
Tôi tình cờ đọc được quyển Truyện ngắn Nam Cao lúc còn là học sinh tiểu học. Quyển sách cũ kỹ này ba tôi mượn được từ một ông hàng xóm người Hoa mới lạ chứ! Ham đọc, tôi ngấu nghiến ngay những truyện ngắn đầy nước mắt như Trăng sáng, Một đám cưới, Một bữa no, Chí Phèo, Lão Hạc, Đời thừa…

Giở từng trang sách, tôi không khóc nhưng nước mắt cừ ràn rụa khi hiện ra trong đầu những hình ảnh thương tâm: vợ anh đĩ Chuột phải nấu cám cho con ăn, còn anh thì phải trốn chạy bằng cách treo cổ; lão Hạc kết liễu đời mình bằng miếng bã chó; con bé Dần 15 tuổi phải đi lấy chồng, vừa để trả nợ, vừa đỡ một miệng ăn trong nhà; một bà cụ đến thăm đứa cháu, được ăn một bữa no rồi… chết. Toàn cảnh đau lòng cả.
Có những chuyện lúc nhỏ tôi không mấy cảm động nhưng lớn lên, đọc lại, tôi nghe nước mắt chảy trong lòng. Đó là chuyện về những trí thức nghèo muốn xây dựng một lâu đài nghệ thuật cho mình nhưng rồi lại “bị áo cơm ghì sát đất”, lủi thủi làm kẻ thô lỗ, cục cằn một cách tội nghiệp. Đó là chuyện một gã lưu manh muốn hoàn lương nhưng không ai trả lại quyền được làm người… Toàn những chuyện cay đắng cả.
Tôi yêu truyện Nam Cao. Tôi kính trọng và say mê ông. Tôi cũng ảnh hưởng ông rất nhiều trong cuộc sống, nhất là trong cách sống, cả việc viết lách dù chỉ tập tành thôi. Tôi sống khá lặng lẽ, ít bạn bè, nhút nhát trước những sôi động của cuộc đời như cái anh chàng tự nhận mình là “cái mặt không chơi được” trong truyện ngắn cùng tên. Khi tôi viết, tôi hay dùng lối văn lãnh đạm, thờ ơ, thích dùng những từ “hắn”, “gã”, dù những “tác phẩm” ấy chỉ phổ biến trong trường trung học, trên những tờ báo tường đầy dấu ấn học trò.
Nhưng tôi nhớ một người bạn hồi phổ thông. Bạn ấy ghi trong lưu bút, nhận xét về tôi thế này: Bạn là một người giống như Nam Cao, bên ngoài thì lạnh lùng nhưng bên trong thì sôi nổi, nhiệt tình và giàu tình cảm. Đó là một lời nói mà suốt đời tôi ghi nhớ và trân trọng.
So với Nam Cao, tôi chỉ là một người rất bé nhỏ và tầm thường nhưng tôi luôn cố gắng sống hết mình bằng thứ tình cảm như Nam Cao đã sống. Không là thần tượng nhưng nhà văn liệt sĩ này luôn là một hiện thân cao cả của con người - nhà văn - chiến sĩ trong tôi để tôi tôn thờ, học tập và phấn đấu vươn tới. Và tất nhiên, lòng nhân ái của ông là một trong những điều đọng lại sâu sắc nhất, không chỉ qua riêng Truyện ngắn Nam Cao.
TRÚC GIANG
(234 Võ Thị Sáu, Q3, TPHCM)