Tình thầy trò

T.Lộc
Tình thầy trò

- Em thưa thầy! Mắt nó hoe hoe đỏ, đứng lên, giọng dồn dập: “Em thưa thầy cho em nghỉ buổi này”.

Nguyên quay đầu lại, lại là nó, Vy, từ lúc trở thành giảng viên chính thức khoa Toán kinh tế của mái trường Kinh tế Quốc dân này, anh chưa bao giờ gặp một cô sinh viên nào như nó, ngang ngược, lười học, hay cúp tiết. Anh nhẹ nhàng:

– Không, em đã nghỉ hai buổi rồi, nếu còn nghỉ thêm buổi này nữa, tôi sẽ cho em nghỉ môn của tôi.

Mắt nó bắt đầu ầng ậng nước, nó nói rất nhẹ: “Thưa thầy, mẹ em bị tai nạn…”.

Quá quen với các lý do nghỉ học của nó, anh lạnh lùng:

– Tùy em thôi…

Nó vụt chạy ra khỏi lớp mà không nói gì thêm. Nguyên đứng đó, sững sờ với thái độ của nó. Rất nhanh, anh quay sang bảo cả lớp quay trở lại với bài học, nhưng trong đầu vẫn văng vẳng những tiếng nấc của nó: “Thưa thầy… mẹ em bị tai nạn… thưa thầy…”.

Đúng lúc đó, có tiếng chuông báo hiệu kết thúc bài học, Nguyên vứt vội viên phấn, anh lao về phía nhà xe dắt chiếc xe máy của mình ra, vội đuổi theo Vy, dáng nó nhỏ bé đang chạy hộc tốc phía trước:

– Vy, em lên xe nhanh thầy chở em đi.

Nó dừng lại một chút ngỡ ngàng, rồi leo lên xe ngay lập tức. Quệt nước mắt, nó nói: Bệnh viện đa khoa thành phố thầy ạ!

Nguyên đưa nó đến bệnh viện đa khoa thành phố, trong lúc anh còn gửi xe, nó đã chạy vọt lên phòng cấp cứu của mẹ, vừa bước vào phòng, các dì, các cậu nó đứng tản ra hai bên cho nó đi vào, mẹ nó đang nằm trong vũng máu. Nó ngỡ ngàng, rồi phút chốc, nó ôm chầm lấy mẹ, tất cả như vỡ òa: Mẹ! Mẹ! Mẹ ơi, sao lại thế này!

Dì nó ôm chặt nó từ phía sau, nói không ra tiếng: Mẹ con hấp hối rồi, nói lời gì với mẹ đi con!

Môi nó như gắn chặt, chưa kịp nói điều gì thì mẹ nó nhẹ nhẹ đưa bàn tay đầy máu lên lau nước mắt cho nó, môi mấp máy:

– Con gái, mẹ từ quê ra thăm con, con học hành có tốt không?

Nó lặng người, không biết nói gì thì một bàn tay rất ấm đặt lên vai nó:

– Em ấy học rất tốt cô ạ, cô cứ yên tâm.

Mẹ nó cười hiền, mắt từ từ nhắm lại, nói một câu suôn sẻ, nhẹ nhàng đến bất ngờ: Cố gắng lên con gái nhé, có mẹ luôn ở bên.

* * *

Ký ức về những năm tháng hạnh phúc chợt ùa về trong nó… Ngày đó… Gia đình nó là một gia đình hạnh phúc, không giàu có nhưng cũng đủ để nó tự hào về ba mẹ nó, tự hào về mái ấm nhỏ luôn tràn ngập tiếng cười của nó. Cuộc sống thay đổi kể từ khi người dân quê nó kéo nhau lên thành phố tìm việc, ba nó cũng không ngoại lệ. Ba nó vốn là người thông minh, có đầu óc, trước đây là giáo viên của một trường cấp 3 ở huyện nhưng vì bức xúc với cách làm việc của thầy hiệu trưởng nên ba nó xin nghỉ sớm.

Với cái đầu như vậy, ba nó nhanh chóng thăng tiến, được một công ty liên doanh ở Hà Nội tín nhiệm. Thế nhưng, sự tín nhiệm của công ty dành cho ba nó và sự thăng chức của ông cũng tỷ lệ nghịch với số lần về nhà thăm hai mẹ con của ba nó. Nó và mẹ vẫn luôn âm thầm chờ đợi và tin tưởng ba nó, cho đến ngày nó đậu vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân, sống ở thủ đô, thì nó mới biết được điều gì thật sự xảy ra. Ba nó đã bỏ mẹ con nó để sống với người đàn bà khác. Chán nản, nó không tin tưởng vào bất cứ thứ gì trên đời này nữa, nó sống để tồn tại, sống để mẹ nó biết rằng nó còn sống.

Ngày mẹ mất, tai nạn xảy ra, chính là vì bố nó đưa mẹ nó đơn ly hôn trên xe ô tô của bố nó. Giằng kéo, chiếc xe đâm vào biển chắn của một công trình. Mẹ mất, bố bị liệt hai chân, người đàn bà đó bỏ đi, bố quay trở về xin nó tha thứ nhưng làm sao nó có thể chấp nhận được. Dường như nó đã hận thù người đàn ông đó, nó luôn nghĩ rằng chính ông đã giết chết mẹ. Ba nó có tiền, nhưng nó thề không lấy một xu nào của người đó, nó tự tìm việc làm ở những tiệm cà phê, tự trang trải tiền học. Dự định của nó sẽ học chương trình thạc sĩ liên kết với Đại học Lyon của khoa, sau đó sẽ cố gắng để định cư lại Pháp…

Nước mắt chảy ròng, nó đau đớn nghĩ đến cuộc sống, đau đớn nghĩ đến mẹ nó. Như đọc được suy nghĩ của nó, Nguyên hỏi:

– Thế em có bao giờ nghĩ đến mẹ em không? Em có nhớ đến mẹ em đã dặn gì lúc hấp hối không?

Nén nước mắt, nó thổn thức:

– Có ạ, có chứ ạ, vì nghĩ đến mẹ nên em mới có thể gắng sống được đến bây giờ…

– Thầy giúp em được không? Coi như thầy cho em mượn tiền học, mai sau này hãy trả lại thầy, được không?

Nó đứng sượng, nhìn thầy, ở thầy luôn có cái gì đó rất cao thượng, rất đáng được tôn trọng. Các thầy cô luôn tạo cho nó một niềm tin, luôn có cái chất lãng mạn, suy nghĩ tích cực. Nó cúi đầu, tần ngần…

Nguyên cười hiền: “Em có thể yên tâm, đừng ngại gì cả, coi như là tôi đầu tư dài hạn với lãi suất cao mà mức rủi ro cũng tăng cao thôi mà”. Rồi mỉm cười thật nhẹ, chờ câu trả lời của nó.

– Có thể được hả thầy? Thầy có tin tưởng em không? Thầy không sợ sau này em bỏ chạy sao ạ? Và nhất là, sau này em sẽ không trở về…

Nguyên cười lớn, anh trả lời: Tôi tin vào con mắt đầu tư của mình mà, hy vọng sẽ không bị lỗ!

Nó cũng mỉm cười, man mác buồn nhớ đến câu nói của mẹ nó: “Khi một cánh cửa khác đóng lại, nhất định sẽ có cánh cửa khác mở ra, chỉ cần con gái đừng quá chú tâm và hy vọng cánh cửa đang đóng mở ra mà quên đi tìm cho mình một cánh cửa khác”.

* * *

Ba năm sau, sân bay Nội Bài…

Có một thầy giáo trẻ và một người đàn ông đi xe lăn tiễn một cô sinh viên đi học thạc sĩ ở Pháp.

– Em có trở về không?

– Không thầy ạ, nơi đây không có gì để em luyến tiếc cả…!

Sửa lại cổ áo cho bố, nó bước đi, tay cầm chặt di ảnh của mẹ, quay bước, nước mắt rưng rưng. Chuẩn bị tháo sim ra, điện thoại nó bỗng nhiên báo có tin nhắn: “Đường dài và rộng, tuổi trẻ thênh thang, em cứ bay lên, nhưng hãy nhớ Việt Nam chờ em cống hiến, mái trường này chờ một người giảng viên tốt như em, có bố em chờ em. Thầy không tin nơi đây không có gì để em luyến tiếc… Và nhớ, em là cô sinh viên ưu tú nhất của tôi!”.

Nhòa nước mắt, nó bước đi… Để lại sau lưng những dòng lệ của ba nó, để lại sau lưng một người thầy đặt bao kỳ vọng lên vai nó, để lại sau lưng cả bầu trời Việt Nam…

Minh họa: T.Lộc

Minh họa: T.Lộc

* * *

Hơn hai năm sau…

“Đã rất lâu em không dám liên lạc với thầy. Em sợ, sợ sẽ không quên được quá khứ, sợ sẽ làm không tốt. Nhưng giờ em đã tốt nghiệp thầy ạ, em đã làm rất tốt, và khi cầm trên tay tấm bằng xuất sắc này, em thấy mình lớn lên rất nhiều. Em sẽ trở về thầy ạ, em đã suy nghĩ rất kỹ, chạy trốn không phải là cách tốt nhất. Cho dù ở Pháp, cho dù có di ảnh của mẹ thì người cũng luôn muốn em quay trở về. Đất trời rộng, em muốn quay về để tìm lại chính em. Thầy nói đúng, em không quên được Việt Nam, em còn bố em, còn thầy, còn bao thế hệ sinh viên cần phải dẫn dắt. Thầy có thể giúp em một lần nữa được không? Hướng dẫn em thủ tục và giấy tờ để làm giảng viên khoa mình thầy nhé? Có điều gì đó ngấm vào em để em thấy yêu khoa mình biết bao. Em còn phải chứng minh thầy đã không sai lầm khi đầu tư vào em nữa chứ. Thầy đón em ở sân bay được không ạ?”.

Nguyễn Thị Linh

Tin cùng chuyên mục