Việc cung ứng gạo được xây dựng sớm là do trong thời gian vừa qua, ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19 khiến giá lúa, gạo nguyên liệu tăng liên tục. Ngoài ra, tình hình hạn mặn xâm nhập khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng tác động rất lớn đến diện tích sản xuất trồng trọt khiến giá lúa gạo liên tục tăng cao. Bên cạnh đó, kể từ tháng 5-2020 Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại cũng góp phần đẩy giá lúa, gạo tăng.
Chính vì thế, nhằm ổn định giá bán cho người tiêu dùng, Sở Công thương đã đưa ra kế hoạch cung ứng gạo tết. Theo đó, lượng gạo bình ổn phục vụ thị trường Tết Tân Sửu năm nay dự kiến 3.943,2 tấn, do các doanh nghiệp như Foodcosa, Vinh Phát, Tấn Vương… cung cấp.
Về giá, trong trường hợp có biến động thị trường, giá gạo bình ổn sẽ được điều chỉnh tăng từ 1.000 đồng/kg - 2.000 đồng/kg (13%-15%), áp dụng tùy từng mặt hàng. Mức giá điều chỉnh này đã được áp dụng kể từ ngày 12-9 vừa qua. Dù vậy, theo Sở Công thương, sau khi điều chỉnh như trên thì giá các mặt hàng gạo trong chương trình bình ổn thị trường vẫn đảm bảo thấp hơn giá bình quân các mặt hàng cùng chủng loại trên thị trường từ 11,8% - 13,3%, đáp ứng đúng quy định của chương trình.
Điều đáng mừng là dù TPHCM không sản xuất được nhiều lúa gạo nhưng thông qua chương trình hợp tác thương mại, Sở Công thương đã làm việc với các địa phương có nguồn cung gạo lớn như Đồng Tháp, An Giang, Long An... để nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất hàng hóa phục vụ tết, hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ.
Hiện trên địa bàn TPHCM có 4.209 điểm bán lương thực thực phẩm thuộc diện bình ổn, gồm 112 siêu thị - trung tâm thương mại, 554 cửa hàng tiện lợi, 938 điểm bán trong 122 chợ truyền thống, 2.605 điểm bán trong khu dân cư. Tại những điểm bán này, người tiêu dùng có thể mua được gạo nói riêng và các loại nông sản, thực phẩm khác nói chung với giá cả phù hợp.