Trong bối cảnh nguồn cung năng lượng ngày càng cạn kiệt, trong khi nhu cầu sử dụng điện năng ngày càng cao, TPHCM đã và đang ưu tiên phát triển nguồn điện từ nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện sinh khối..., đồng thời kêu gọi đẩy mạnh công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Tiềm năng phát triển điện mặt trời
Theo Sở Công thương TPHCM, TPHCM có lượng bức xạ lớn, số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 100-300 giờ, liên tục trong suốt cả năm và ít khi bị gián đoạn. Vào mùa khô giờ nắng lên đến 300 giờ, mùa mưa vào khoảng 150 giờ. Do vậy tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời là rất lớn, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tiềm năng điện mặt trời trên mái nhà của TPHCM khoảng 6.300MW, gấp 1,4 lần công suất cực đại của thành phố hiện nay. Việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà giúp bổ sung nguồn điện tại chỗ cho nhu cầu sử dụng chung của thành phố. Đây cũng là nguồn năng lượng sạch, xanh, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, giảm phát thải khí CO2 và giảm bức xạ nhiệt cho các tòa nhà; đồng thời cũng sẽ góp phần không nhỏ trong việc giảm áp lực căng thẳng về nguồn điện trong giai đoạn sắp tới.
Giai đoạn 2013-2019, công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà nối lưới tăng rất nhanh. Năm 2013 mới chỉ có dự án lắp đặt cho các hộ dân xã đảo Thạnh An (khi chưa được kéo lưới điện quốc gia) thì đến năm 2019, dự án điện mặt trời đã được phủ sóng rộng trên địa bàn thành phố, từ mái nhà các hộ dân cho đến các doanh nghiệp, công sở.
Đặc biệt, từ khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ phát triển điện mặt trời thì ngày càng có nhiều người dân, doanh nghiệp lắp đặt. Đây được xem là cột mốc báo hiệu sự phát triển mạnh mẽ cũng như sự quan tâm sử dụng điện mặt trời của người dân thành phố. Chị Nguyễn Thị Kim Ánh (ngụ đường Bành Văn Trân, quận Tân Bình) cho biết, gia đình chị đã đầu tư 12 tấm pin điện mặt trời với kinh phí 70 triệu đồng. Sau thời gian sử dụng, mỗi tháng gia đình chị tiết kiệm được từ 800.000-900.000 đồng tiền điện và quan trọng hơn là nguồn điện rất ổn định, không phải lo bị cắt hay cúp để sửa điện theo kế hoạch ngành điện. Điện thu về từ các tấm pin năng lượng mặt trời không chỉ cho gia đình xài, mà còn dư để nối lưới.
Phát triển nguồn điện từ đốt rác
Trong thời gian vừa qua, thành phố đã kêu gọi đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện. Hiện tại, trên địa bàn thành phố có một dự án đầu tư xây dựng xử lý chất thải rắn kết hợp thu hồi năng lượng để phát điện, đó là Nhà máy điện rác Gò Cát bao gồm 3 tổ máy phát điện với tổng công suất lắp đặt là 2,4MW, ước thu hồi 410m³ khí/ngày bằng công nghệ phủ bạt (HDPE) và cắm ống thu khí với tổng đầu tư khoảng 242 tỷ đồng. Ngoài ra, một số dự án khác đang trong giai đoạn lập báo cáo đầu tư xây dựng như: dự án Nhà máy điện LFG Đa Phước (công suất 12,36MW) của Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam, dự kiến hoàn thành vào năm 2021; dự án nhà máy điện đốt rác phát điện của Công ty CP VietStar (có công suất 40 MW), Công ty Tâm Sinh Nghĩa (40 MW), Công ty TASCO (48 MW)... đã được khởi công, dự kiến hoàn thành vào năm 2022-2023. Tổng Công ty Điện lực TPHCM cũng đang triển khai các bước để xây dựng trạm biến áp 110kV Phước Hiệp - Củ Chi để phục vụ cho việc đấu nối giải tỏa công suất cho các dự án nhà máy đốt rác phát điện của các công ty.
Theo Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng, TPHCM đã xác định chủ trương giảm tỷ lệ khối lượng chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp sinh và chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn theo hướng áp dụng công nghệ hiện đại có thu hồi năng lượng để phát điện theo quy định của Chính phủ. Các nhóm giải pháp đã được Sở TN-MT phối hợp với các sở ngành, đơn vị triển khai. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án xử lý chất thải đã có chủ trương của thành phố; thực hiện đấu thầu lựa chọn dự án xử lý chất thải mới áp dụng công nghệ hiện đại trong thời gian tới.
Sở TN-MT đang tích cực làm việc với công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) để tiến hành điều chỉnh đề án chuyển đổi công nghệ xử lý cho phù hợp với định hướng của thành phố. Công ty cũng đã đầu tư lắp đặt 70 đầu đốt khí di động gắn trực tiếp vào các ống thu khí trên bãi chôn lấp để góp phần giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang triển khai thực hiện kêu gọi đầu tư 2 dự án xử lý chất thải áp dụng công nghệ đốt phát điện hiện đại (công suất 1.000 tấn/ngày/dự án) theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao.
Tính từ đầu năm 2020 tới nay, trên địa bàn thành phố đã phát triển 6.405 hệ thống với công suất là 158,24MWp, đạt tỷ lệ 105,49% so với chỉ tiêu Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao là 150MWp, sản lượng điện phát lên lưới đạt 56,28 triệu kWh tương đương số tiền 112,56 tỷ đồng. Lũy kế đến tháng 12-2020, toàn thành phố có 12.432 công trình điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt 241,13MWp. |