Báo SGGP phối hợp với Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM

Tổ chức giải thưởng “Doanh nghiệp xanh” lần thứ nhất

Tổ chức giải thưởng “Doanh nghiệp xanh” lần thứ nhất

Ngày 31-10, buổi họp báo giới thiệu giải thưởng “Doanh nghiệp xanh” lần thứ nhất đã được tổ chức trọng thể tại khách sạn Kim Đô, TPHCM. Đây là giải thưởng của UBND TPHCM do Báo SGGP và Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM phối hợp Sở Khoa học –công nghệ, Sở Công nghiệp, Ban Quản lý Khu chế xuất – khu công nghiệp TPHCM (KCX-KCN) tổ chức.

Tổ chức giải thưởng “Doanh nghiệp xanh” lần thứ nhất ảnh 1
Các đại biểu đóng góp ý kiến cho giải thưởng “Doanh nghiệp xanh”. Ảnh: MAI HẢI

Tham dự buổi họp báo có ông Dương Trọng Dật, Tổng Biên tập Báo SGGP, Phó ban chỉ đạo, Trưởng ban tổ chức giải; ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ, thành viên ban chỉ đạo; ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc thường trực Sở Tài nguyên-Môi trường, Phó ban tổ chức; bà Quách Tố Dung, Phó Giám đốc sở Công nghiệp, thành viên ban tổ chức; ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban Quản lý khu chế xuất-khu công nghiệp TPHCM, thành viên ban chỉ đạo.

Ban tổ chức giải cho biết, kinh phí để tổ chức giải thưởng “Doanh nghiệp xanh” lần thứ nhất này là 800 triệu đồng, chủ yếu lấy từ ngân sách. Tuy nhiên, giải thưởng cũng huy động sự đóng góp từ các hiệp hội ngành nghề, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp khác. Việc xét trao giải cho doanh nghiệp sẽ dựa theo các tiêu chí được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tổ chức giải thưởng “Doanh nghiệp xanh” lần thứ nhất ảnh 2
Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (Bình Chánh) vừa đưa vào hoạt động thêm nhà máy xử lý nước thải ở khu xử lý nước thải tập trung. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Các doanh nghiệp đoạt giải thưởng sẽ được cấp giấy chứng nhận, sử dụng logo “Doanh nghiệp xanh” để in trên bao bì sản phẩm, được giới thiệu thành tích về công tác bảo vệ môi trường trên Báo SGGP. Giải thưởng và giấy chứng nhận “Doanh nghiệp xanh” là sự hỗ trợ công bằng cho các doanh nghiệp, để các doanh nghiệp có thể tự tin xuất khẩu hàng hóa của mình với sự bảo chứng về công nghệ, quy trình sản xuất thân thiện với môi trường của mình.

Hạn chót nộp hồ sơ tham dự giải lần thứ nhất cho các doanh nghiệp là cuối tháng 11-2006. Ban tổ chức sẽ căn cứ theo hồ sơ, xem xét trên thực tế và kiểm tra tại các doanh nghiệp có khả năng đoạt giải. Lễ tôn vinh và trao giải lần đầu tiên vào tháng 1-2007.

Theo ông Dương Trọng Dật, Tổng Biên tập Báo SGGP, Phó ban chỉ đạo, Trưởng ban tổ chức, giải thưởng là dịp để tôn vinh, ghi nhận sự nỗ lực, đóng góp của doanh nghiệp cho công tác bảo vệ môi trường. Ngoài các bài viết giới thiệu các doanh nghiệp đoạt giải trên Báo SGGP, lễ trao giải - dự kiến sẽ được trực tiếp truyền hình trên VTV, cũng sẽ là cơ hội tôn vinh các doanh nghiệp đoạt giải, trao đổi kinh nghiệm bảo vệ môi trường giữa các doanh nghiệp.  

A.V – H.M.T 

1. TIÊU CHÍ BẮT BUỘC (15 điểm)

a) Xử lý toàn bộ nước thải phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất đạt tiêu chuẩn môi trường (5 điểm).

b) Xử lý bụi, khí thải, mùi hôi và tiếng ồn đạt tiêu chuẩn môi trường (5 điểm).

c) Thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, nguy hại hoặc ký hợp đồng thu gom, xử lý với các đơn vị có chức năng (5 điểm).

2. TIÊU CHÍ XÉT GIẢI (85 điểm)

a) Công nghệ (55 điểm)
- Trình độ công nghệ sản xuất (10 điểm):
+ Thiết bị, máy móc: Xuất xứ, năm sản xuất, chế độ vận hành, hiệu quả sử dụng, mức độ làm chủ công nghệ, chi phí năng lượng.
+ Nhân sự: Trình độ nhân lực đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ lao động có tay nghề kỹ thuật, đội ngũ lao động có tay nghề phổ thông; đào tạo nguồn nhân lực.
+ Thông tin: Nguồn thông tin, mức độ sử dụng thông tin, hệ thống thông tin liên lạc nội bộ.
+ Tổ chức quản lý: Giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng quản lý, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, tăng cường công tác tiếp thị quảng bá thương hiệu, đẩy mạnh công tác tìm thị trường mới, tăng tỷ lệ hàng xuất khẩu, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm.
- Trình độ công nghệ xử lý chất thải (10 điểm):
+ Công nghệ xử lý, thiết bị máy móc.
+ Nhân sự.
+ Thông tin.
+ Quản lý, giám sát, báo cáo.
- Áp dụng có hiệu quả phương pháp sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu trong quá trình sản xuất (15 điểm):
+ Quản lý nhà xưởng tốt.
+ Thay thế nguyên liệu đầu vào.
+ Kiểm soát quy trình sản xuất.
+ Cải tiến thiết bị, thay đổi công nghệ.
+ Cải tiến sản phẩm.
+ Sử dụng năng lượng hiệu quả.
+ Tái chế và tái sử dụng chất thải.
- Áp dụng công nghệ tiên tiến, nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả các giải pháp bảo vệ môi trường (10 điểm).
- Được cấp các chứng nhận quản lý chất lượng như ISO 9001, ISO 14000, TQM, 5S, SA 8000, HACP, GMP... (10 điểm).

b) Nguyên vật liệu đầu vào (10 điểm)
Ưu tiên, khuyến khích cho những doanh nghiệp sử dụng nguyên vật liệu sản xuất thân thiện với môi trường, giảm thiểu chất thải, không ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái (10 điểm).

c) Sản phẩm (10 điểm)
- Tính thân thiện với môi trường (5 điểm).
- Hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (5 điểm).

d) Đầu tư của doanh nghiệp cho công tác bảo vệ môi trường tại đơn vị và cộng đồng (10 điểm)

Thông tin liên quan

Tiếp sức doanh nghiệp khi hội nhập

Tin cùng chuyên mục