Nhiều tiềm năng phát triển
Theo Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, TPHCM là đô thị đang phát triển mạnh, nhu cầu về năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn, trong khi nguồn năng lượng cung cấp cho thành phố không đủ nhiều. Vì vậy, để có nguồn năng lượng cung cấp đủ cho phát triển kinh tế - xã hội, thành phố đã và đang chú trọng đến việc phát triển các nguồn NLTT.
Theo đó, thực hiện chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) của Chính phủ, nhiều hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã lắp đặt các hệ thống ĐMTMN, mái công trình để phát điện. Hầu hết sản lượng điện năng phát ra sẽ được được tiêu thụ tại chỗ, phần điện năng dư còn lại sẽ phát ngược lên lưới điện và được Tổng Công ty Điện lực TPHCM mua lại.
Số liệu thống kê cho thấy, hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 14.200 hệ thống ĐMTMN với tổng công suất lắp đặt gần 360MWp, có khả năng đáp ứng từ 8-10% nhu cầu công suất toàn thành phố trong những thời điểm bức xạ cao, chiếm tỷ lệ 3,71% ĐMTMN của cả nước.
Ngoài ra, thành phố cũng đang kêu gọi đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện với mong muốn có những nhà máy xử lý rác thông minh, tạo năng lượng an toàn cho môi trường. Thành phố đang kiến nghị Bộ Công thương bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia một số dự án đốt rác phát điện như dự án nhà máy đốt rác phát điện của Công ty CP Vietstar có công suất 40MW; dự án đốt rác phát điện của Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa có công suất 40MW.
Bên cạnh các tiềm năng về phát triển nguồn NLTT từ việc đốt rác phát điện, ĐMTMN, thành phố cũng đang kêu gọi đầu tư vào dự án điện gió trên khu vực biển Cần Giờ. Theo tính toán, dự án điện gió ngoài khơi biển Cần Giờ với công suất tiềm năng đạt 6.000MW, có thể mang lại lợi ích lớn để phát điện lên lưới, đồng thời cung cấp cho các nhà máy sản xuất hydrogen xanh - nguồn năng lượng sạch tiềm năng to lớn.
Kiến tạo môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho biết, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), đến năm 2025, NLTT sẽ trở thành nguồn sản xuất điện chính, cung cấp 1/3 lượng điện trên thế giới, ước tính công suất điện gió và quang điện sẽ vượt công suất của khí đốt vào năm 2023 và than đá vào năm 2024. NLTT đang được xem là giải pháp và xu hướng tất yếu của ngành năng lượng hiện nay trên thế giới.
Mặt khác, Việt Nam đã tham gia và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia, trong một số hiệp định được ký kết có những quy định và cam kết NLTT như quy định về giảm thuế nhập khẩu cho sản phẩm và thiết bị NLTT trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); quy định về các rào cản phi thuế quan đối với thương mại và đầu tư sản xuất NLTT trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Chính vì thế, phát triển NLTT, năng lượng sạch ở Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng là vấn đề cần lưu tâm, mang tính quyết định tương lai phát triển cho nhiều ngành kinh tế. Cũng theo ông Phạm Bình An, để có thể phát triển nguồn NLTT thuận lợi, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để nhà đầu tư yên tâm đầu tư. Chính phủ cần đưa ra các chính sách thúc đẩy đầu tư phát triển NLTT và có giải pháp hỗ trợ một cách kịp thời.
Chia sẻ từ góc độ đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho biết, việc phát triển NLTT đang gặp nhiều vướng mắc do khung pháp lý còn hạn chế, liên quan đến việc thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng cho các công nghệ NLTT, việc sử dụng đất triển khai các dự án NLTT còn nhiều đặc thù, chưa kể còn không ít vướng mắc về mặt kỹ thuật, tài chính. Để gỡ khó cho các dự án NLTT, ông Hải kiến nghị cơ quan nhà nước cần đưa ra các định hướng, chính sách thông thoáng hơn, đầy đủ hơn để tạo môi trường đầu tư ổn định đối với nguồn NLTT.
Ông Nguyễn Anh Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công thương) cũng nhìn nhận, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để thu hút nhà đầu tư cho việc phát triển các nguồn NLTT, như: Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 140 của Chính phủ...
Với sự phát triển ngày càng nhanh chóng của NLTT, theo ông Nguyễn Anh Sơn, khung pháp lý điều chỉnh các dự án này cần thiết phải hoàn thiện và nhanh chóng hơn để tạo thuận lợi cho quá trình triển khai của doanh nghiệp, hạn chế rủi ro, thiệt hại phát sinh. Đối với TPHCM, ông Sơn cũng kiến nghị, lãnh đạo TPHCM cần nghiên cứu và đánh giá sát thực tiễn tiến độ, vướng mắc khi triển khai các dự án NLTT, từ đó góp thêm thông tin để hoàn thiện khung chính sách phát triển NLTT quốc gia.
Theo ông Huỳnh Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, đến nay, chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng tăng tỷ lệ NLTT, năng lượng mới đạt 15% tổng công suất cực đại hệ thống điện trên toàn thành phố. Thành phố đã ban hành nhiều giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm tại các công trình xây dựng, ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án sử dụng NLTT, đầu tư chuyển đổi công nghệ của các nhà máy xử lý chất thải rắn hiện hữu và đầu tư mới nhà máy xử lý chất thải rắn bằng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, hạn chế chôn lấp; trong đó có 2 dự án chuyển đổi công nghệ (Công ty Vietstar, Công ty Tâm Sinh Nghĩa), 1 dự án xử lý rác đầu tư mới (nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn thành phố theo phương thức PPP). Dự kiến, đến năm 2027, tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế sẽ đạt ít nhất 80%.