn, cho mượn trâu làm,... để cùng khẩn đất. Hồi đó, người khẩn hoang từ Tiền Giang về đây bằng ghe, đậu đợi con nước tại các ngã ba sông.

Chỉ trong một đêm, dưới sông trên bờ hò đối đáp là nên nghĩa vợ chồng, nên tình thủ túc. Theo đó, làng xóm Hậu Giang càng đông thêm. Giữa người đến trước và kẻ đến sau hoàn toàn không có mâu thuẫn quyền lợi vì đất đai hằng hà, ai muốn phá bao nhiêu cũng có, cá mắm đầy ruộng, đầy mương, đãi nhau 1 – 2 năm chẳng thiệt hại gì, đến ở càng đông thì xóm làng càng an ninh, hỗ trợ tốt hơn trong công cuộc khẩn đất.

Một yếu tố nữa làm nên lòng mến khách của người Hậu Giang là họ đa phần đều xuất thân từ miệt Tiền Giang. Họ về đây là chạy trốn địa chủ hà khắc hoặc chạy trốn cảnh binh đao do người Pháp gây ra như Nguyễn Đình Chiểu từng mô tả: “Bến Nghé của tiền tan bọt nước/Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”... Nên khi gặp người ở Tiền Giang về là như gặp lại người cũ, gợi nhớ cố thổ, gợi thương đồng cảnh ngộ,... cho nên ra tay đùm bọc, giúp đỡ là chuyện của lòng người.

Lối sống trên cứ dày lên theo năm tháng để rồi hình thành một tập quán đẹp về tình hào hiệp, phóng khoáng.

Nói miệt Hậu Giang thể hiện tính hào hiệp, phóng khoáng đậm đà hơn các vùng khác của Nam bộ là vì Hậu Giang được khai mở sau cùng. So với miệt Tiền Giang kế cận thôi cũng đã sau hơn tới 100 năm rồi. Khi Hậu Giang đang trong giai đoạn tiền khẩn hoang thì Tiền Giang ruộng vườn đã thành khoảnh, xóm làng đã định hình, đã có những phong tục tập quán riêng và đã có nền văn minh miệt vườn.

Quá trình phát triển cho chúng ta thấy rằng vùng, miền nào càng có nền sản xuất cao, gần với đô thị, với công nghiệp hóa thì vùng miền đó sẽ bị phai nhạt dần những giá trị văn hóa truyền thống, các phong tục tập quán cũng bị xóa dần. Miền Hậu Giang được khai mở muộn màng nên còn lưu giữ được những giá trị đó.

Đất Hậu Giang toàn là những loài cây cỏ mộc mạc như bần, mắm, lá dừa nước,... không có những loài cây quí phái. Con người Hậu Giang thì chân quê, xưa một chút người ta gọi là dân đồng chua nước mặn, ngón chân nạm phèn. Người Hậu Giang ăn nói không có bài bản, văn chương, luôn thua thiệt các vùng, miền khác về phương pháp luận. Thế nhưng Hậu Giang có một thứ quí mà vàng ngọc, châu báu chưa chắc đã mua được đó là tình người rộng mở, hào hiệp. Tình cảm đó đã được xây đắp qua nhiều thế hệ nên nó thấm sâu và bền vững vô cùng.

Tôi gọi đó là tình Hậu Giang. 

PHAN TRUNG NGHĨA

Tin cùng chuyên mục